Mạng tin moderndiplomacy.eu, dường như đã có một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Nam Á, đặc biệt là Pakistan.
Mỹ là một trong số vài quốc gia đầu tiên công nhận Pakistan năm 1947 sau khi nước này giành độc lập từ đế quốc Anh.
Trong Chiến tranh Lạnh, Pakistan là quốc gia nhiệt tình ủng hộ Mỹ và bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại khu vực, kể cả trong chiến tranh Afghanistan những năm 1980.
Pakistan cũng là đồng minh thân cận trong "cuộc chiến chống khủng bố" sau các vụ tấn công nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001.
Mặc dù Pakistan luôn dang rộng vòng tay hữu nghị với Mỹ bất kể khi nào Mỹ cần sự ủng hộ, song Mỹ lại luôn lùi lại khi nước này không còn cần tới vai trò của Pakistan trong một vấn đề nào đó, và quan hệ giữa hai bên đi xuống.
Pakistan đang phải đối mặt với một vài lệnh trừng phạt nghiêm ngặt và hà khắc nhất của Mỹ.
Hai quốc gia này luôn hợp tác với nhau trong những vấn đề có chung mục tiêu và lợi ích, cho dù Mỹ đã không đánh giá đúng những lợi ích của Pakistan và luôn đặt ra các yêu cầu.
"Cần làm nhiều hơn nữa" là khẩu hiệu của giới lãnh đạo Mỹ trong những năm gần đây, mà không cần hiểu khả năng tuân theo của Pakistan, hay lợi ích của nước này.
Mỹ luôn coi quan hệ Pakistan-Mỹ chỉ là quan hệ mang tính "giao dịch." Mặc dù Pakistan luôn chân thành và cân nhắc mối quan hệ với Mỹ trong dài hạn.
Trong một vài năm qua, Mỹ đã buộc tội và đe dọa Pakistan. Tất nhiên, cả hai bên đều tồn tại một số lo ngại, và một vài trong số đó có thể là chính xác, nhưng cũng có một số lo ngại xuất phát từ sự hiểu lầm hoặc quá kỳ vọng.
Trên thực tế, Mỹ đang yêu cầu Pakistan "làm nhiều hơn" mà không cân nhắc tới khả năng và lợi ích của Pakistan. Chừng nào Mỹ còn hợp tác với Pakistan, Mỹ có thể đạt được những mục tiêu chiến lược của mình tại khu vực.
Pakistan có thể là một nước nhỏ, nhưng sở hữu một vị trí chiến lược và có thể đóng vai trò quyết định trong vấn đề địa chính trị.
Pakistan là một quốc gia có 220 triệu dân, xếp thứ 6 thế giới về dân số.
Là quốc gia hạt nhân duy nhất trong thế giới Hồi giáo, Pakistan được coi là một quốc gia quan trọng trong thế giới Hồi giáo.
Vị trí của Pakistan hỗ trợ kết nối phía Đông và phía Tây, nằm tại lối vào của eo biển Hormuz, khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ. Quốc gia này cũng nối lục đại Á-Âu với Biển Arab.
Pakistan được ban tặng thiên nhiên tươi đẹp, rất phù hợp để làm du lịch. Đất nước này giàu tài nguyên khoáng sản song vẫn chưa được khai thác.
70% dân số của Pakistan là người trẻ dưới 40 tuổi, đây là một lực lượng lao động rất lớn. Đa dạng về khí hậu và địa hình giúp Pakistan trở thành một trong những quốc gia nông nghiệp tốt nhất thế giới.
Nhìn chung, lịch sử quan hệ giữa Pakistan và Mỹ không quá suôn sẻ và phải trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, thập kỷ này được coi là giai đoạn tồi tệ nhất trong quan hệ Pakistan-Mỹ khi Mỹ luôn ép buộc Pakistan và gần như xóa sổ mối quan hệ này.
[Mỹ và Pakistan nhất trí duy trì các cuộc trao đổi ở nhiều cấp]
Mỹ chuyển trọng tâm sang Ấn Độ, ủng hộ và hộ trợ Ấn Độ, giúp Ấn Độ trở nên đủ mạnh để đối chọi với Trung Quốc.
Mỹ để Ấn Độ thay thế vai trò của Pakistan tại Afghanistan. Kết quả là, Ấn Độ trở thành quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ viện trợ của Mỹ, chỉ sau Israel.
Tuy nhiên, Ấn Độ không có khả năng và không thể đáp ứng được mong đợi của Mỹ.
Mỹ không thể đạt được các mục tiêu chiến lược của mình nếu không có sự ủng hộ của Pakistan tại khu vực.
Thất bại nối tiếp thất bại, giới lãnh đạo Mỹ, đặc biệt là ban lãnh đạo quân sự, đã nhận ra tầm quan trọng của Pakistan.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells gần đây đã nói về Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và cảnh báo Pakistan về tác động dài hạn của hành lang này.
Cần suy xét sâu về việc liệu đây có phải là một lời khuyên chân thành hay không, hay chỉ là một phản ứng nhằm đối chọi hoặc kiềm chế Trung Quốc.
Mỹ công khai phản đối việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và áp dụng mọi biện pháp có thể để đối đầu với Trung Quốc trên mọi mặt trận.
Ấn Độ không đáp ứng được kỳ vọng của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ trực tiếp đưa ra bình luận về CPEC. Vấn đề này cần được nghiên cứu chi tiết và đánh giá nghiêm túc.
Tuy nhiên, Mỹ đang có kế hoạch cử 15 đoàn đại biểu thương mại tới Pakistan trong năm 2020 để nghiên cứu các khả năng mở rộng trao đổi thương mại với Pakistan.
Thông tin này cũng xuất hiện trong văn bản mà bà Wells đã đọc tại Trung tâm Wilson - một viện nghiên cứu ở Washington - hồi tuần trước, trong đó chủ yếu tập trung vào CPEC, song cũng bao gồm nhiều đề xuất khác để mở rộng quan hệ thương mại Mỹ-Pakistan.
Và một khi Cơ quan Phát triển Tài chính (DFC) mới được hình thành và đi vào hoạt động, "Pakistan sẽ là một quốc gia được hưởng lợi lớn."
DFC sẽ tăng gấp đôi mức trần đầu tư so với Cơ quan Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC), tăng từ 29 tỷ USD lên 60 tỷ USD, OPIC là một cơ quan của chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm huy động vốn tư nhân để đầu tư ra nước ngoài.
Tăng gấp đôi mức trần sẽ cho phép Mỹ đầu tư vào các dự án có tiêu chuẩn cao và đòi hỏi sự bền vững về tài chính trong dài hạn.
Mặc dù thúc giục Pakistan tận dụng điều này, song bà Wells cũng nhắc nhở Islamabad rằng "sự phát triển bền vững thực sự là một cuộc chạy đua marathon chứ không phải một cuộc chạy nước rút.
Nó đòi hỏi phát triển một khung pháp lý hiệu quả, hệ thống luật pháp mạnh, sự ổn định tài chính, và một môi trường kinh doanh thuận lợi."
Các nhà hoạch định chính sách của Pakistan phải có những biện pháp cần thiết để tập dụng những sáng kiện của Mỹ.
Bà cũng nhắc lại rằng, trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Imran Khan hồi tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã "rất háo hức về khả năng tăng cường và mở rộng trao đổi thương mại Mỹ-Pakistan và quan hệ đầu tư giữa hai nước. Cả hai chính phủ đang rất tích cực làm việc để tìm ra các cách thực hợp lý để thực hiện điều đó. Chúng tôi tuyên dương Pakistan vì đã tăng 28 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường thuận lợi cho kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới và được coi là một trong số 10 quốc gia có nhiều cải cách nhất trên toàn cầu."
Bà Wells nói: "Và điều rất rõ ràng là, quan hệ đối tác phát triển Mỹ-Pakistan về cơ bản đang ở dưới dạng tài trợ - không phải là nợ," bà nói thêm rằng những mối liên kết như vậy "thể hiện phương hướng mà chúng tôi đang hướng đến."
Pakistan hoan nghênh mọi quốc gia đầu tư vào Pakistan. Chính phủ Pakistan cung cấp những chính sách hấp dẫn và sự bảo vệ đầy đủ đối với tất cả người nước ngoài và đảm bảo đầu tư sẽ sinh lời.
CPEC cũng luôn chào đón tất cả các quốc gia, hiện nay Saudi Arabia, UAE, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thể hiện sự quan tâm tới việc đầu tư vào các dự án của CPEC.
Pakistan là một quốc gia lớn với các cơ hội không giới hạn cả ở trong và bên ngoài khuôn khổ CPEC. Pakistan, dựa trên việc hợp tác cùng có lợi, luôn luôn sẵn sàng bắt tay với bất kỳ quốc gia nào./.