Sức bật tăng trưởng từ kinh tế biển ở thành phố cảng Hải Phòng

Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ở Hải Phòng đạt gần 143 triệu tấn tăng 10,58% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu cảng biển cả năm 2020 ước đạt hơn 5.484 tỷ đồng.
Sức bật tăng trưởng từ kinh tế biển ở thành phố cảng Hải Phòng ảnh 1Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại hải Phòng là cảng biển nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Với vị thế của thành phố có hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc, giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng xác định một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của thành phố đó chính là kinh tế biển.

Mũi nhọn là hệ thống cảng đón tàu tải trọng lớn

"Cái nôi" đầu tiên của hệ thống cảng biển Hải Phòng chính là sự hình thành của Cảng Hải Phòng từ năm 1888. Trải qua những thăng trầm, Hải Phòng từ thương cảng nhỏ bé, trước năm 1945 với năng lực chuyển tải hàng hóa chỉ đạt hơn 50 tấn mỗi năm, đến thời điểm hiện tại, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ.

Theo danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam công bố ngày 24/4/2020, Hải Phòng có 49 bến cảng. Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố đạt gần 143 triệu tấn tăng 10,58% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu cảng biển cả năm 2020 ước đạt hơn 5.484 tỷ đồng. Trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển, Hải Phòng hướng tới trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế.

Tiên phong trong chiến lược phát triển hệ thống cảng biển nước sâu phải kể tới hai bến container đầu tiên tại Lạch Huyện do Cảng Container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HITC) quản lý và khai thác từ ngày 13/5/2018.

TC-HICT - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân, là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn với hãng tàu MOL (Nhật Bản), hãng tàu Wanhai (Đài Loan - Trung Quốc) và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản).

[Cảng Hải Phòng đón mã hàng đầu tiên trong Năm mới 2021]

Cảng TC-HICT nằm ở vị trí thuận lợi trên trục đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và là đầu mối của các tuyến đường thủy nội địa, đường ven biển đi đến các khu vực Quảng Ninh và toàn bộ các tỉnh đồng bằng trung du Bắc bộ và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, Trung Bộ và vùng Tây Nam Trung Quốc bằng đường bộ qua cầu Tân Vũ-Lạch Huyện và đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Cảng biển có thể tiếp nhận tàu container sức chở 12.000 TEU, trọng tải 132.000 DTW vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.

Hoạt động của TC-HICT góp phần thay đổi bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở khu vực phía Bắc, giúp giảm đáng kể chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Tại cuộc gặp mặt báo chí gần đây của Quân chủng Hải Quân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn Phạm Văn Phèn cho biết, sau 2 năm đi vào hoạt động, TC-HICT đóng góp chung vào sự phát triển sản xuất kinh doanh của tổng công ty trong việc giữ vững vị trí số 1 của Việt Nam về khai thác cảng với 60% thị phần container xuất nhập khẩu, 50% thị phần container thông qua các cảng của Tân Cảng Sài Gòn.

Riêng TC-HITC sau 2 năm đi vào hoạt động đã đón 404 chuyến tàu, sản lượng thông qua năm 2020 đạt 661.051 TEU, tăng 58% so với năm 2019.

Cùng với 2 bến cảng container của TC-HICT, tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng thực hiện dự án này.

Mới đây nhất, ngày 4/3/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6. Nhà đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Tập đoàn HATECO.

Như vậy, đến thời điểm này đã có 6 bến cảng thuộc khu Lạch Huyện được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, khẳng định năng lực vượt trội của hệ cảng biển Hải Phòng trong hệ thống cảng biển Việt Nam và thế giới.

Biển mở đường cho làn sóng đầu tư và du lịch

Kinh tế biển của Hải Phòng không chỉ dừng lại ở khai thác tiềm năng của hệ thống cảng. Tận dụng thời cơ và lợi thế của thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc và hệ thống giao thông khác thuận lợi từ đường hàng không đến đường sắt, đặc biệt là hệ thống 44 cây cầu các loại kết nối với các tỉnh lân cận là Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương đã đưa Hải Phòng tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn.

Sức bật tăng trưởng từ kinh tế biển ở thành phố cảng Hải Phòng ảnh 2Sản xuất linh kiện điện tử tại công y EVA trong khu công nghiệp Vsip. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hải Phòng đã có 13 Khu công nghiệp mới sẵn sàng đón tiếp dòng đầu tư mới. Lũy kế đến hết năm 2020, tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp Hải Phòng thu hút 567 dự án trong đó có 400 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đạt 16 tỷ đô la Mỹ và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 146.000 tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm 2021 khi dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Hải Phòng vẫn thu hút 6 dự án cấp mới, 9 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn 2 tháng đạt 911,36 triệu USD và trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Chỉ riêng tập đoàn LG của Hàn Quốc đã có 4 dự án lớn đầu tư tại khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, Hải Phòng. Đầu năm 2021, tập đoàn này tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD cho dự án LG Display.

Như vậy, riêng LG Display đã có số vốn đầu tư lên 3,25 tỷ USD, trở thành dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn thành phố.

Để có được kết quả này, ngoài vị thế địa lý, nỗ lự cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng, sự bứt phá còn đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Phòng trong giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố đến với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đại diện của Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, đơn vị tận dụng sử dụng công nghệ thông tin, trợ lý ảo 360 để khách hàng khắp nơi trên thế giới tham quan được khu công nghiệp và hội họp tìm nhà đầu tư qua các cuộc gọi video. Đây là cách thức tốt để nhà đầu tư khảo sát thực tế Khu công nghiệp mà không mất nhiều thời gian, chi phí di chuyển.

Song song với phát triển kinh tế công nghiệp, Hải Phòng tập trung đầu tư phát triển du lịch, với 2 trọng điểm du lịch là quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn. Lượng khách du lịch đến với Cát Bà luôn chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch đến với thành phố.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, cơ hội để du lịch Hải Phòng bứt phá trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi. Với lợi thế đường hàng không có thể tiếp nhận những máy bay lớn nhất, hệ thống cảng biển phát triển, các trọng điểm du lịch đang được khai thác và bảo tồn hiệu quả... sẽ là những điểm sáng thu hút khách đến với Hải Phòng.

Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hải Phòng lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển cả nước.

Quy mô kinh tế tăng gấp 2,2 lần năm 2015, bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 5.863 USD, gấp 1,95 lần bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nội địa năm 2020 gấp 2,32 lần năm 2015.

Nhiều tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đầu tư vào lĩnh vực chế tạo đưa Hải Phòng thành trung tâm kinh tế, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cảng biển và du lịch phát triển mạnh, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục