Năm 2018 được đánh giá là thành công với ngành công thương khi các chỉ tiêu đề ra đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục có mức tăng 13,8% tương ứng giá trị 244,7 tỷ USD trong năm 2018, cùng với đó đã có 29 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vượt 1 tỷ USD.
Với kết quả trên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn của thế giới và đóng góp tích cực cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong năm vừa qua.
Trước thềm năm mới 2019, ông Trần Tuấn Anh đã có một số chia sẻ với phóng viên về các giải pháp của ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ “bứt phá”- thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhằm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của đất nước năm nay.
[Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Được mùa cả Công lẫn Thương]
- Trước tiên, xin Bộ trưởng chia sẻ về kết quả tăng trưởng kinh tế của năm 2018 vừa rồi?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta đã chứng kiến một năm nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành rất tập trung, thống nhất và quyết liệt của Chính phủ. Con số tăng trưởng GDP 7,08% có thể nói là rất tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đưa ra từ đầu năm.
Có được kết quả này, ngay từ đầu năm Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành hết sức quyết liệt, nhất là qua các khâu đánh giá và dự báo để có các biện pháp và giải pháp.
Các kết quả của các quý của năm 2018 cho thấy đều có những điểm ấn tượng, rất tích cực ngay từ những tháng đầu năm. Và vì vậy, kết quả tăng trưởng là tương đối cao đồng thời duy trì được sự ổn định và bền vững của xuất khẩu, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại nội địa, lưu chuyển hàng hóa… đã góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra.
Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nổi lên như là một điểm sáng, là động lực để thúc đẩy tăng trưởng của các chỉ số sản xuất công nghiệp cũng như đóng góp trong cơ cấu và tăng trưởng của GDP.
- Năm 2019 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,9-7%, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ tiếp tục được xác định là động lực chính cho tăng trưởng. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của ngành Công Thương để đạt được kết quả này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói, với một tốc độ tăng trưởng cao và vượt mục tiêu đối với chỉ số sản xuất công nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy xu thế tương đối rõ nét trong phát triển công nghiệp của chúng ta.
Như tôi đã nói, đây chính là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, trong tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong cả các giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho từng ngành hàng, từng sản phẩm, đặc biệt trong công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nhưng đồng thời cũng thể hiện cho chúng ta thấy các chủ trương và chính sách và cả các biện pháp cụ thể trong việc tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu các ngành công nghiệp đã đạt được hiệu quả tích cực, cho dù mới chỉ là những bước đi ban đầu.
Bên cạnh đó, với sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo, kết quả tiêu thụ của lĩnh vực này là chỉ số tồn kho thấp đi cũng cho thấy, khâu thị trường tiếp tục được cải thiện. Qua đó cho thấy năng lực cạnh tranh và nhìn rộng ra là khả năng tham gia chuỗi của các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đang được định vị.
- Năm 2018 cũng đánh dấu là năm thứ 3 xuất siêu liên tiếp, trong đó tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 ghi nhận đã có sự tham gia hết sức tích cực của khối doanh nghiệp trong nước. Vậy Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về kết quả này cũng như trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và phát triển thị trường xuất khẩu?
Bộ trường Trần Tuấn Anh: Chúng tôi cho rằng đây là nỗ lực, cũng là đóng góp rất lớn của ngành Công Thương trong công tác điều hành xuất nhập khẩu.
Thực tế, mức tăng trưởng xuất khẩu tới 13,8% trong năm 2018 có thể nói rằng Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu lớn của thế giới.
Điều này càng thấy rõ hơn khi đặt trong bối cảnh của thương mại thế giới đang có những dấu hiệu u ám, những diễn biến bất thường của bảo hộ mậu dịch mới, thậm chí chủ nghĩa đơn phương và những toán tính đang phá vỡ kết cấu của hệ thống thương mại đa phương để ảnh hưởng tới toàn cầu hóa... nhưng xuất khẩu đã vượt được lên trên tất cả và đạt được con số nêu trên.
