Sự vắng mặt bất thường của nhân viên an ninh sân bay ở Mỹ

Cục An toàn giao thông Mỹ cảnh báo sự vắng mặt bất thường của các nhân viên an ninh sân bay trên toàn quốc đã lên tới mức kỷ lục 10% vào ngày 20/1 vừa qua.
Sự vắng mặt bất thường của nhân viên an ninh sân bay ở Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: qz.com)

Cục An toàn giao thông Mỹ (TSA) ngày 21/1 cảnh báo sự vắng mặt bất thường của các nhân viên an ninh sân bay trên toàn quốc đã lên tới mức kỷ lục 10% vào ngày 20/1 vừa qua, cao hơn nhiều so với con số 3,1% cách đây một năm.

TSA cho biết một số sân bay phải chịu cảnh đợi chờ dài hơn những nơi khác, nhấn mạnh thời gian chờ đợi trung bình trên toàn quốc thường vào khoảng 30 phút.

Sân bay quốc tế Louis Armstrong New Orleans đứng đầu danh sách về thời gian chờ đợi tối đa để kiểm tra an ninh tại những sân bay lớn của Mỹ, khi thời gian chờ đợi ở đây lên tới 45 phút.

Một điểm kiểm tra an ninh ở sân bay quốc tế Washington Thurgood Marshall thậm chí đã phải đóng cửa hai lần cuối tuần qua bởi lượng người bị gọi ra quá lớn.

Tuy nhiên, chốt an ninh này đã hoạt động trở lại vào ngày 21/1.

Để đối mặt với tình trạng trên, TSA đã yêu cầu Lực lượng Triền khai quốc gia, thường giúp đỡ mỗi khi bị thiếu hụt nhân lực trong các vụ thảm họa tự nhiên, để hỗ trợ các các sân bay, trong đó có sân bay quốc tế Newark Liberty, sân bay LaGuardia tại New York và sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta.

Tuần trước, TSA cảnh báo sẽ có một lượng lớn khách đi lại vào cuối tuần này, với hơn 8 triệu lượt hành khách sẽ được kiểm tra an ninh trên toàn quốc, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần đã kéo dài được một tháng, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân Mỹ, cũng như khiến nền kinh tế Mỹ có khả năng phải chịu hậu quả tồi tệ.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo đảng Dân chủ đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận, nhưng cho tới nay hai bên vẫn rơi vào thế bế tắc.

Đợt đóng cửa chính phủ một phần lần này đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương.

Nhà Trắng ước tính cứ hai tuần đóng cửa chính phủ, Mỹ sẽ bị thiệt hại 0,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi quý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục