Sửa luật để khắc phục hiện tượng bức cung trong điều tra

Các cơ quan tư pháp kiến nghị sửa đổi Bộ Luật Tố tụng hình sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”.

Tham gia phiên giải trình có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì phiên giải trình.

Báo cáo với Ủy ban Tư pháp, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết việc chấp hành các quy định của Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an Nhân dân đã đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, lập hồ sơ vụ án hình sự còn thiếu sót, chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện dẫn đến một số trường hợp bị xử oan, sai. Hiện tượng bức cung, dùng nhục hình vẫn còn xảy ra ở cơ quan điều tra chuyên trách của công an một số địa phương, đơn vị, gây bức xúc trong dư luận.

Bộ trưởng cho biết từ tháng 1/2013-31/12/2013 có 19 cán bộ, chiến sỹ bị tước danh hiệu Công an Nhân dân, bị khởi tố, truy tố về những vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; 183 trường hợp trong cơ quan cảnh sát điều tra các cấp do có sai phạm và vi phạm quy trình, quy chế công tác trong hoạt động điều tra đã bị xử lý kỷ luật.

Trên cơ sở nhận diện nguyên nhân của những hạn chế, Bộ Công an đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Tố tụng hình sự để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, bảo đảm việc thu thập, đánh giá, kiểm tra, sử dụng chứng cứ được khách quan, toàn diện. Tăng cường giám sát hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng công an nhân dân.

Đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp tăng cường hoạt động kiểm sát điều tra, phát hiện các sai phạm, thiếu sót của điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục kịp thời; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến về những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động điều tra tội phạm…

Theo Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong, các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam được kiểm sát chặt chẽ, tỷ lệ bị can tạm giam giảm dần; từng bước loại bỏ thiếu sót, vi phạm, hạn chế việc lạm dụng bắt, tạm giữ về hình sự; chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng pháp luật.

Việc thực hiện các yêu cầu về thu thập, đánh giá chứng cứ trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát, Tòa án nhìn chung đã được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật, đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý vụ án khác nhau… nên nhiều hồ sơ trả để điều tra bổ sung chưa chính xác, thiếu căn cứ, cơ quan nhận hồ sơ đã không chấp nhận và trả lại để giải quyết.

Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng nhiều quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự và pháp luật liên quan đến công tác điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất dẫn đến nhận thức không đầy đủ, khó khăn trong thu thập, đánh giá chứng cứ.

Chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đặc biệt là giám định phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Trong khi đó, năng lực, trình độ và kinh nghiệm của một số điều tra viên, kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu công tác, đặc biệt là đối với những vụ án phức tạp, thủ đoạn phạm tội mới. Có cán bộ còn chủ quan, thiếu thận trọng, chưa làm hết trách nhiệm trong điều tra, kiểm sát để bảo đảm việc điều tra khách quan, toàn diện, phiến diện trong đánh giá chứng cứ…

Tại phiên giải trình, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi Bộ Luật Tố tụng hình sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.

Người bào chữa phải được tham gia ngay từ khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng; bỏ quy định về Giấy chứng nhận bào chữa vì về bản chất quyền được nhờ người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng tính hình thức đồng thời tăng mức hình phạt đối với tội bức cung, dùng nhục hình, xem xét việc ghi hình, ghi tiếng khi hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục