"Sự phục hồi kinh tế thế giới khá mong manh"

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Zoellick lại lên tiếng báo động các nguy cơ tiềm ẩn trong tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Ngày 13/11, bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã một lần nữa lên tiếng báo động các nguy cơ tiềm ẩn trong tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới vào năm 2010.

Ông Zoellick cho rằng sự phục hồi hiện nay của nền kinh tế thế giới “khá mong manh” và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bất ngờ.

Nguy cơ lớn nhất vẫn là những bong bóng cổ phiếu, nhà ở và các bất động sản khác có thể xuất hiện và nổ tung không thể kiểm soát nổi bất cứ lúc nào trong quá trình phục hồi kinh tế nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm.

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nước giàu có thể gây ra những chấn động ngầm đến các thể chế tài chính quốc gia và quốc tế trong khi các thể chế này vẫn còn phải chật vật giải quyết những khó khăn phức tạp về tài chính như nợ tiêu dùng cao, nợ thẻ tín dụng, nợ xấu và nhiều vấn đề tài sản thương mại khác. Tỷ lệ thất nghiệp cao buộc các nhà lãnh đạo các nước phải tăng rào cản buôn bán và theo đuổi đường lối bảo hộ mậu dịch để tháo ngòi nổ kinh tế-xã hội trong nước.

Chủ tịch WB cũng cảnh báo nguy cơ ít được chú ý đến là bóng ma lạm phát khi các ngân hàng Trung ương các nước tiếp tục bơm nguồn tài chính khổng lồ để kích thích nền kinh tế trong nước.

Ông nhấn mạnh, nếu ngân hàng trung ương các nước duy trì mức lãi suất thấp như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát.

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng này lựa chọn nâng lãi suất, đồng tiền nội tệ của họ sẽ tăng giá, khiến hàng xuất khẩu của họ mất sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và ngay cả thị trường trong nước, do phải mở cửa thị trường cho tự do thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục