Sự quan tâm của các tổ chức quốc tế trong phòng, chống thiên tai

Thông qua Tổng cục Phòng, chống thiên tai, các tổ chức đã hỗ trợ bằng tiền mặt và hiện vật cho các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, với tổng giá trị khoảng 84 tỷ đồng (3,6 triệu USD).
Sự quan tâm của các tổ chức quốc tế trong phòng, chống thiên tai ảnh 1Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) phối hợp với các thành viên của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức cuộc họp vận động hỗ trợ cho nhân dân các tỉnh duyên hải Trung Bộ bị thiệt hại do lũ lụt trong thời gian vừa qua. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chiều 16/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Lễ tổng kết các hoạt động hỗ trợ quốc tế trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2020.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai đến người dân khu vực miền Trung, Chính phủ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có nhiều hoạt động vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Đáp lại lời kêu gọi, Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và cơ quan quốc tế đã có những hành động kịp thời, thiết thực hỗ trợ người dân.

Trong đó, 32 tổ chức đã cùng chung tay cứu trợ với tổng số tiền khoảng 25 triệu USD (tương đương hơn 600 tỷ đồng), thông qua ba nguồn là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các tổ chức tự thực hiện; Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam.

Đặc biệt, thông qua Tổng cục Phòng, chống thiên tai, các tổ chức đã hỗ trợ bằng tiền mặt và hiện vật cho các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, với tổng giá trị khoảng 84 tỷ đồng (3,6 triệu USD). Các hỗ trợ này đã và đang được phân bổ đến các tỉnh.

[Canada hỗ trợ người dân miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tai]

"Sự quan tâm có trọng tâm đối với các hoạt động phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam khẳng định giá trị nhân văn cao cả trong tôn chỉ, mục đích của các tổ chức quốc tế, đồng thời, khẳng định các Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã hoạt động rất hiệu quả trong năm 2020," Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng Chủ tịch Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai Andrew Jeffries chia sẻ, Ngân hàng, các Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã trực tiếp đi khảo sát các tỉnh bị thiệt hại và có sự hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật giúp nhân dân vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định sản xuất, đời sống.

Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công tác phòng, tránh, hỗ trợ giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra.  

Bà Tiaji Maynell Sio, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua, thiên tai đã ảnh hưởng lớn, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở Việt Nam.

Tổ chức hợp tác phát triển Đức cùng với các tổ chức khác luôn đẩy mạnh phối hợp với Việt Nam trong công tác phòng tránh thiên tai.   

Tại buổi Lễ, đại diện các Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác phòng, tránh, hỗ trợ, phối hợp phòng, chống thiên tai, đồng thời cam kết tiếp tục có sự đồng hành với Việt Nam trong công tác này thời gian tới.       

Sự quan tâm của các tổ chức quốc tế trong phòng, chống thiên tai ảnh 2Chuyển hàng cứu trợ cho người dân xã Hướng Việt, Quảng Trị. (Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

"Tôi tin tưởng rằng, với các hoạt động đầy ý nghĩa này, nhân dân các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ sớm khôi phục và ổn định cuộc sống. Theo dự báo, thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt hơn, tôi mong rằng sự phối hợp sẽ càng bền chặt để góp phần hỗ trợ tốt hơn những đối tượng chịu nhiều rủi ro. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để hoạt động của Đối tác luôn hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của các thành viên Đối tác," Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài bày tỏ.

Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (DRR Partnership) được thành lập theo Quyết định số 3922/QĐ-BNN-TCCB của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với sự tham gia của 18 tổ chức quốc tế, các bộ liên quan.

Ngay sau khi thành lập, trước diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố  khu vực Nam Trung Bộ, Đối tác đã cung cấp, cập nhật thông tin liên tục đến các thành viên; tổ chức các đoàn công tác thực địa đến các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn để đánh giá tác động, đề xuất các phương án hỗ trợ; tổ chức các cuộc họp với các thành viên Đối tác để vận động hỗ trợ.

Kết quả đã vận động được hơn 927.000 USD hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 147.000 USD hỗ trợ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục