Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Lộ trình nào cho chính sách hưu trí mới?

Lựa chọn lộ trình cho những thay đổi về tuổi nghỉ hưu, cách tính lương hưu... ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu lao động đang là "bài toán khó" cho những người xây dựng chính sách.
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Lộ trình nào cho chính sách hưu trí mới? ảnh 1Lương hưu được trả qua bưu điện. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngay khi Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo Quốc hội về tờ trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, dự luật này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Những đề xuất thay đổi về tuổi nghỉ hưu, cách tính lương hưu… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu lao động, chính vì vậy, “bài toán” lựa chọn lộ trình thực hiện những chính sách mới này còn nhiều ý kiến trái chiều chưa đi đến thống nhất.

“Con đường” nào cho tăng tuổi nghỉ hưu?

Trong nhiều vấn đề của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi còn gây tranh cãi có lẽ các phương án tăng tuổi nghỉ hưu đang là vấn đề khó có ý kiến thống nhất.

Theo tờ trình của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện theo lộ trình và có chia nhóm đối tượng. Từ năm 2016, cán bộ, công chức viên chức sẽ bắt đầu mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Một số nhóm đối tượng còn lại sẽ bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2020.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, kết quả thẩm tra vấn đề này của dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang có hai luồng ý kiến: Tán thành phương án như tờ trình và đề nghị chỉ tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý… theo Điều 187 Bộ Luật lao động.

Theo phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện theo lộ trình tăng dần, phải sau 15 năm tuổi đời hưởng lương hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và mất 6 năm tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng phương thức điều chỉnh này có độ trễ nhất định về thời gian, không tạo biến động lớn trong thị trường lao động và các đối tượng được điều chỉnh có thể chuẩn bị về tâm lý.

Trái với quan điểm của những người xây dựng luật, ý kiến của tổ chức đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lại cho rằng đây vẫn chưa phải thời điểm thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn cho thấy, đa số công nhân lao động đều không đồng tình về việc tăng tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động là vấn đề quan trọng. Đa số các quốc gia đều điều chỉnh dần và không điều chỉnh khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỷ lệ thất nghiệp trẻ đang cao,” ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Vấn đề khi nào nên tăng tuổi nghỉ hưu vẫn còn gây nhiều tranh cãi, thế nhưng chắc chắn việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ luôn là một thách thức rất lớn đối với người lao động thuộc khu vực doanh nghiệp cho dù thời điểm điều chỉnh có lùi lại.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phải phù hợp hơn cho từng nhóm đối tượng cụ thể, đặc biệt là lao động nữ làm việc trong các ngành dệt may, da giầy.

“Theo kinh nghiệm một số nước, ngoài quy định tuổi nghỉ hưu chung, họ còn có quy định thêm các trường hợp nếu có khoảng thời gian đủ dài đã đóng bảo hiểm xã hội thì được bắt đầu nghỉ hưu không có điều kiện về tuổi. Chẳng hạn ở Italy, những ngời đã đóng 40 năm bảo hiểm xã hội trở lên có thể về hưu trước tuổi quy định nếu có nguyện vọng mà không bị giảm trừ lương hưu,” ông Phạm Đỗ Nhật Tân cho biết.

Trước những khó khăn của Việt Nam trong việc quyết định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, ông Carlos Galian, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Về cơ bản, Việt Nam đang như đứng giữa ngã ba đường mà chưa biết chọn hướng đi nào: Bắt tay vào việc tăng tuổi nghỉ hưu dần từ bây giờ hay phải đợi 3-5 năm nữa để tiến hành cải cách mạnh tay hơn, hoặc là để mặc lao động trẻ và trung niên đối mặt với việc nghỉ hưu không có lương hưu trong tương lai gần.

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Lộ trình nào cho chính sách hưu trí mới? ảnh 2Các chính sách an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện hơn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bài toán bất bình đẳng lương hưu qua các thời kỳ

Thời gian làm việc đang được đề xuất tăng thêm, tuy nhiên cách tính lương hưu lại có lộ trình giảm dần mức hưởng. Những sự thay đổi này đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc “tăng trách nhiệm, giảm quyền lợi” và lo ngại về sự chênh lệch về mức lương hưu giữa những người lao động trong cùng nhóm đối tượng.

Tờ trình Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất từ năm 2016, số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương hưu cho người nghỉ hưu là 15 năm sẽ tăng thêm mỗi năm một năm, cho đến năm 2020 số năm tương ứng sẽ là 20 năm.

Theo kết quả thẩm tra dự luật do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện, ngoài một số ý kiến tán thành với đề xuất trên vẫn còn những ý kiến cho rằng các tính lương hưu như vậy là giảm quyền lợi của người nghỉ hưu, tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, mức hưởng chênh lệch lên tới 10% đối với nam và 15% đối với nữ.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, mặc dù Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành điều chỉnh theo tờ trình của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, tuy nhiên để không tạo sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu qua các thời kỳ thì cần tổ chức thực hiện điều chỉnh cách tính mới đồng bộ với lộ trình thu bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập.

Đối với đề xuất thay đổi cách tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu của nguời lao động là cán bộ, công chức, viên chức bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực sẽ giống như người lao động khu vực tư nhân, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng thời điểm áp dụng cũng nên lùi lại thực hiện cùng với việc thu tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để không làm giảm mức lương hưu của khu vực công.

Người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội giữa các thời kỳ khác nhau sẽ có những sự chênh lệch về lương hưu nhất định, chính vì vậy, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề xuất dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần bổ sung quy định về việc người lao động được đảm bảo hưởng mức lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu để đảm bảo khả năng an sinh xã hội cho tất cả người lao động.

Từ trước tới nay, bảo hiểm hưu trí luôn là chế độ quan trọng nhưng cũng phức tạp nhất trong hệ thống an sinh xã hội. Những nội dung điều chỉnh chế độ này phải bao trùm được hầu hết các đối tượng người lao động để đến khi họ hết tuổi lao động có thể được nghỉ ngơi, có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống. Chính sách bảo hiểm hưu trí phải thay đổi hướng tới hiện đại, công bằng và đáp ứng được nhu cầu an sinh xã hội đa dạng của các tầng lớp dân cư khác nhau.

Theo ông Carlos Galian, trước mắt, Việt Nam cần phải xác định rõ các khó khăn, thách thức để lựa chọn lộ trình hợp lý và mục tiêu rõ ràng trong việc sửa đổi chính sách bảo hiểm hưu trí, có như vậy việc triển khai dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội vào thực tế trở nên khả thi và hiệu quả hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục