Như Vietnam+ đưa tin, liên quan đến sự cố lún nứt cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau khi thông xe được 5 tháng, ông Ngô Thế Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: “Hiện nay, các vị trí nếu tiếp tục lún nứt hỏng đến đâu sẽ phải sửa chữa ngay. Dự kiến trong quý I, các vị trí lún nếu tắt lún sẽ được bóc toàn bộ mặt thảm và làm lại.” Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lún nứt do dỡ tải sớmXem xét kỷ luật về sự cố đường Cầu Giẽ-Ninh Bình Theo ông Nghĩa, vị trí mặt đường bị lún nứt với chiều dài khoảng 900m là đoạn qua thôn An Lộc Thượng (tại vị trí Km256+186 - Km256+541) và thôn Hoàng Nê-Hoàng Nghị (tại Km257+950 - Km258+300), huyện Ý Yên (Nam Định). Có mặt tại vị trí lún, theo quan sát của phóng viên, bề mặt đường vẫn bị bong tróc nham nhở, xuất hiện những vết lõm sâu khoảng 5 – 7cm kéo dài. Nhiều phương tiện ôtô đều phải tìm đường tránh mỗi khi qua đây. Để đảm bảo an toàn giao thông đơn vị quản lý tuyến đường hiện buộc phải làm nhiều gờ giảm tốc độ và cắm hàng loạt biển báo đoạn đường đang theo dõi lún, biển hạn chế tốc độ phương tiện từ 100km/h xuống 40km/h ngay cạnh dải phân cách tuyến đường. Lý giải cho việc nguyên nhân lún của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Nghĩa phân bua, các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ tải sớm để làm mặt đường quá độ (do độ lún dư còn nhiều nên đã làm mặt đường quá độ bằng láng nhựa, sau khi hết lún sẽ được thảm bêtông nhựa). Trong quá trình khai thác, cần theo dõi và bù lún đồng thời lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ. “Đoạn đường đang ở giai đoạn xử lý, nền đường sẽ bị lún không đều, tốc độ lún còn lớn ảnh hưởng đến độ bằng phẳng của mặt đường gây nên hiện tượng trồi sụt, ổ gà là khó tránh khỏi. Đoạn đường chưa hoàn thiện có thể xảy ra bong tróc bề mặt,” ông Nghĩa khẳng định. Đề cập đến việc sửa chữa bù lún, ông Nghĩa cho rằng, quá trình này nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào việc đo đạc của các trạm quan trắc được lắp đặt ngay cạnh các vị trí lún của tuyến đường. “Ban quản lý thường xuyên kiểm tra với mật độ hai ngày một lần cùng với xe tuần tra giám sát đường đi dọc tuyến để nắm bắt hiện trạng của cao tốc này. Hiện vẫn còn một số điểm hư hỏng, Ban quản lý đã có kế hoạch sửa chữa nhưng thời gian qua, khi trải thảm nhựa gặp thời tiết mưa cộng với lượng phương tiện qua lại thường xuyên nên vẫn còn lún,” ông Nghĩa cho hay . Ngoài ra, ông Nghĩa cũng bổ sung thêm, vị trí lún này nằm trong khu nền đất yếu, theo thiết kế cần phải áp dụng biện pháp xử lý nền đất yếu bằng giếng cát, bấc thấm và gia tải chờ lún khoảng từ 4 đến 7 tháng.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vẫn bị bong tróc nham nhở. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo ông Nguyễn Quảng Ngãi, Phó Giám đốc Công ty Vận hành bảo trì đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), công ty đã tiến hành làm 2 lần bù lún trên diện rộng tại các vị trí lún. “Kinh phí sửa chữa láng nhựa tại mỗi đoạn lún không nhiều, hai lần sửa với tổng số tiền 300 triệu đồng,” ông Nghĩa tiết lộ. Bên cạnh đó, ông Ngãi cũng đưa ra biện pháp sửa chữa triệt để khi tắt lún, các vị trí lún này sẽ được dải bù phụ lớp đá dăm, lớp nhựa dính bám, chống thấm và tạo nhám bề mặt đường./.
Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 50km, đi qua địa phận 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Nam Định. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 8.974 tỷ đồng; trong đó, 800 tỷ đồng là vốn điều lệ của VEC, số còn lại là vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh. Dự án được đưa vào khai thác ngày 30/6/2012. |
Việt Hùng (Vietnam+)