Sự thay đổi trong cách thưởng thức sản phẩm nghệ thuật của người Việt

Không chỉ mang lại những tín hiệu khả quan trong việc phát hành vé, các concert và live show còn chứng minh sự thay đổi trong cách thưởng thức sản phẩm nghệ thuật của người Việt.

Những đêm nhạc thu hút hàng vạn khán giả và hiệu ứng truyền thông kéo dài đã tạo nên điểm sáng cho nhạc Việt năm 2024. (Ảnh: YeaH1)
Những đêm nhạc thu hút hàng vạn khán giả và hiệu ứng truyền thông kéo dài đã tạo nên điểm sáng cho nhạc Việt năm 2024. (Ảnh: YeaH1)

Hiệu ứng từ các concert, live show đang dần khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành công nghiệp biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ mang lại những tín hiệu khả quan trong việc phát hành vé, các sự kiện này còn chứng minh sự thay đổi trong cách thưởng thức sản phẩm nghệ thuật của người Việt.

Trung tâm biểu diễn sôi động

Thời gian qua, các show truyền hình thực tế về âm nhạc như “Ca sỹ giấu mặt," “Our Song VietNam," “Rap Việt," “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng," “Anh trai vượt ngàn chông gai," “Anh trai say hi”... liên tục phủ sóng không chỉ trên truyền hình mà cả trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội, thu hút đông đảo khán giả theo dõi và yêu thích.

Đáng chú ý, một số show thành công khi tổ chức concert (biểu diễn trực tiếp) còn ghi nhận tình trạng cháy vé, bán hết hàng chục nghìn vé chỉ sau vài giờ. Có thể kể đến, concert “Anh trai say hi” với hai buổi diễn khoảng 78.000 khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 9 và 10. Đây là con số chưa từng có tiền lệ đối với nghệ sỹ trong nước và sánh ngang nhiều show của nghệ sỹ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới khi lưu diễn.

Không chỉ các concert lớn của nghệ sỹ nổi tiếng mà các chương trình biểu diễn nhỏ (mini show) của gương mặt mới, ca sỹ indie (độc lập) ngày càng thu hút khán giả, nhất là thế hệ trẻ.

Cuối tháng 10/2024, ca sỹ Phương Mỹ Chi có đêm “School tour - Vũ điệu cò bay 2024” thu hút hơn 8.000 khán giả cùng thăng hoa. Concert “Bảo tàng của nuối tiếc” của ca sỹ Vũ nhận được số lượng khán giả đón nhận tương tự.

Một số sự kiện quy tụ nhiều loại hình biểu diễn, tương tác và trở thành lễ hội âm nhạc độc đáo, mang hơi thở của đời sống và nghệ thuật đương đại như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh HOZO, GENfest, Hội-Thuần-Hội, Đại nhạc hội 8Wonder, Hay Glamping… góp phần cộng hưởng, khiến thị trường âm nhạc trở nên sôi động.

hozo.jpg
Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh HOZO.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Thành phố đã xác định ngành công nghiệp điện ảnh và công nghiệp âm nhạc là hai trong 8 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, Thành phố vừa có không gian, vừa có thị trường thu hút các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; giao lưu văn hóa quốc tế. Đơn cử những năm gần đây, Thành phố luôn tập trung xây dựng những mô hình âm nhạc với kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của khát vọng Việt.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đời sống âm nhạc nói riêng và xây dựng thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung là Lễ hội âm nhạc quốc tế HOZO khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019. Thành công của sự kiện cho thấy việc xã hội hóa lễ hội âm nhạc là hướng đi đúng của Thành phố trong việc tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế. Ngoài ra, để có thể mời và đáp ứng yêu cầu của các nghệ sỹ tên tuổi trên thế giới, công tác tổ chức cần vận hành một cách chuyên nghiệp theo các khâu của một lễ hội quốc tế.

Nhận định về thị trường biểu diễn tại Việt Nam, Nhạc sỹ Huy Tuấn cho hay, trước đây, khi muốn tổ chức một show, các đơn vị sản xuất luôn có tâm thế lo ngại vì không có khán giả. Nhưng những bứt phá đến từ thị trường concert cuối năm là tín hiệu cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp biểu diễn.