Tương tự như trong công nghiệp, năm 2018 xuất khẩu cũng đạt được mục tiêu kép, đó là tăng trưởng cao đồng thời kiểm soát được nhập siêu. Có thể thấy, thay vì kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 3% thì chúng ta đã có thặng dư thương mại tới 7,2 tỷ USD.
Nói một con số tưởng chừng đơn giản nhưng đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, qua đó cho thấy chủ trương chính sách của chúng ta trong suốt quá trình tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng lẫn cả trong chiến lược xuất khẩu bền vững cũng như chiến lược trong hội nhập đã có sự gắn kết, đồng bộ. Điều này tạo ra những động lực lớn hơn, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Một điểm nhấn nữa là khi nhìn vào bản đồ xuất nhập khẩu của thế giới thì tất cả các khía cạnh khác của chúng ta đều chứa đựng những yếu tố tích cực.
Tôi lấy ví dụ, Việt Nam là một quốc gia có tốc tộ tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng đồng thời cũng khẳng định được vị trí của mình trong hàng loạt chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của thế giới.
Thấy rõ nhất là Việt Nam đã đứng thứ 3 trong xuất khẩu về da giày, đứng thứ 7 trong xuất khẩu dệt may và chắc chắn những mặt hàng khác như: gạo, càphê, cao su… là những sản phẩm thế mạnh hiện duy trì được ở tốp đầu của thế giới.
Thế nhưng tôi không chỉ muốn nói đến vị trí ở trong các mặt hàng xuất khẩu đó, mà tôi muốn khẳng định nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã có thể ở trong chuỗi cung ứng thông qua năng lực cạnh tranh của sản phẩm, sự phát triển của doanh nghiệp.
Một điểm nữa trong lĩnh vực xuất khẩu cần phải nói tới đó là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước năm nay lần đầu tiên đã vượt lên với tốc độ tăng trưởng lên tới 15,9%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn có thặng dư và tốc độ tăng trưởng rất cao trong những năm trước thì năm 2018 dù vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tốt nhưng chỉ ở mức 13,6%.
Điều đó cho thấy là các doanh nghiệp nội mà chúng ta vẫn hay lo lắng về khả năng cạnh tranh và khả năng tham gia thị trường thế giới do những hạn chế về quy mô tín dụng, về trình độ công nghệ hay năng lực của người lao động… đã có sự vươn lên rất mạnh mẽ trong năm vừa qua.
Đặc biệt nữa là trong một loạt các sản phẩm của ngành hàng chủ lực, năm 2018 đã có đến 29 lĩnh vực, sản phẩm có kim ngạch thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong số đó có những mặt hàng chúng ta tiếp tục khẳng định vị thế của mình với 5 lĩnh vực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Tôi tin chắc rằng, với đà này thì số lượng các ngành hàng, lĩnh vực của chúng ta có thể tiếp tục nâng cao năng lực sản phẩm cũng như tiếp cận mở rộng thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi của hệ thống thương mại đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và bắt đầu triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có được những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bên cạnh chiến lược dài hạn trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành công nghiệp, nông nghiệp rồi xuất nhập khẩu…
- Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất năm 2018:
- Trong lĩnh vực thương mại nội địa, Bộ đã có những định hướng và quan tâm như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với một thị trường gần 97 triệu dân, thời gian qua chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển rất đa dạng của nhiều thành phần kinh tế trong việc tiếp tục cải thiện và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại đồng thời tiếp tục có sự liên kết ngày càng bền vững và ổn định hơn trong chuỗi cung ứng để phát triển thị trường thương mại nội địa.
Một điểm nữa là chúng ta cũng chứng kiến làn sóng đầu tư rất lớn của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, để phát triển cả về quy mô và chiều sâu của hệ thống phân phối bán lẻ nội địa.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các cam kết hội nhập, tôi cho rằng các thách thức và cơ hội đang đều mang đến cũng như chứa đựng những yếu tố để thúc đẩy cho sự tăng trưởng, đem lại cơ hội đa dạng các sản phẩm hàng hóa cho người dân cùng với hệ thống phân phối ngày càng hoàn thiện.
- Với rất nhiều nhiệm vụ đặt ra cho năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp then chốt nào để đạt được mục tiêu đề ra?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phải khẳng định mục tiêu đầu tiên của năm 2019 của Bộ Công Thương là phải tổ chức triển khai các chương trình hành động thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và thu ngân sách năm 2019.
Tiếp đến, Bộ sẽ bám sát vào các mục tiêu và các chỉ tiêu mà Quốc hội đã phê chuẩn trong năm 2019 này để đặt ra các kế hoạch cụ thể, thậm chí là đưa ra những kịch bản cho tăng trưởng và phát triển ở trong từng lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho từng quý và trong từng giai đoạn.
Thậm chí chúng tôi còn phải hướng vào từng nhóm ngành hàng, sản phẩm trọng điểm với những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, từng thời điểm để đảm bảo cho sự chỉ đạo tập trung xuyên suốt. Đặc biệt, ngoài những giải pháp mang tính dài hạn thì phải có những giải pháp mang tính cấp bách và tình huống bởi dự báo diễn biến khá phức tạp và diễn ra khá nhanh ở trong từng thời điểm của năm 2019.
Đầu tiên là trong việc cân đối về năng lượng, điện năng, phải đặt mục tiêu mang tính pháp lệnh là đảm bảo đủ điện cho tăng trưởng kinh tế cũng như cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Bộ Công thương đã lên phương án với 4 kịch bản để đảm bảo vấn đề này.
Vấn đề thứ 2 là thị trường thương mại nội địa đang là nhiệm vụ rất lớn đặt ra cho Bộ Công Thương trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng. Việc mở cửa thị trường theo những khuôn khổ này cũng như là cả các cam kết hội nhập trước kia đều đang hàm nghĩa là các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, thị trường phân phối bán lẻ sẽ được mở rộng.
Và như vậy cũng có nghĩa là sức ép cạnh tranh lên các ngành sản xuất và các doanh nghiệp trong nước tham gia hệ thống phân phối cũng như sức ép lên hạ tầng… đặt ra cho công tác quản lý nhà nước ở cả khía cạnh pháp luật cũng như chiến lược phát triển hay những chính sách cụ thể. Do đó, đây là giai đoạn then chốt để Bộ phải tập trung vào vấn đề này.
- Bộ trưởng kỳ vọng và tin tưởng vào sự tăng trưởng của các lĩnh vực mà ngành Công Thương quản lý trong năm 2019?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng với những kết quả rất tích cực và tương đối ổn định, 2019 là năm sẽ có nhiều những điều kiện thuận lợi, cơ chế mới sẽ tiếp tục định hình và phát huy hiệu quả, nhất là các chính sách mang tính tương đối bền vững và ổn định, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững trong xuất nhập khẩu, hay chiến lược về tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nói chung.
Tất cả đều đã có định hướng rất rõ ràng và đã đựợc cụ thể hóa trong các kế hoạch cụ thể trong từng năm, từng giai đoạn. Hơn nữa, trong khung khổ hội nhập của thế giới chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm với những bước đi có thể nói rất chắc chắn và có tính ổn định.
Tôi tin rằng những bài học kinh nghiệm đó sẽ giúp chúng ta phát huy tốt trong hoạt động xây dựng chính sách và điều hành của Chính phủ trong năm 2019, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiếp tục được đưa vào cuộc sống thì chắc chắn sẽ đem lại động lực cho sự phát triển.
Tôi tin rằng những mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế xã hội nói chung cũng như các lĩnh vực của ngành công thương nói riêng trong năm 2019 này sẽ có được các kết quả khả quan và tích cực.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.