Sứ quán Việt Nam ở Indonesia: Chưa có tin người Việt ở vùng sóng thần

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã ngay lập tức liên hệ với đầu mối Bộ Ngoại giao để nắm tình hình người Việt Nam và được biết hiện chưa có thông tin nào về người nước ngoài ở khu vực này.
Sứ quán Việt Nam ở Indonesia: Chưa có tin người Việt ở vùng sóng thần ảnh 1Hiện trường đổ nát sau khi sóng thần bất ngờ ập vào vùng bờ biển quanh Eo biển Sunda, Indonesia tối 22/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Phóng viên TTXVN tại Indonesia, trước mức độ nghiêm trọng của trận sóng thần xảy ra vào tối 22/12 tại khu vực eo biển Sunda, bờ biển Anyr (Serang, tỉnh Banten) và Nam Lampung (tỉnh Lampung) của Indonesia, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã ngay lập tức liên hệ với đầu mối Bộ ngoại giao để nắm tình hình người Việt Nam và được biết hiện chưa có thông tin nào về người nước ngoài ở khu vực này.

Đại sứ quán Việt Nam đề nghị người Việt Nam tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Đối với những trường hợp người Việt Nam đang mắc kẹt tại khu vực này hoặc cần hỗ trợ, liên hệ ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: (+62 21) 31907165, (62) 811161025 hoặc số hotline Bảo hộ công dân của Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam +84981848484.

Tính đến thời điểm hiện tại, số người thương vong trong vụ sóng thần tại hai hòn đảo Java và Sumatra của Indonesia đã lên tới hơn 600, trong đó có 43 người thiệt mạng. Theo nhà chức trách Indonsia, số người thiệt mạng sẽ còn tăng cao.

[Sóng thần ở Indonesia: Số người thương vong tăng lên trên 600 người]

Theo người dân địa phương, cơn sóng thần này cao khoảng 3m và tiến sâu vào đất liền khoảng 20m, cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà. Theo ước tính ban đầu sau trận sóng thần, có khoảng 430 căn nhà bị tàn phá, 9 khách sạn bị tổn thất nặng nề và 10 tàu thuyền không thể hoạt động.

Người phát ngôn của Cơ quan kiểm soát và giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho hay các vụ sóng thần do núi lửa phun trào là hiếm gặp và vụ sóng thần vừa xảy ra tại eo biển Sunda không phải hậu quả của một trận động đất. Theo ông Nugroho, không có động đất và vụ núi lửa Anak Krakatau phun trào cũng không lớn, đồng thời lưu ý rằng không có dư chấn đáng kể để nhận biết một cơn sóng thần đang đến.

Nguyên nhân gây sóng thần xuất phát từ "lở đất dưới đáy biển do hoạt động núi lửa Anak Krakatau" và sóng thần trở nên mạnh hơn do thủy triều cao bất thường trong ngày trăng tròn.

Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), vào khoảng 21 giờ tối 22/12 núi lửa Anak Krakatau đã phun trào tạo ra một cột tro bụi ước tính cao trên 500 m. Đến 21 giờ 30 cùng ngày, xảy ra một trận sóng thần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang, Serang và Nam Lampung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục