Sửa đổi Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi nhiều nhóm mặt hàng

Bộ Tài chính dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Bộ Tài chính dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2018.

Về Biểu thuế xuất khẩu, dự thảo đề xuất sửa đổi thuế suất, mô tả hàng hóa, tiêu chí kỹ thuật của 9 nhóm mặt hàng.

Cụ thể, có hai nhóm mặt hàng tăng thuế suất là mặt hàng gỗ tròn thuộc nhóm 44.03 tăng từ 10% lên 25%; mặt hàng gỗ đã cưa hoặc xẻ thuộc nhóm 44.07 từ mức 10%, 20% lên mức 25%.

Có 5 nhóm mặt hàng giảm thuế suất gồm mặt hàng nhôm dạng thanh, que, hình thuộc nhóm 76.04 từ 7% xuống 5%; mặt hàng nhôm chưa gia công, dạng thỏi, mã hàng 7601.10.00.10, 7601.20.00.10 từ 10% xuống 5%; tinh quặng sắt đã qua chế biến (có tiêu chí kỹ thuật cụ thể) giảm từ 40% xuống 20%; xỉ thuộc nhóm 26.18, 26.19, 26.20 từ 10% xuống 5%; đồng dạng thanh, que, hình thuộc nhóm 74.07 từ 10% xuống 5%.

[Thuế nhập khẩu xuống 0% không phải là nguyên nhân phát sinh hàng giả]

Hai nhóm mặt hàng alumin và dây nhôm giữ nguyên thuế suất. Một nhóm mặt hàng than gỗ rừng trồng sửa đổi mô tả hàng hóa và giữ nguyên tiêu chí kỹ thuật. Một nhóm mặt hàng bột oxit silic mịn và siêu mịn bổ sung tiêu chí kỹ thuật.

Theo tính toán của Bộ Tài chính trên cơ sở kim ngạch xuất khẩu có thuế năm 2016, tác động tăng thu thuế xuất khẩu là khoảng 222 tỷ đồng.

Đối với Biểu thuế nhập khẩu, dự thảo đề xuất 17 nhóm mặt hàng có sự thay đổi về mô tả hàng hóa (theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC) dẫn đến thay đổi thuế suất nhập khẩu.

Tuy nhiên, do không tách được kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng này nên Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) không tính toán được cụ thể số thuế tăng, giảm của 17 mặt hàng bị thay đổi thuế suất.

Trên cơ sở phân tích nguồn nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu chung và mức thuế suất FTA của 17 mặt hàng cho thấy việc tăng, giảm thuế suất MFN (Quy chế Tối huệ quốc) của 17 nhóm mặt hàng sẽ không tác động nhiều đến thu ngân sách nhà nước do nguồn nhập khẩu chủ yếu từ các nước đối tác có ký hiệp định FTA với Việt Nam.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi thuế suất, tiêu chí kỹ thuật của 32 nhóm mặt hàng theo yêu cầu của Chính phủ, kiến nghị của bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan hải quan gồm 17 mặt hàng dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất; 13 mặt hàng dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất; 2 kiến nghị về việc bổ sung hướng dẫn chú giải cuối chương; 12 mặt hàng giữ nguyên mức thuế suất.

Tại Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu, bổ sung thêm bốn nhóm vào Chương 98. Theo đó, Chương 98 gồm 38 nhóm mặt hàng (giảm hai nhóm mặt hàng so với quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP).

Về tác động thu thuế nhập khẩu, theo Bộ Tài chính, trên cơ sở kim ngạch nhập khẩu có thuế năm 2016, tác động tăng thu thuế nhập khẩu là 762 tỷ đồng.

Tổng chung tác động sau khi sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu là tăng thu khoảng 984 tỷ đồng.

Dự thảo Nghị định hiện đang đăng Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) để xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. /. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục