Sự "trỗi dậy" của loài rệp: Vấn nạn với người dân ở khắp châu Âu

Theo một đánh giá khoa học gần đây, trong hai thập kỷ qua, rệp đã “trỗi dậy khắp toàn cầu” và những kẻ hút máu này đã trở thành một vấn nạn hoành hành tại châu Âu và hầu hết các thành phố lớn khác.
Một tấm đệm bị vứt ngoài đường ở Marseille, Pháp ngày 9/10/2023. (Ảnh: Getty Images)

Tháng trước, Phó Thị trưởng Paris, Emmanuel Grégoire, đã phải đứng trước ống kính truyền hình Pháp với vẻ mặt nghiêm túc và cảnh báo: “Không còn ai an toàn.”

Ông này không ám chỉ về mối đe dọa do biến đổi khí hậu hay một loại virus mới đáng sợ nào đó mà nói đến loài rệp.

Đối với những người chưa biết, rệp là loài côn trùng nhỏ không cánh, cắn và hút máu người, thường vào ban đêm.

Chúng bò đến con người bằng cách cảm nhận khí carbon dioxide (CO2) trong hơi thở và nhiệt độ cơ thể chúng ta.

Rệp có thể mang một lượng lớn mầm bệnh nhưng chúng dường như không truyền bệnh cho con người, dù gây ra những vết mẩn ngứa khó chịu.

Trong những tuần gần đây, các video lan truyền cho thấy những con côn trùng trông giống như rệp trên tàu điện ngầm và xe lửa ở Paris cũng như việc nhìn thấy rệp trong rạp chiếu phim và tại sân bay đã làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát khắp thành phố.

Mức độ “bùng phát” hiện tại vẫn chưa rõ ràng và hầu hết các trường hợp nhìn thấy đều chưa được xác nhận.

Tuy nhiên, Paris chắc chắn có rệp. Chicago, New York và mọi thành phố lớn khác trên thế giới cũng vậy. Thật không may, những kẻ hút máu này có mặt ở khắp mọi nơi.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi theo một đánh giá khoa học gần đây, trong hai thập kỷ qua, rệp đã “trỗi dậy khắp toàn cầu” sau khi suy giảm vào giữa thế kỷ 20.

Sự "trỗi dậy" của loài rệp

Loài côn trùng này đã hút máu con người trong hàng nghìn năm, kể cả từ thời Ai Cập cổ đại.

Vào những năm 1800, một số khách sạn ở London tràn ngập rệp đến mức những khách ở trọ “được khuyên nên uống rượu để có thể chợp mắt một chút.”

Loài rệp ưa thích hút máu người vào ban đêm. (Ảnh: Getty Images)

Tình thế đã thay đổi vào những năm 1940, khi hóa chất DDT được sử dụng phổ biến như một loại thuốc diệt côn trùng. Trong Thế chiến thứ hai, quân đội đã phun DDT để kiểm soát các bệnh do muỗi truyền, như sốt rét, cũng như chấy rận trên cơ thể binh sỹ.

Loại thuốc này được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc tiêu diệt rệp. Nhờ DTT và các loại thuốc diệt côn trùng mới, vào những năm 1960, tình trạng nhiễm rệp rất hiếm xuất hiện, ít nhất là ở các quốc gia giàu có.

[Chính phủ Pháp tổ chức họp khẩn để ứng phó với nạn rệp hoành hành]

Trong vài thập kỷ tiếp theo, người dân ở Mỹ và châu Âu hầu như không còn bị rệp quấy rầy, ngay cả sau khi DDT bị cấm sử dụng ở Mỹ vào năm 1972 (vì gây hại đối với con người và động vật hoang dã).

Theo báo cáo từ Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản và một số quốc gia khác, vào khoảng đầu thế kỷ này, rệp bắt đầu xâm nhập lại vào nhà và giường ngủ của người dân.

Ví dụ, ở Australia, số ca nhiễm rệp đã tăng khoảng 45 lần từ năm 1999 đến năm 2006.

Không có dữ liệu rõ ràng về số lượng rệp lây nhiễm ở Mỹ, mặc dù vào năm 2010, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cảnh báo về “sự hồi sinh đáng báo động” của loài côn trùng khó chịu này.

Lý do rệp đang gia tăng

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều người sống ở thành phố hơn và rệp thích những cơ thể ấm áp. Chúng ta cũng đi du lịch nhiều hơn bao giờ hết, tạo cơ hội cho rệp lây lan.

Nhưng theo đánh giá, lý do chính khiến rệp bùng phát là vì chúng tiến hóa khả năng kháng nhiều loại thuốc diệt côn trùng.

Chow-Yang Lee, Giáo sư Côn trùng học Đô thị tại Đại học California Riverside và là đồng tác giả của bài đánh giá gần đây cho biết: “Thuốc diệt côn trùng, đặc biệt là việc sử dụng pyrethroid, đã trở nên thiếu hiệu quả.”

Những con rệp bị nhân viên diệt côn trùng bắt được tại một căn hộ ở Paris ngày 5/10/2023. (Nguồn: Bloomberg)

Điều đó không có nghĩa là không có cách để tiêu diệt được rệp. Loài côn trùng này có thể bị tiêu diệt khi ở môi trường từ 45 độ C trở lên hoặc nhiệt độ cực lạnh.

Giáo sư Lee cho biết việc khử trùng bằng cách sử dụng các hóa chất mạnh và kết hợp thuốc diệt côn trùng cũng mang hiệu quả, đặc biệt là khi chúng được sử dụng nhiều lần.

Nhưng điều này đi kèm với chi phí đắt đỏ và các cộng đồng thu nhập thấp thường không đủ khả năng chi trả cho các phương pháp diệt rệp này, có thể tốn vài trăm đến hàng nghìn USD cho một căn hộ.

Giáo sư Lee cho rằng những cộng đồng nghèo hơn được coi là ổ chứa có thể lây lan rệp khắp thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục