Lần đầu tiên, không chỉ một mà có đến hai chương trình truyền hình thực tế về rap xuất hiện trên các kênh có lượng người xem đông đảo. Các đoạn trích từ hai chương trình này cũng “oanh tạc” bảng xếp hạng xu hướng trên YouTube, trong khi hàng loạt MV của các rapper đạt số người xem lên tới cả trăm triệu view chỉ trong một thời gian ngắn. Chưa bao giờ, rap, dòng nhạc vốn chịu nhiều định kiến trước đây, lại hiện diện mạnh mẽ đến thế trong đời sống âm nhạc tại Việt Nam.
Hồi trung tuần tháng Sáu, rapper Binz-người hiện cũng đang đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên trong chương trình Rap Việt phát trên HTV2, tự tin cho ra mắt MV “BIGCITYBOI” cùng thời điểm với ca khúc “Có chắc đây là yêu” của Sơn Tùng MT-P. Sau một tháng, nếu như MV của Sơn Tùng MT-P đạt 88 triệu view thì ca khúc của Binz cũng thu hút gần 40 triệu lượt xem. MV này được đánh giá là mang đậm phong cách Âu-Mỹ hiện đại, nên cũng lọt vào top thịnh hành cả ở Australia, top 14 tại Mỹ và top 18 toàn thế giới.
Hai tháng sau, rapper ăn khách nhất trên thị trường hiện nay là Đen Vâu cũng tái xuất với ca khúc “Trời hôm nay nhiều mây cực,” gây hiệu ứng xã hội rất mạnh khi có nhiều chi tiết trong lyrics và video tạo mối liên hệ với đề thi Văn của kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020. Và đương nhiên, ca khúc này nhanh chóng chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng thịnh hành của YouTube tại Việt Nam. Màn collab (hợp tác) giữa Da LAB và Miu Lê - “Gác lại âu lo” cũng dễ dàng đạt 1,7 triệu lượt xem và lọt tab thịnh hành chỉ sau một ngày.
Đó là những bằng chứng sống động cho thấy dường như rap Việt đã và đang vươn từ “thế giới ngầm” (underground) lên dòng chảy chủ lưu (mainstream) của thị trường âm nhạc , thu hút khán giả đại chúng thay vì dòng ngách như trước đây.
Từ lạch ngầm tới dòng chủ lưu
“Từ chỗ chỉ là dòng nhạc du nhập từ nước ngoài, ít người nghe, rap dần xuất hiện trong các bài hát chính thống tại Việt Nam như một thứ gia vị, đồ trang sức điểm xuyết. Đến thời gian gần đây thì rap đã được công nhận như một dòng nhạc riêng, đã có rất nhiều bài hát thuần rap được mọi người lắng nghe đón nhận. Các rapper hồi xưa chẳng được ai công nhận, bây giờ đã trở thành những ngôi sao được hàng nghìn người săn đón, cát-xê lên đến hàng chục, hàng trăm triệu,” rapper Nguyễn Trọng Đức, nghệ danh Thỏ, thành viên của nhóm Da LAB nhận xét.
Còn từ góc nhìn của một người quan sát, một nhà phê bình ẩn danh cho rằng, “sự trỗi dậy (tạm gọi) của rap phản ánh thực tế là thế hệ người nghe mới đang quyết định tới thị trường. Thế hệ này được hình thành chủ yếu từ những bạn trẻ dưới 20 tuổi (thế hệ Z).”
Trên thực tế, theo các nhà chuyên môn, rap chỉ là một phần trong diện mạo văn hóa hip-hop. Mà văn hóa này cũng đã xâm nhập vào Việt Nam từ cách đây hơn 20 năm. Riêng về rap thì đã xuất hiện rất nhiều cái tên đình đám có những đóng góp nhất định vào dòng chảy của thị trường như Khanh nhỏ, Phong Lê, LK, Wowy, Rapsoul, JustaTee...
Tuy nhiên, người tạo cú hích để rap trở nên đại chúng như hiện này thì phải nhắc tới Đen Vâu. “Anh này ra mắt đúng thời điểm, nhạc lại dễ nghe nên khiến rap phổ cập, thành cái mốt tân thời. Nói đúng ra là có nhiều thế hệ đã nhồi thuốc nổ cho rap Việt, rồi Đen vâu đóng vai trò châm ngòi để rap Việt có chỗ đứng như bây giờ,” một nhạc sĩ giấu tên từng làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình nhận định.
Cùng xây "cây cầu" dẫn rap đến dòng chủ lưu còn phải kể tới nhóm Da LAB với “Một nhà,” ca khúc được coi là “bài hát quốc dân” trong các đám cưới, hay “Bài ca tuổi trẻ” của nhóm PKL, cùng bệ phóng mang tên “Tử tế show.”
Được khởi xướng bởi chính Da Lab, “Tử tế show” (2010-2017) đã là sân chơi cho rất nhiều nghệ sĩ underground trở thành những ngôi sao mainstream như Đen, Da LAB, Đa sắc (Mel.G và EmceeL-thành viên mới nhất của Da LAB).
“Chúng tôi cũng là một trong những người đưa nhạc rap tới gần khán giả đại chúng, thông qua rất nhiều bài hát được khán giả yêu thích suốt gần 15 năm hoạt động và thông qua chương trình Bản tin Rap (RapNewsPlus) đình đám một thời,” rapper Thỏ của Da Lab chia sẻ.
