Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2014 phải phù hợp với thực tế

Để khắc phục những vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường cần luật hóa các yếu tố môi trường cần bảo vệ; các loại tác động môi trường...
Nhiều loại rác thải khó phân hủy nổi lềnh bềnh trên mặt nước ở Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 thời gian qua cho thấy, các quy định của Luật cơ bản phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nên đã phát huy được những tác động tích cực.

Tuy vậy, quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng liên quan.

Chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh

Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết trong nội dung Luật Bảo vệ môi trường 2014, về cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp, phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường.

Các quy định hiện hành chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động bảo vệ môi trường.

Các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường vừa thiếu, vừa chồng chéo, trùng lắp, phân tán, thiếu sự liên thông, tích hợp.

Một số vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Cũng không có cơ sở pháp lý về cơ chế, các tiêu chí sàng lọc, phân loại, phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ rủi ro về môi trường; cơ chế kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường.

Nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa hợp lý, vẫn còn thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm, nhất là đối với việc quản lý rác thải đô thị, nông thôn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố môi trường.

Yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật hiện tại về môi trường là bảo đảm tính thống nhất về bảo vệ môi trường ở nhiều luật khác nhau, tiếp tục cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chiến lược tăng trưởng xanh; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực.

Những định hướng sửa đổi

Theo Tổng cục Môi trường, để khắc phục những vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường cần luật hóa các yếu tố môi trường cần bảo vệ; các loại tác động môi trường; chất ô nhiễm, nguồn ô nhiễm, kiểm soát nguồn ô nhiễm; các nội dung về chất thải rắn...

Về khung chính sách môi trường, các nội dung cần sửa đổi, bổ sung gồm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, phân vùng môi trường, kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng môi trường, quản lý cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, các công cụ hành chính-kỹ thuật, các công cụ kinh tế, nguồn lực, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Cần phân luồng các hoạt động phát triển theo mức độ phát sinh các chất ô nhiễm, chất thải rắn, chiếm dụng, xâm hại cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên để có các biện pháp quản lý, kiểm soát, giảm thiểu phù hợp, hiệu quả.

Phân vùng môi trường theo các vùng nhạy cảm cao, nhạy cảm và ít nhạy cảm để định hướng các hoạt động phát triển phù hợp với chức năng, mức độ nhạy cảm, khả năng chịu tải của môi trường. Phân định chất thải để có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. Phân loại chất thải để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải phù hợp.

Thiết lập các tiêu chí về môi trường làm căn cứ để kiểm soát hoạt động phát triển đảm bảo phù hợp với phân vùng môi trường và khả năng chịu tải của môi trường. Thiết lập đồng bộ, thống nhất hệ thống các cơ chế, công cụ quản lý môi trường đối với từng hoạt động phát triển theo hướng quy định rõ chức năng, vai trò, yêu cầu của từng cơ chế, công cụ và có tính hệ thống, sự liên thông, kết hợp giữa các cơ chế, công cụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của từng cơ chế, công cụ và cả hệ thống các cơ chế, công cụ quản lý môi trường đối với từng dự án.

Đóng gói sản phẩm phân hữu cơ được tạo ra từ rác thải Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 350 tỷ đồng. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Các nội dung quy định cụ thể đánh giá tác động môi trường như đối tượng, nội dung, việc lập, hình thức thẩm định, chấp thuận; biện pháp kiểm soát tác động môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường, quản lý và giám sát các tác động môi trường.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật nên quy định kế hoạch quản lý môi trường do chủ đầu tư lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện để quản lý môi trường đối với dự án đầu tư. Kết hợp các thủ tục hành chính về kiểm soát chất ô nhiễm, quản lý chất thải rắn trong một dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở phát sinh chất ô nhiễm, chất thải rắn phải khai báo, đăng ký hoặc đề nghị cấp giấy phép về môi trường theo hướng tích hợp, kết hợp. Quản lý môi trường theo vòng đời dự án; lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành, kết thúc, giấy phép môi trường; giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Giám sát đối với chất ô nhiễm, chất thải phát sinh theo hướng lấy mẫu, phân tích định kỳ, lắp đặt thiết bị lấy mẫu, phân tích tự động, liên tục, lắp đặt các thiết bị, hệ thống định vị, theo dõi, ghi nhận, lưu giữ số liệu về chất ô nhiễm, chất thải và các hoạt động có liên quan.

Kiểm soát nguồn ô nhiễm gồm quy định, danh mục, phân nhóm các chất ô nhiễm cố định, di động, phân tán; phân định mức độ ô nhiễm, độc hại đối với môi trường của các chất ô nhiễm độc hại, thông thường và theo nguy cơ gây ô nhiễm cao, ô nhiễm và ít ô nhiễm…

Quản lý chất thải rắn gồm phân nhóm, phân loại, quy định về thu gom, lưu giữ, vận chuyển, sơ chế, tái chế, tiêu hủy, chôn lấp, thải bỏ chất thải rắn; khai báo, đăng ký hoặc cấp phép về môi trường, chế độ giám sát, thanh tra, kiểm tra; cơ sở xử lý, bãi chôn lấp, khu xử lý tập trung, hoạt động thải bỏ; trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Thứ tự ưu tiên trong quản lý chất thải gồm quản lý chất lượng môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên; phân vùng môi trường; khả năng chịu tải; quản lý, kiểm soát các chất, yếu tố gây ô nhiễm, độc hại đối với môi trường; các hình thức, loại hình tác động đối với cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên; giám sát, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường sống, cảnh báo ô nhiễm; xử lý ô nhiễm môi trường; cải tạo, phục hồi; kiểm soát các chất, yếu tố độc hại trong nguyên, nhiên liệu, sản phẩm, hàng hóa; giám sát ô nhiễm xuyên biên giới, tác động của biến đổi khí hậu.

Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường như quy định về các chất ô nhiễm, yếu tố ô nhiễm, thông số thể hiện; loại hình hoạt động phát sinh chất ô nhiễm, yếu tố ô nhiễm; giá trị giới hạn có tính đến yếu tố nhạy cảm, khả năng tiếp nhận và việc áp dụng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cơ chế tài chính, công cụ kinh tế cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế, phí, giá dịch vụ; ký quỹ chôn lấp, thải bỏ chất thải; đặt cọc thu hồi sản phẩm thải bỏ, sản phẩm nhựa, nylon sử dụng một lần; bảo hiểm; chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, thương mại và tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường; sự tham gia của ngân sách nhà nước, ngân hàng, quỹ Bảo vệ môi trường cung ứng nguồn vốn cho bảo vệ môi trường; thị trường hạn ngạch.

Ngoài ra, Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung quy định về sự cố môi trường; thông tin, báo cáo, cơ sở dữ liệu về môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu, tác động xuyên biên giới, các vấn đề môi trường toàn cầu, trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục