Sửa đổi chế độ nâng bậc lương với cán bộ, công chức, viên chức

Trường hợp được bổ sung tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên là “thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.”
Cán bộ công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Thông tư 03/2021/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV.

Thông tư bổ sung thêm trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên là “thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.”

Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên cũng được bổ sung thêm một số trường hợp, như: thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự); thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đảo ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ; thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo (trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên thì tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên); thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.

[Kiện toàn BCĐ cải cách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công]

Thông tư mới cũng sửa đổi tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên thành “được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên” thay vì “được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên.”

Về thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên, thông tư mới quy định rõ: trong thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định.

Cụ thể, kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên 12 tháng đối với các trường hợp: cán bộ bị kỷ luật cách chức; công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.

Kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên 6 tháng đối với các trường hợp: cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 2 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 6 tháng.

Kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên 3 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách, bỏ đối tượng là người lao động như thông tư cũ.

Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là 21 tháng.

Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng, nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật hành chính.

Thông tư cũng quy định không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng nêu rõ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý nhưng có nêu cụ thể thêm so với thông tư cũ là “bao gồm cả ngạch chuyên viên cao cấp và các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên cao cấp."

Việc quyết định nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý thực hiện theo phân cấp hiện hành.

Tại nội dung này, thông tư mới bỏ hoàn toàn nội dung: “Đề nghị bằng văn bản gửi Bộ Nội vụ để thống nhất ý kiến trước khi ký Quyết định nâng bậc lương trước thời hạn khi lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (gửi kèm biên bản họp xét nâng bậc lương; quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị; bản sao Quyết định giao chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc của cơ quan, đơn vị; bản sao quyết định xếp lương gần nhất và bản sao Quyết định công nhận thành tích xuất sắc của cấp có thẩm quyền) và khi có thông báo nghỉ hưu (gửi kèm bản sao quyết định xếp lương gần nhất và bản sao thông báo nghỉ hưu) đối với các trường hợp xếp lương ở ngạch chuyên viên cao cấp và các ngạch, chức danh tương đương ngạch chuyên viên cao cấp thuộc danh sách trả lương của Bộ, ngành, địa phương.”

Thông tư 03 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục