World Cup 2022 - ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đang diễn ra tại Qatar và là tâm điểm chú ý của thế giới. Nhưng sự kiện này không chỉ có những nụ cười, niềm vui mà còn có cả những lời chỉ trích và cáo buộc rằng nó đã gây ra nhiều cái chết.
Kể từ khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022, đã có nhiều tranh cãi liên quan cách thức nước này đối xử với lao động nước ngoài, cũng như cái giá về sinh mạng cho sự kiện. Có nhiều ước tính khác nhau về số lượng công nhân đã chết trên các công trường xây dựng World Cup ở Qatar, nhưng con số thực sự rất khó xác định.
Trang tin DW của Đức cho biết đã có những thông tin nói hàng nghìn, thậm chí cả chục nghìn cái chết liên quan tới World Cup ở Qatar. Nhưng liệu chúng có chính xác hay không?
Để trả lời câu hỏi này, các nhà báo của DW đã tìm kiếm số liệu và thu gom thông tin từ FIFA , chính quyền Qatar cũng như các tổ chức nhân quyền và truyền thông nhằm đưa ra một cái nhìn gần với sự thật nhất.
Tuyên bố: World Cup ở Qatar đã khiến hơn 6.500, thậm chí hơn 15.000 lao động nước ngoài thiệt mạng
Xác minh của DW: Không đúng
Con số 15.021 lao động nước ngoài thiệt mạng trong quá trình làm các công việc liên quan tới World Cup ở Qatar thực tế xuất hiện đầu tiên trong một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế - một nhóm nhân quyền - đưa ra vào năm 2021.
Trong khi đó, con số hơn 6.500 lao động nước ngoài thiệt mạng xuất hiện lần đầu trên tờ The Guardian của Anh, vào tháng 2/2021. Cả hai con số này sau đó đều được chia sẻ rộng rãi, điều dễ hiểu khi xét tới tính chất gây sốc của chúng.
Kể từ khi xuất hiện, các con số trên đã được sử dụng nhiều lần để chứng minh cho tuyên bố rằng World Cup Qatar làm nhiều lao động nước ngoài thiệt mạng. Nhưng cả Tổ chức Ân xá Quốc tế và The Guardian đều không khẳng định rằng tất cả những người này đã chết trên các công trường xây dựng sân vận động, hoặc trong các bối cảnh của World Cup 2022.
Cả hai số liệu trên về cơ bản chỉ đề cập đến những người không phải dân Qatar mà tới từ nước khác và làm nhiều nghề khác nhau, đã chết ở Qatar trong cả thập kỷ qua.
Con số 15.021 lao động nước ngoài bị thiệt mạng do Tổ chức Ân xá Quốc tế trích dẫn được lấy từ số liệu thống kê chính thức của chính quyền Qatar. Nó đề cập đến số người nước ngoài đã chết ở đây từ năm 2010 đến năm 2019. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, con số này là 15.799 người.
Như vậy, đã có hơn 15.000 người nước ngoài chết tại Qatar trong các giai đoạn kể trên, nhưng không phải vì World Cup.
Con số trên không chỉ bao gồm những công nhân xây dựng, nhân viên an ninh hoặc người làm vườn với trình độ kém, những người có thể đã hoặc chưa từng được tuyển dụng vào các dự án liên quan đến World Cup, mà còn có cả giáo viên nước ngoài, bác sỹ, kỹ sư và doanh nhân.
Nhiều người trong số đó đến từ các nước đang phát triển như Nepal và Bangladesh. Nhưng cũng có cả những người đến từ các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc cao. Các số liệu thống kê của Qatar không cho phép phân tích chi tiết hơn nữa.
Đối thông tin của tờ The Guardian, nhà báo Pete Pattisson và nhóm của ông này đã đưa ra con số 6.751 người dựa trên số liệu thống kê chính thức từ chính phủ các nước Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
Công dân các nước này chiếm tỷ lệ đáng kể trong số lao động nhập cư ở Qatar - đặc biệt là nhóm lao động có trình độ kém.
Điều thú vị là Qatar không phủ nhận cả hai con số. Ví dụ như khi trả lời The Guardian, Văn phòng Truyền thông Chính phủ của Qatar đã cho biết: "Mặc dù mỗi trường hợp tử vong đều là điều gây đau buồn, nhưng tỷ lệ tử vong trong các cộng đồng này vẫn nằm trong phạm vi dự kiến nếu tính tới quy mô và nhân khẩu học của các cộng đồng đó." Nhưng liệu tuyên bố này có đúng không?
Tuyên bố: Tỷ lệ tử vong trong các cộng đồng này (lao động nước ngoài) nằm trong phạm vi dự kiến nếu tính tới quy mô và nhân khẩu học của các cộng đồng đó
Xác minh của DW: Gây hiểu sai
Nói một cách khác, theo chính phủ Qatar, 1.500 ca tử vong mỗi năm trên quy mô dân số 2 triệu người là tỷ lệ bình thường, nằm ở mức trung bình.
Trước tiên, cần phải xem xét lại các dữ liệu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong chung của người lao động nước ngoài (nhập cư) ở Qatar còn thấp hơn so với chính tại quê hương họ. Trên thực tế, ngay cả tỷ lệ tử vong của công dân Qatar cũng cao hơn so với tỷ lệ tử vong của những lao động nước ngoài làm việc ở Qatar.
Tuy nhiên, do lao động nước ngoài ở Qatar không đại diện cho dân số nói chung ở nước họ, hoặc ở Qatar, nên những số liệu như vậy là sai lệch.
