Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, trong đó bổ sung quy định điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng.
Cụ thể, đối với hợp đồng trọn gói, giá gói thầu, giá hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro có liên quan như trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng và các bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình liên quan đến giá hợp đồng.
Giá hợp đồng trọn gói chỉ áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng đã đủ điều kiện để xác định rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ thực hiện và đơn giá để thực hiện các công việc hoặc trong một số trường hợp không thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá (như hợp đồng EC, EP, EPC và hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay) nhưng bên nhận thầu có đủ năng lực kinh nghiệm để tính toán, xác định giá hợp đồng trọn gói.
Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá cho các công việc theo hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro có liên quan như trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng và các bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình liên quan đến đơn giá để thực hiện công việc.
Giá hợp đồng theo đơn giá cố định chỉ áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng đã đủ điều kiện để xác định rõ về chất lượng, tiến độ thực hiện và đơn giá để thực hiện các công việc, nhưng chưa xác định được chính xác khối lượng công việc.
Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, chỉ áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng chưa đủ điều kiện để xác định rõ về khối lượng và yếu tố trượt giá trong đơn giá để thực hiện các công việc của hợp đồng.
Giá hợp đồng theo thời gian và tỷ lệ (%) áp dụng đối với các hợp đồng có công việc tư vấn đầu tư xây dựng (trừ công việc khảo sát xây dựng) và hoạt động bảo hiểm trong xây dựng.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng. Cụ thể, trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, thì bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng; trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì từng thành viên trong liên danh phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng cho từng thành viên, trừ trường hợp các thành viên trong liên danh thỏa thuận để nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho bên giao thầu.
Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được khấu trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2//2014. Các hợp đồng xây dựng đã ký kết và đang thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện theo quy định tại Nghị định này./.