Sự suy giảm ca mắc và tử vong chưa đủ để xóa sổ AIDS trên toàn cầu

Sự tiến bộ không đồng đều giữa các khu vực trong phòng chống HIV/AIDS khiến thế giới còn cách xa mục tiêu mà Liên hợp quốc đã đề ra về việc xóa sổ gần hết các ca tử vong liên quan AIDS vào năm 2030.

Những người tình nguyện xếp nến thành hình ruybăng đỏ nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) tại Siliguri, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những người tình nguyện xếp nến thành hình ruybăng đỏ nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) tại Siliguri, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ca mắc và tử vong do bệnh AIDS trên toàn cầu đã giảm mạnh trong những năm qua, đánh dấu bước tiến đầy ấn tượng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo, dù đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng chưa thể xóa sổ hoàn toàn virus HIV.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet HIV ngày 26/11, trong suốt thập kỷ qua, số ca nhiễm HIV mới trên toàn thế giới đã giảm khoảng 20%.

Số ca tử vong liên quan HIV - thường do phát sinh các bệnh nhiễm trùng khác ở những bệnh nhân giai đoạn cuối của AIDS - cũng giảm mạnh, xuống dưới mức 1 triệu ca mỗi năm.

Đây là tín hiệu lạc quan, đặc biệt ở khu vực châu Phi hạ Sahara – nơi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch HIV/AIDS.

Tuy nhiên, sự tiến bộ này không đồng đều. Trong khi châu Phi chứng kiến những cải thiện rõ rệt thì một số khu vực như Đông Âu và Trung Đông lại ghi nhận tình trạng gia tăng các ca nhiễm HIV mới.

Điều này khiến thế giới còn cách xa mục tiêu mà Liên hợp quốc đã đề ra về việc xóa sổ gần hết các ca tử vong liên quan AIDS vào năm 2030.

TTXVN_2611 HIV.jpg
Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nhận thuốc tại một phòng khám ở Port-au-Prince, Haiti. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một trong những công cụ quan trọng giúp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm HIV là phương pháp PrEP (Phòng ngừa trước khi tiếp xúc). Khi sử dụng đều đặn, thuốc PrEP có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên đến 99%.

Pháp hiện đang mở rộng chương trình này, không chỉ giới hạn cho nam giới quan hệ đồng tính mà còn khuyến khích sử dụng rộng rãi cho tất cả những ai có nguy cơ cao.

Đối với những người đã nhiễm HIV, liệu pháp kháng retrovirus đã chứng minh hiệu quả làm giảm lượng virus trong máu xuống mức không thể phát hiện được, qua đó giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết khi lượng virus giảm xuống mức không thể phát hiện được, khả năng truyền HIV từ mẹ sang con trong suốt thời kỳ cho con bú là gần như bằng 0.

Mặc dù những công cụ nói trên đã phát huy hiệu quả tốt ở các quốc gia phát triển nhưng chi phí điều trị cao vẫn là một rào cản lớn đối với các quốc gia nghèo, đặc biệt là ở châu Phi.

Tuy nhiên, những tiến bộ mới đây trong việc phát triển thuốc điều trị HIV đang mang lại hy vọng lớn cho những người sống chung với loại virus nguy hiểm này. Một trong những loại thuốc đó là lenacapavir, có khả năng ngăn ngừa nhiễm HIV lên tới 100% chỉ qua 2 mũi tiêm mỗi năm.

Như đã đề cập ở trên, chênh lệch về chi phí vẫn là rào cản lớn. Tại các quốc gia giàu có, thuốc này có giá lên tới 40.000 USD mỗi năm, trong khi các nghiên cứu cho thấy thuốc có thể được sản xuất với giá chỉ khoảng 40 USD. Các nhà nghiên cứu và tổ chức quốc tế đang kêu gọi tập đoàn Gilead - công ty sản xuất thuốc - giảm giá bán để các quốc gia có thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận.

Mới đây, Gilead đã ký hợp đồng với 6 công ty dược phẩm để sản xuất lenacapavir tại các quốc gia thu nhập thấp, nhưng vẫn còn nhiều quốc gia chưa được bao phủ.

Các chuyên gia lưu ý, hàng triệu người sống chung với HIV vẫn không thể tiếp cận được các liệu pháp điều trị hiện đại, đặc biệt ở những quốc gia không nằm trong thỏa thuận cấp phép sản xuất thuốc lenacapavir của Gilead.

Một trong những điểm mạnh của loại thuốc tiêm này là giảm thiểu sự kỳ thị đối với những người có HIV vì chỉ cần 2 lần mỗi năm, thay vì phải dùng thuốc hàng ngày như các phương pháp trước đây.

Tuy nhiên, lý tưởng hơn nữa là có được vaccine phòng ngừa HIV. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu trong các thập kỷ qua, nhưng cho đến nay đây vẫn là giấc mơ chưa thành hiện thực.

Các nhà khoa học đang tạm coi thuốc tiêm lenacapavir như một vaccine hiệu quả, vì có thể giúp ngăn ngừa nhiễm HIV gần như hoàn hảo. Ngoài ra, mặc dù đã có vài trường hợp được chữa khỏi HIV bằng phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu nhưng phương pháp này vẫn chưa phải là giải pháp khả thi cho đa số bệnh nhân./.

Tin cùng chuyên mục