Sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ thúc đẩy KHCN và đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã chia sẻ về các nội dung liên quan đến Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ)

Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ thiết kế đầy đủ, toàn diện các giải pháp thúc đẩy không chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà còn thực sự chú trọng hơn tới các giải pháp thúc đẩy ứng dụng và truyền bá tri thức trong thực tiễn; không phân biệt đối xử công-tư, khuyến khích, thúc đẩy để huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của khu vực ngoài công lập, khu vực tư nhân trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã chia sẻ về các nội dung liên quan đến Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi.

Sửa đổi luật để theo kịp xu hướng chung của thế giới

- Bối cảnh hiện tại đặt ra những thách thức gì đối với việc hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học công nghệ, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã cập nhật những thách thức và xu hướng mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ trong giai đoạn 2015-2020.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của công nghệ số. Những thay đổi này đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Các quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ đã nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia thu nhập cao.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy. (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ)

Cùng với đó, khái niệm "nghiên cứu, phát triển" đã dần được thay thế bằng "nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo." Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, hoạt động này không chỉ diễn ra tại các viện nghiên cứu, trường đại học mà còn phổ biến trong các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân thậm chí đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để tạo nền tảng cho các phát minh và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, với yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, trong 10 năm qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm và chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi cần được thể chế hóa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, các nội dung này cần được thể chế hóa kịp thời vào trong Luật.

- Luật Khoa học và Công nghệ 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các quy định về đổi mới sáng tạo đã được đề cập trong một số luật hiện hành như Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ. Vậy Dự thảo luật mới sẽ quy định về nội dung đổi mới sáng tạo như thế nào và liệu có một chính sách riêng biệt về đổi mới sáng tạo trong Luật không thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Khái niệm đổi mới sáng tạo đã được định nghĩa trong Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và cũng có thể xuất hiện trong một số luật khác. Tuy nhiên, nội hàm đầy đủ của đổi mới sáng tạo cùng các thành tố liên quan đến nó vẫn chưa được quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp luật nào.

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều thực thể khác.

Ngoài việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo còn yêu cầu phải thay đổi quy trình quản lý, sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ việc mua sắm dây chuyền máy móc công nghệ mới mà không thay đổi các yếu tố khác sẽ không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Hoạt động đổi mới sáng tạo cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh.

Trên thế giới, đã hình thành một phong trào về đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc phát triển các khái niệm như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ thống đổi mới sáng tạo ngành và các mô hình kết nối khác.

Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng toàn cầu này, chuyển sang mô hình phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo còn tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất.

Luật Khoa học và Công nghệ lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Tăng cường nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào để tăng cường nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Trong Luật Khoa học và Công nghệ chúng tôi dự kiến trình Chính phủ và sau đó trình Quốc hội nhằm mục tiêu tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/vạn dân.

Giải pháp là theo mô hình các quốc gia đã thực hiện, nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào khoa học công nghệ. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu phát triển trong các doanh nghiệp.

Vì vậy, luật lần này cần có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội. Trước tiên, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp.

Thứ hai, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích, chẳng hạn như ưu đãi thuế và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu khó khăn.

Tôi cho rằng để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu và nguồn đầu tư xã hội, luật cần được sửa đổi toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động nghiên cứu phát triển của toàn xã hội vào trong luật, không chỉ dựa vào các quy định hiện tại.

- Việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm và viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Vậy những chính sách nào sẽ được đề xuất trong luật sửa đổi sắp tới để hỗ trợ các đối tượng này?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Trong các đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đã đề xuất các nhóm chính sách và vấn đề mới. Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu.

Để phát triển hoạt động khoa học công nghệ trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động, và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học.

Chúng tôi rất mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học.

Chúng ta cũng khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

- Hiện nay, việc tìm tiếng nói chung giữa các nhà quản lý, nhà đầu như tư tài chính và nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn. Các nhà quản lý thường yêu cầu chi tiêu và quản lý ngân sách phải được thực hiện rất chặt chẽ, với việc thu chi và báo cáo thường xuyên. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng lĩnh vực khoa học công nghệ thường có nhiều rủi ro, độ trễ và tính mạo hiểm, không phải lúc nào cũng cho kết quả ngay lập tức. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Nhận định này khá là phù hợp, đặc biệt khi xã hội và đất nước ngày càng phát triển. Những vấn đề mới phát sinh không thể được giải quyết ngay lập tức mà cần sự đồng thuận từ tất cả các lĩnh vực. Do đó, cần tìm cách cân bằng giữa hoạt động khoa học công nghệ với những yêu cầu này. Đây là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi đang thực hiện thường xuyên.

Chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất sửa đổi bổ sung trong luật các quy định về nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quy định về miễn trách nhiệm dân sự cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ đã thực hiện đầy đủ quy định nhưng không đi đến các kết quả đã định trước hay bổ sung cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu…

Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục