Sự thay đổi trong quan hệ Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên

Tờ Bình quả của Hong Kong, ngày 24/7 đăng bài viết cho rằng sau những diễn biến gần đây tại bán đảo Triều Tiên, quan hệ ba bên Trung Quốc-Mỹ-Triều Tiên đang có sự thay đổi lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Bình quả của Hong Kong (Trung Quốc), ngày 24/7 đăng bài viết cho rằng sau những diễn biến gần đây tại bán đảo Triều Tiên, quan hệ ba bên Trung Quốc-Mỹ-Triều Tiên đang có sự thay đổi lớn.

Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lập tức tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba trong vòng 3 tháng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh lập trường kiên định củng cố và phát triển quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên của Bắc Kinh là không thay đổi.

Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dùng cụm từ “người một nhà” để khẳng định quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc.

Thế nhưng, giới phân tích quốc tế lập luận rằng nếu như quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên thực sự không thay đổi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đâu cần phải thăm Trung Quốc lần thứ ba chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng.

Nhìn sang quan hệ Mỹ-Triều Tiên, “Tuyên bố chung Trump-Kim” lấy việc Triều Tiên giải trừ hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ

Trong khi đó, khi Mỹ đe dọa chiến tranh với Triều Tiên, mục đích là muốn xóa bỏ mối đe dọa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc đảm bảo Mỹ không khai chiến mà vẫn khiến Triều Tiên giải trừ hạt nhân mới là kết quả tốt nhất.

Nhưng “Tuyên bố chung Trump-Kim” không hề nhắc đến thời gian biểu và biện pháp giải trừ hạt nhân cụ thể của Triều Tiên, cũng không đưa vào nội dung phía Mỹ yêu cầu là “giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.”

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Mỹ thiệt hại hay có lợi?]

Hai bên mới chỉ thỏa thuận về nguyên tắc, thực hiện cụ thể vẫn đợi quan chức hai bên tiếp tục đàm phán sau này.

Học giả Singapore Trịnh Vĩnh Niên cho rằng một trong những lá bài để Triều Tiên đàm phán với Mỹ là có thể “hy sinh” Trung Quốc, đây cũng là vấn đề Mỹ ưu tiên xem xét nhất trong đàm phán với Triều Tiên.

Tất cả đều nhằm vào Trung Quốc, đây là nhân tố chính, các thứ còn lại với Mỹ chỉ là thứ yếu.

Về vấn đề này, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, giáo sư Trương Liễn Khôi cho rằng tình huống này không thể loại trừ, chính Triều Tiên đã công khai tuyên bố có thể hiểu được và không phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc.

Giáo sư Trương Liễn Khôi dự báo, bước tiếp theo khi Mỹ-Triều Tiên đàm phán, phía Triều Tiên có thể yêu cầu trong tương lai sau khi Triều Tiên-Hàn Quốc thống nhất, quân Mỹ vẫn tiếp tục đồn trú tại bán đảo Triều Tiên.

Về mặt chiến lược, điều này khiến Trung Quốc ở vào vị trí bất lợi. Và đây chính là bản chất vấn đề Triều Tiên “hy sinh” Trung Quốc.

Hơn thế, quan điểm của học giả Singapore Trịnh Vĩnh Niên được chuyên gia Trường Đảng Trung ương Trung Quốc thừa nhận đã chứng tỏ nội bộ cấp cao Trung Quốc có những lo ngại như vậy.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vội vàng thăm Trung Quốc nhiều khả năng là liên quan đến vấn đề này, cần thiết phải giải thích với phía Trung Quốc, giữ ổn định quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc.

Vì sao Bình Nhưỡng lại phải làm như vậy? Câu trả lời là bởi vì trước khi Triều Tiên thực hiện giải trừ hạt nhân “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược,” phía Mỹ đã bày tỏ sẽ không xóa bỏ cấm vận nghiêm khắc đối với Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuối tháng 12/2017, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó bao gồm cả Trung Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết cấm vận đối với Triều Tiên.

Theo đó Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp cấm vận Triều Tiên khiến kinh tế Triều Tiên vốn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc đã chịu tổn thất nghiêm trọng.

Dựa vào không khí hòa hoãn của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, Triều Tiên hy vọng Trung Quốc nới lỏng các biện pháp cấm vận.

Hơn thế, Triều Tiên cũng đã công khai bày tỏ giải trừ hạt nhân, hy vọng biện pháp cấm vận của Mỹ và cộng đồng quốc tế áp dụng đối với Triều Tiên cũng sẽ được nới lỏng trong tương lai gần.

Học giả Singapore Trịnh Vĩnh Niên cho rằng kết quả trực tiếp khi Triều Tiên đàm phán với Mỹ là khiến Trung Quốc nới lỏng biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên, như vậy khủng hoảng kinh tế của Triều Tiên có thể vãn hồi.

Còn cam kết giải trừ hạt nhân của Triều Tiên liệu có được thực hiện hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Lịch sử đã chứng minh, thể chế chính trị tập quyền của Triều Tiên luôn "không giữ lời", nhưng Mỹ đã quy định thời gian để đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là không quá hai năm và thái độ của Mỹ là cương quyết.

Do vậy, một khi đàm phán không hiệu quả, khả năng Mỹ sẽ gây sức ép mạnh hơn với Triều Tiên và thậm chí áp dụng sách lược sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên là điều không cần phải nghi ngờ.

Theo học giả Trịnh Vĩnh Niên, xuất phát từ những xem xét thực tế, Triều Tiên nhiều khả năng là thực sự muốn giải trừ hạt nhân để đổi lấy sự ủng hộ về kinh tế và an ninh chính trị của Mỹ.

 

Hiện nay, Mỹ tấn công mạnh mẽ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, có thể chính là do đã không còn lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục