Sửa đổi các quy định về quản lý chức sắc, chức việc, nhận người vào tu

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các tổ chức tôn giáo xem xét lại các khâu nhận người vào tu, quản lý chức sắc, chức việc, không để các chức sắc vi phạm giới luật, qua đó hạn chế vi phạm pháp luật.
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại buổi họp báo Bộ Nội vụ diễn ra chiều 30/3, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã trả lời câu hỏi về giải pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng một số nhà sư vi phạm pháp luật, không thực hành đúng giáo lý Phật pháp thời gian qua, như vụ nhận tiền "chạy án" của Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) hay núp bóng hoạt động từ thiện để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Trung tâm Cô nhi viện phật giáo Suối nguồn tình thương (Vĩnh Long).

Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga cho biết hiện cả nước có trên 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc thuộc 41 tổ chức tôn giáo, trong đó có trường hợp chức sắc tôn giáo vi phạm pháp luật.

Khi có những sự việc này, Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm việc với các tổ chức tôn giáo, đề nghị xem xét lại các khâu nhận người vào tu, quản lý chức sắc, chức việc, xem lại những quy định trong nội bộ để hạn chế tối đa, không để các chức sắc vi phạm giới luật, qua đó hạn chế vi phạm pháp luật.

Hai trường hợp trên trước đây đều là các chức sắc Phật giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Hội đồng Giáo phẩm Giáo hội xem xét, xử lý.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã rất trách nhiệm trong việc xem xét, xử lý vụ việc. Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội lần thứ IX (dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022) sẽ sửa đổi Hiến chương Giáo hội, trong đó sửa đổi chặt chẽ các quy định liên quan tới việc quản lý chức sắc, chức việc, nhận người vào tu, xem xét xử lý vi phạm giới luật.

Thông tin về việc xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013) sau gần 20 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Theo đó, việc xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

[Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên chức sắc, tăng ni, phật tử trẻ]

Nội dung sửa đổi, bổ sung đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Trả lời các vấn đề báo giới quan tâm, Phó Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn khẳng định dự thảo Luật sửa đổi đề ra nguyên tắc theo hướng cán bộ, công chức, viên chức nếu có những sáng tạo hoặc thành tích nổi bật trong từng lĩnh vực cụ thể như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dám nghĩ, dám làm…, thành tích đến đâu sẽ khen thưởng đến đó.

Dự thảo Luật sẽ có quy định để đảm bảo công bằng trong việc tước danh hiệu vinh dự Nhà nước đối với các đối tượng là Anh hùng, nghệ sỹ, nghệ nhân. Sau này, Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc xử lý vi phạm, đề cao trách nhiệm của các cấp trong đề nghị khen thưởng và xử lý vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục