Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm cũng như dự thảo Nghị định sửa đổi.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong quá trình triển khai Nghị định 116 đã có một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bộ Giáo dục và Đạo cũng đã nhận được kiến nghị của nhiều trường sư phạm, lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh về những vướng mắc trong thực hiện Nghị định này.
Rất ít chỉ tiêu đặt hàng
Một trong những điểm cốt lõi của Nghị định 116 là việc các địa phương tùy theo nhu cầu sử dụng giáo viên sẽ đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách (số sinh viên đăng ký hưởng chính sách là 30.807 em trong khi số lượng các địa phương đặt hàng là 1.928 em). Chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.
Theo đó, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo) chiếm đến 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách.
“Như vậy, có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116,” Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.
Các địa phương lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.
Hằng năm, Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên. Một số địa phương vẫn nợ kinh phí các cơ sở đào tạo.
[Sinh viên sư phạm học lực yếu sẽ không được cấp kinh phí hỗ trợ?]
Việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng tỉnh không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.
Chưa thống nhất các văn bản
Nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra do phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ; việc xây dựng dự toán ngân sách và cấp kinh phí tại các trường đào tạo giáo viên do địa phương quản lý; chưa theo dõi bồi hoàn kinh phí; nhu cầu tuyển dụng.
Cụ thể, phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ không thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật. Sinh viên đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu được chi trả kinh phí từ ngân sách địa phương nhưng sau khi tốt nghiệp có thể không trúng tuyển vào công tác trong ngành giáo dục của địa phương do không được ưu tiên mà phải thi tuyển như bình thường theo nghị định 115 về sử dụng viên chức.
Việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm từ địa phương khác đến học không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vì kinh phí địa phương nào thì chỉ dùng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó, không chi cho các đối tượng ngoài địa phương.
Việc xây dựng dự toán ngân sách và cấp kinh phí khó khăn vì thời gian kết thúc đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116 không trùng thời gian xây dựng dự toán (dự toán phải lập trước 1 năm); thời gian đào tạo sinh viên thông thường là 3-4 năm nhưng đào tạo theo tín chỉ có thể kéo dài 7-8 năm.
Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như nhu cầu của giáo viên theo quy định của ngành giáo dục (theo định biên giáo viên/lớp) không thống nhất với chỉ tiêu biên chế do ngành nội vụ phê duyệt, sinh viên ra trường có thể trượt khi tuyển viên chức theo Nghị định 115 khiến các địa phương e ngại đặt hàng.
Điều chỉnh cơ chế
Để khắc phục thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị sửa đổi cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm, nhưng không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu, địa phương tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này sẽ đảm bảo quy định rõ trách nhiệm ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) phải đảm bảo kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo phân cấp ngân sách (cơ sở đào tạo thuộc bộ, ngành trung ương thì ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí; cơ sở đào tạo thuộc các địa phương thì địa phương bố trí kinh phí thực hiện), tránh trường hợp các địa phương không bố trí kinh phí thực hiện.
Quy định này cũng đảm bảo các sinh viên sư phạm sẽ được chi trả kinh phí theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019, không còn tình trạng sinh viên sư phạm không được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách hỗ trợ như hiện nay.
Bên cạnh đó, quy định này giải quyết được nhu cầu đặt hàng của các tỉnh, thành muốn đặt hàng tại các cơ sở đào tạo ngoài địa phương nhưng chất lượng hơn.
Về nội dung xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, bồi hoàn kinh phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung thêm nội dung hướng dẫn xây dựng dự toán và quy định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước, cơ sở đào tạo giáo viên, người học, gia đình người học để gắn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan trong việc thực hiện chính sách
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất không cấp kinh phí hỗ trợ cho các sinh viên sư phạm có học lực yếu từ năm thứ hai trở đi./.