Bản tin RapNewsPlus kêu gọi chống tin giả giữa dịch COVID-19:
Trong quá khứ, từng có một số ý kiến đánh đồng rap với những lời ca tục tĩu, hay chủ đề nhạy cảm. Song những người như Da LAB cùng bản tin RapNewsPlus, do chính một cơ quan báo chí chính thống-VietnamPlus sản xuất, đã dần xua tan định kiến ấy.
“Ở Việt Nam, có vẻ như người ta đang nghe rap theo kiểu vì khoái ca từ chứ chưa thực sự biết cái Flow (mạch chảy của một ca khúc-PV), yếu tố quan trọng nhất của rap, hay ở chỗ nào,” vẫn vị nhạc sĩ giấu tên nêu ý kiến. “Chính cái Flow này nó khiến cho rap khác với ngâm thơ hay đọc vè. Nhưng dù ca từ có tầm quan trọng thua kém Flow đi nữa thì điểm tối quan trọng ở rap là tính ẩn dụ trong ca từ, là thông điệp thái độ của người sáng tác. Mà cái này mới là cái đáng bàn với rap Việt.”
Da LAB từng gặp những khó khăn riêng, nhưng nguyên nhân không đến từ nội dung họ chọn, bởi nhóm không theo đuổi những ngôn từ tục tĩu, chủ đề nhạy cảm. “Nhạc của Da LAB hầu hết nêu lên thực trạng xã hội, tâm tư cuộc sống, ai không quen nghe nhạc rap thì có thể không thích, chứ cũng không thể chê được. Và từ những ngày đầu, các sân khấu chính thống, các chương trình nghệ thuật lớn cũng đã tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động, dù tất nhiên là không nhiều. Nói chung mình cứ rap về những điều tử tế, mang lại những thứ tích cực thì chả có ai ngăn cản mình cả,” rapper Thỏ bộc bạch.
Sân chơi trên sóng truyền hình cho người hát rap
Từ những tiền đề “rap tử tế” như vậy, dòng nhạc này đã đường hoàng xuất hiện trên các kênh quảng bá có lượng người xem cao nhất cả nước là VTV3 (chương trình King of Rap) và HTV2 (Rap Việt). Kể từ khi ra mắt đồng thời hôm 1/8, hai chương trình này đã thực sự tạo nên cơn sốt trên thị trường nhạc Việt. Nhiều bài hát dự thi của các thí sinh cũng nhanh chóng gây chú ý và được replay (nghe đi nghe lại) nhiều lần như “Người cha câm”, “Hông dám đâu”, “Bắc Kim Thang”...
Vì mới lên sóng và chưa thể nhận xét gì nhiều, nhưng Nguyễn Trọng Đức cho rằng “đây là tín hiệu đáng mừng cho dòng nhạc rap khi các rapper đã có sân chơi cho riêng mình.”
“Chúng tôi chỉ mong các bạn giám khảo, huấn luyện viên sẽ hướng dẫn cho các thí sinh cách thức để làm một bài nhạc hoàn chỉnh nên tư duy như thế nào, kết cấu ra sao, mix, master (phối khí, xử lý hậu kỳ) như thế nào, vì chúng tôi thấy các rapper đang rất thiếu phần đó,” rapper Thỏ-Nguyễn Trọng Đức nói.
Ngoài ra, việc cả hai chương trình cùng phát vào một thời điểm nên cũng không tránh khỏi những sự so sánh. Trên một số diễn đàn âm nhạc, nhiều khán giả cho rằng sự khác nhau đến từ định hướng của từng chương trình. Rap Việt thuần chất giải trí hơn, đánh vào thị hiếu đám đông nhiều hơn, mời những gương mặt cộm cán trong showbiz để đánh giá chuyên môn. Trong khi đó, King of Rap mang đến các sản phẩm và gương mặt đậm chất underground (ngầm).
Và để so sánh về “chất rap” trong các chương trình thì đánh giá chủ quan của người nghe nhạc là chưa đủ, thậm chí "gây mất lòng nhau". Có lẽ khán giả nhiều thể loại nhạc đã bắt gặp tình huống tương tự, đó là phải định nghĩa dòng nhạc của mình và đưa ra những nhận định riêng.
Khi chưa có nhiều kiến thức về âm nhạc, văn hóa, hoàn cảnh ra đời và sự phát triển của một dòng nhạc, người nghe nên để việc nhận xét lại cho giới chuyên môn. Đó cũng chính là lời nhắn nhủ của người trong nghề.
“Thật ra, các chương trình giải trí trên TV đang gặp điểm bão hòa nên nhà sản xuất buộc phải bắt theo thị hiếu thôi,” vị nhạc sĩ giấu tên nêu quan điểm.
Cụ thể, nhà sản xuất đã nhìn ra lợi nhuận ở khu vực nghệ thuật này khi thấy những video thu hút chục triệu lượt xem của các nghệ sĩ rap. “Không phải họ yêu mến gì hip-hop cả, cũng chính họ ngày xưa ruồng rẫy hip-hop để chạy theo những thứ ra tiền hơn.”
Dù vậy, nhận định về tương lai của rap Việt Nam, vị nhạc sĩ giấu tên có một cái nhìn lạc quan: “Lực lượng khán giả chủ đạo còn trẻ trung, độ cập nhật cùng thế giới quá nhanh, trong bối cảnh văn hóa hip-hop vẫn thống trị văn hóa đại chúng toàn cầu thì rap Việt Nam chắc chắn còn phát triển nữa, lâu dài nữa,” anh chia sẻ./.