Sự tỏa sáng của vàng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm

Tính tới cuối tháng Sáu, giá vàng đã tăng trưởng ở mức hai con số là hơn 16% và hiện đang ở quanh mức cao nhất của tám năm vào khoảng 1.770 USD/ounce.
Sự tỏa sáng của vàng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm ảnh 1Vàng trang sức được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Cairo, Ai Cập, ngày 22/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau một năm 2019 khá “rực rỡ” với mức tăng 18,4%, các nhà dự báo hồi tháng 1/2020 nhận định vàng sẽ vẫn duy trì được đà tăng trong năm nay khi nhiều yếu tố rủi ro vẫn đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu, như các căng thẳng thương mại “leo thang,” đà tăng trưởng chậm lại ở nhiều nền kinh tế lớn và dịch COVID-19 - một yếu tố mới chỉ "âm ỉ" vào thời điểm đó.

Nửa đầu năm 2020 đã chứng thực cho những dự báo này.

Tính tới cuối tháng Sáu, giá vàng đã tăng trưởng ở mức hai con số là hơn 16% và hiện đang ở quanh mức cao nhất của tám năm vào khoảng 1.770 USD/ounce.

Nhưng khác với các dự báo hồi cuối năm 2019 và đầu năm 2020, yếu tố chính tác động tới giá vàng trong giai đoạn trên không phải căng thẳng thương mại mà là dịch COVID-19.

Và trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu vẫn tăng, đáng chú ý là tại Mỹ, kim loại quý trên nhiều khả năng sẽ còn kéo dài đà tăng hơn nữa.

Nhu cầu dự trữ vàng tăng mạnh

Vàng có một vị trí đặc biệt trong kho bạc của ngân hàng trung ương và nguyên tắc này được áp dụng cho mọi ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Việc các ngân hàng trung ương luôn đưa vàng vào danh mục đầu tư dựa trên ba nguyên tắc chính về tính an toàn, khả năng thanh khoản và lợi nhuận của kim loại quý này.

Suốt ba thập kỷ qua, vàng đã luôn tỏ ra vượt trội so với các tài sản rủi ro trong gần như mọi cuộc suy thoái thị trường.

[Giá vàng châu Á hướng tới quý tăng mạnh nhất trong hơn 4 năm]

Điều tương tự vẫn tái diễn trong đại dịch COVID-19, qua đó củng cố sức hấp dẫn của kim loại này trong bối cảnh còn quá nhiều bất ổn.

Có thể nói đại dịch COVID-19 đã tạo ra đủ lý do để các ngân hàng trung ương tích lũy thêm vàng.

Trong bối cảnh biến động và bất ổn tăng cao, lượng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng thêm 145 tấn trong quý 1/2020.

Một khảo sát mới đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cũng cho thấy số lượng ngân hàng trung ương sẽ trở thành bên mua ròng vàng trong năm nay sẽ cao hơn con số 22 ngân hàng ghi nhận trong năm 2019. Để so sánh, con số này chỉ là 8 ngân hàng trung ương trong năm 2010.

Do đại dịch, nhu cầu về vàng như một kênh “trú ẩn an toàn” đã tăng lên.

Điều này được thể hiện rõ thông qua việc các quỹ ETF về vàng đã tăng lượng nắm giữ của họ trong quý đầu tiên của năm 2020.

Theo WGC, các quỹ EFT đầu tư vàng đã ghi nhận mức vốn ròng đổ vào tăng 23 tỷ USD (tương đương 298 tấn) trong quý 1/2020. Đây là mức tăng hàng quý cao nhất từ trước đến nay và cũng là mức tăng tính theo tấn lớn nhất kể từ năm 2016.

Chỉ tính riêng trong tháng Ba, các EFT đầu tư vàng đã đón nhận thêm 8,1 tỷ USD vốn ròng, tương đương 151 tấn và đưa lượng vàng do các quỹ này nắm giữ lên mức cao kỷ lục là 3.185 tấn.

Triển vọng vẫn lạc quan cho giá vàng

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều so với những ước tính đầu tiên.

Trong bản cập nhật mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020, IMF dự báo GDP thế giới  có thể sẽ giảm tới 4,9% thay vì giảm 3% như dự báo hồi tháng Tư, thời điểm các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội mới bắt đầu được triển khai.

Theo IMF, cuộc suy thoái kinh tế hiện nay do COVID-19 là tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái hồi những năm 1930.

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ tài chính và nới lỏng định lượng có tổng giá trị hơn 10.000 tỷ USD từ các ngân hàng trung ương cho đến nay đã ngăn chặn được các vụ phá sản quy mô lớn.

Trong bối cảnh đó, vàng vẫn là một kênh đặt cược khá an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Mặc dù hoạt động mua vàng vật chất đã giảm mạnh do những hạn chế đi lại và các lệnh phong tỏa, các động thái của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cùng việc mua ròng vàng của họ báo hiệu rằng tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục trong hầu hết năm 2020.

Nhu cầu đầu tư thể hiện thông qua việc lượng vàng do các ETF nắm giữ gia tăng cũng báo hiệu rằng vàng sẽ “tỏa sáng” trong thời gian lâu hơn, ngay cả khi đại dịch được kiểm soát.

Trong một báo cáo mới công bố, các nhà phân tích của ngân hàng Citi đã nâng dự báo giá vàng trong ba tháng tới của họ lên 1.825 USD/ounce.

Hồi tháng Năm, Citi đưa ra ước tính giá kim loại quý này sẽ trung bình ở mức 1.715 USD/ounce trong nửa cuối năm 2020.

Trong dài hạn, Citi vẫn duy trì dự báo giá vàng sẽ tăng lên mức cao kỷ lục mới là 2.000 USD/ounce vào năm 2021, tương đương với một dự báo của Goldman Sachs trước đó. Tính tới hiện tại, mức kỷ lục của giá vàng là 1.920 USD/ounce ghi nhận vào tháng 9/2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục