Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, sáng 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Theo Tờ trình, việc sửa đổi Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002 nhằm thể chế hóa đầy đủ các yêu cầu cải cách tư pháp; cụ thể hóa chế định Viện Kiểm sát nhân dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và các Pháp lệnh hiện hành, thể hiện đúng vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước và trách nhiệm đối với xã hội, công dân.
Về phạm vi sửa đổi, so với Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002, giảm 04 chương nhưng tăng thêm 60 điều luật.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, để thể chế hóa rõ hơn quy định của Hiến pháp (sửa đổi) và các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp thì cần bổ sung quan điểm về cơ cấu, tổ chức bộ máy, cán bộ của Viện Kiểm sát phải được tổ chức khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật của mỗi cấp Viện Kiểm sát, của mỗi Kiểm sát viên với sự chỉ đạo của Viện trưởng và sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; bảo đảm phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam, đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần bám sát vào Hiến pháp mới, tinh thần nội dung của cải cách tư pháp và những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn hiện nay để sửa đổi căn bản và toàn diện về tổ chức, hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, bảo đảm mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về vai trò của Ủy ban kiểm sát; chế định kiểm sát viên; ngạch kiểm sát; cơ chế tuyển chọn kiểm sát viên; nhiệm kỳ, tuổi làm việc của kiểm sát viên; thẩm quyền điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân; thẩm quyền quyết định biên chế, số lượng, cơ cấu kiểm sát viên, điều tra viên, viên chức và nhân viên; kinh phí hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân…
Trong đó, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp, pháp luật; thể chế hóa quy định của Hiến pháp (sửa đổi), một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát Quân sự là những vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại biểu, cùng với việc quy định về quyền con người, Hiến pháp mới đã giao cho Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Do đó, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn vai trò của Viện Kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân theo đúng tinh thần mà Hiến pháp mới đã quy định, từ đó mới xác định được yêu cầu phải tổ chức như thế nào để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức chú ý đến việc đổi mới của Hiến pháp, đặc biệt là Ðiều 107 quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp vừa sửa đổi.
Theo ông, dự thảo đã cụ thể hóa rất nhiều về việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân, tuy nhiên vấn đề Viện Kiểm sát bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những lợi ích về vấn đề kinh tế chưa được quy định rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị quy định rõ hơn nội dung và mối quan hệ giữa nguyên tắc “Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” với nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” trong Hiến pháp (sửa đổi) để làm rõ nội dung thẩm quyền chỉ đạo của Viện trưởng đối với Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Giải trình thêm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ 3 vấn đề trong Hiến pháp mới được thể hiện trong dự thảo. Một là tăng vai trò kiểm sát quyền lực trong các giai đoạn tố tụng của Viện kiểm sát, thể hiện rất rõ trong việc giao cho cơ quan Viện kiểm sát có vai trò điều tra, xác minh trong nhiều trường hợp, mở rộng trường hợp điều tra xác minh đối với một số vụ án chứ không phải chỉ giới hạn trong quy định của luật cũ.
Thứ hai, đảm bảo việc các cơ quan tiến hành tố tụng khi ban hành các quyết định, nhất là các quyết định hạn chế quyền con người, đều phải có giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát.
Thứ ba là thể hiện trong những nguyên tắc hoạt động của Viện Kiểm sát như nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo, nguyên tắc kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố chỉ tuân theo luật…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành việc thành lập Ủy ban kiểm sát, nhưng cân nhắc thẩm quyền theo từng loại vụ việc; đồng thời đề nghị rõ 2 nhiệm vụ rõ ràng của kiểm sát viên đã được quy định trong Hiến pháp là công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Về cơ chế tuyển chọn kiểm sát viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất có Hội đồng tuyển chọn để giúp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi quyết định nhân sự, đảm bảo chính xác, khách quan, đúng tiêu chuẩn điều kiện, kết hợp giữa tuyển chọn và thi tuyển./.