Ví dụ, tỷ lệ trẻ em và người già - nhóm nhân khẩu học có tỷ lệ tử vong cao nhất - trong cộng đồng lao động nhập cư ở Qatar rõ ràng là không thể so sánh với tỷ lệ tương tự trong dân số chung của bất kỳ quốc gia nào.
Hơn nữa, lao động nước ngoài ở Qatar, bất kể họ có xuất thân như thế nào hay làm công việc gì, về cơ bản đều là những người khỏe mạnh. Họ phải vượt qua nhiều cuộc kiểm tra y tế để có được thị thực Qatar.
Các cuộc kiểm tra này đã loại bỏ những ứng viên mắc các bệnh truyền nhiễm như AIDS/HIV, viêm gan B. và C, bệnh giang mai hoặc bệnh lao. Số liệu thống kê của WHO cũng không bao gồm những người lao động nhập cư qua đời sau khi trở về nước của họ.
Ví dụ, ở Nepal trong 10 năm qua, các nhà chức trách đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca tử vong do suy thận ở nam giới trong độ tuổi 20-50, với nhiều người vừa trở về sau thời gian làm việc ở Trung Đông.
Theo các chuyên gia y tế ở Nepal, điều này có thể do người lao động phải làm việc liên tục trong điều kiện thời tiết của vùng Vịnh, kết hợp với việc có ít nước uống và chất lượng nước kém.
Tuyên bố: Chỉ có 3 trường hợp tử vong liên quan đến công việc tại các công trường xây dựng sân vận động World Cup
Xác minh của DW: Gây hiểu sai
Cả FIFA và ban tổ chức World Cup của Qatar đều khẳng định rằng chỉ có 3 người thiệt mạng do trực tiếp làm việc tại các công trường xây dựng World Cup.
Định nghĩa chính thức của FIFA và Qatar về "những cái chết liên quan đến công việc" đề cập đến những trường hợp tử vong trên công trường xây dựng 7 sân vận động mới ở nước này, cũng như các cơ sở huấn luyện mà Qatar đã xây dựng trong thập kỷ qua.
Ba người trên bao gồm hai người đàn ông Nepal, tử vong tại Sân vận động Al Janoub ở Al Wakrah, và một người Anh tại Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Al Rayyan.
Khi tính cả những cái chết không liên quan trực tiếp đến công việc xây dựng, các quan chức thừa nhận thêm 37 trường hợp tử vong nữa. Ví dụ như hai người Ấn Độ và một người Ai Cập đã chết trong một vụ tai nạn giao thông đường bộ, khi đang đi từ nơi làm việc đến chỗ ở của họ vào tháng 11/2019.
Tuy nhiên, việc trao quyền đăng cai World Cup cho Qatar đã tạo ra một làn sóng xây dựng bùng nổ ở quốc gia vùng Vịnh, không chỉ tại các sân vận động.
Rất nhiều các dự án liên quan đến giải đấu đã được thực hiện, bao gồm việc xây dựng các đường cao tốc mới, các khách sạn, một hệ thống tàu điện ngầm mới, mở rộng sân bay và xây cả một thành phố mới ở Lusail, ngay phía bắc Doha.
Nhưng ngay cả ở giai đoạn đỉnh cao của hoạt động xây dựng, FIFA vẫn tuyên bố rằng chỉ có hơn 30.000 công nhân thực sự được tuyển dụng tại các địa điểm cụ thể của World Cup.
Do đó, sự thừa nhận chính thức về 3 trường hợp tử vong kể trên đã bỏ qua các trường hợp tử vong có thể xảy ra trên các công trường xây dựng khác. Những vụ tử vong đó có thể sẽ không xuất hiện nếu không có World Cup.
Nó cũng không tính đến hàng nghìn trường hợp được ghi nhận về việc lao động nước ngoài chết trong chỗ ở của họ ngoài giờ làm việc. Các trường hợp này đã không được nhận những lời giải thích thỏa đáng.
Theo nghiên cứu của The Guardian và Tổ chức Ân xá Quốc tế, các bác sỹ Qatar cho rằng khoảng 70% trường hợp tử vong trong nhóm kể trên là "chết tự nhiên" do suy tim-hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, đối với các nhà dịch tễ học, suy tim và suy hô hấp không phải nguyên nhân gây tử vong, mà là kết quả.
Nguyên nhân của hiện tượng tim ngừng hoạt động có thể do đau tim hoặc các bất thường khác, trong khi suy hô hấp có thể do phản ứng dị ứng hoặc ngộ độc. Nhưng không có những lời giải thích như vậy được đưa ra.
Từ năm 2014, trong một báo cáo độc lập do chính phủ Qatar ủy quyền, công ty luật toàn cầu DLA Piper đã đưa ra "khuyến nghị mạnh mẽ" rằng chính phủ Qatar nên "cho phép khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm tử thi với các trường hợp tử vong bất ngờ hoặc đột ngột."
Cuối năm 2021, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chỉ trích việc Qatar thiếu tài liệu đầy đủ về các vụ tai nạn và nguyên nhân tử vong.
Theo các chuyên gia được Tổ chức Ân xá Quốc tế phỏng vấn, khám nghiệm tử thi xâm lấn là hoạt động ít khi cần dùng tới. Trong khoảng 85% trường hợp tử vong, hoạt động "khám nghiệm bằng lời nói" có sự tham gia của nhân chứng, hoặc người quen của người chết, là đủ để có chứng cứ cần thiết.
DW dẫn lời các tổ chức nhân quyền cho biết việc tiếp xúc với những nhân chứng như vậy cho thấy hiện tượng say nắng, kiệt sức, hoặc thậm chí những bệnh nhẹ không được điều trị là nguyên nhân dẫn đến nhiều cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân./.