Theo nhạc sỹ Huy Tuấn, ngành biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến mạnh mẽ nhờ lượng khán giả trẻ cởi mở, sẵn sàng bỏ tiền thưởng thức nghệ thuật. Ngoài ra, các show tại đây ngày càng được đầu tư nội dung lẫn hình thức, tăng sức hấp dẫn; nhiều ca khúc hòa quyện chất liệu hiện đại và truyền thống, tiệm cận các thể loại nhạc được ưa chuộng trên thế giới.

Từ tiềm năng trở thành xu hướng thị trường

Nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng của ngành công nghiệp biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, đặc biệt khi các chương trình thực tế về âm nhạc đã khai phá thị trường, tạo hiệu ứng xã hội lớn, mở rộng ảnh hưởng tới đông đảo công chúng ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực biểu diễn nói riêng không chỉ trông chờ vào tài năng của các nghệ sỹ, cùng việc “chịu chi” của khán giả mà còn phải được đầu tư và quản lý chuyên nghiệp.

Là người từng tham gia sản xuất nhiều chương trình giải trí lớn, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho biết, các buổi concert, minishow có thể chỉ mang tính thời điểm, song biết khai thác tốt vẫn có thể trở thành xu hướng. Trong đó, sự kết nối giữa nghệ sỹ và khán giả cũng như cảm xúc mỗi buổi diễn mang lại là những yếu tố có tính quyết định. Việc xây dựng cộng đồng khán giả trung thành các hoạt động hậu concert cũng như quảng bá và tương tác liên tục với khán giả qua các nền tảng truyền thông xã hội là điều cần thiết.

Ông Hồng Quang Minh chỉ ra, thị trường âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang ở giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Do đó, các nhà tổ chức cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, tìm hiểu được thị hiếu và nhu cầu của khán giả. Một chiến lược phát triển lâu dài sẽ giúp thị trường âm nhạc tại đây phát triển bứt phá hơn trong tương lai gần.

Để duy trì sức hút của các concert, theo ông Hồng Quang Minh, cần đầu tư dài hạn vào xây dựng hình ảnh, phong cách âm nhạc của nghệ sỹ, để họ không chỉ tỏa sáng qua một show mà còn chinh phục khán giả trong thời gian dài. Bên cạnh đó, cần huy động các lực lượng xã hội trên nguyên tắc khuyến khích đầu tư, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia vào chu trình sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm văn hóa.

anh-trai-vuot-ngan-chong-gai2.jpg
Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” có sức hút chưa từng thấy tại showbiz Việt. (Ảnh: Yeah1)

Tương tự, ông Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch IB Group Vietnam, cho rằng đầu tư vào trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

Lấy dẫn chứng từ sự xuất hiện của các ngôi sao âm nhạc nổi tiếng cho thấy thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh là nơi rất tiềm năng về phát triển công nghiệp biểu diễn. Đó là tiền đề để những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ trong nước có cái nhìn thực tiễn hơn về việc tổ chức sản xuất và vận hành một show diễn lớn tại đây. Tuy nhiên, để Thành phố Hồ Chí Minh có nền công nghiệp biểu diễn đạt chuẩn thế giới, đầu tiên cần có hạ tầng cho biểu diễn, xây dựng các địa điểm dành cho trình diễn chuyên nghiệp kèm theo dịch vụ hậu cần đi theo.

“Nếu có chiến lược đầu tư theo chiều sâu thì trong 5-10 năm tới, người dân, du khách sẽ được đón các tour diễn tầm cỡ của các nghệ sỹ hàng đầu thế giới/quốc gia với quy mô lớn. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho thương hiệu quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ... cũng như thu hút được đầu tư kinh tế, đặc biệt giúp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung bắt nhịp, phát triển ngành công nghiệp văn hóa," ông Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.

Có thể nói, các sự kiện âm nhạc quy mô lớn, chuyên nghiệp cùng sự đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa tầm vóc quốc tế trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua cũng một phần khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm âm nhạc, điện ảnh, trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và bạn bè quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục