Trong cuộc họp báo sáng 17/5, người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc Fu Linghui (Phó Lăng Huy) cho biết nền kinh tế thứ 2 thế giới này cải thiện trong tháng Tư vừa qua, song có những vấn đề mới đang nổi lên, do đó ông cho rằng "nền tảng cho sự phục hồi kinh tế trong nước chưa vững chắc."
Báo cáo của NBS công bố ngày cùng ngày cho thấy sản lượng các nhà máy của Trung Quốc trong tháng Tư tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chậm hơn mức tăng 14,1% trong tháng Ba.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 17,7%, yếu hơn mức dự báo 24,9% và thấp hơn nhiều so với mức tăng 34,2% ghi nhận trong tháng Ba.
[Trung Quốc: Chỉ số giá sản xuất tăng vọt trong tháng Tư]
Theo ông Fu Linghui, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều vấn đề mới, đáng chú ý nhất là giá cả hàng hóa quốc tế tăng. Đối với các doanh nghiệp, giá cả tăng giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhưng cần chú ý các áp lực đối với các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Trong tháng 4/2021, lạm phát giá cả hàng hóa nhà máy của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2017. Báo cáo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng mức lạm phát này có thể tăng hơn nữa trong quý 2 và quý 3/2021.
Trong khi đó, Zhiwei Zhang - nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi không cân bằng, theo đó mạnh ở lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư trong nước, nhưng yếu ở tiêu dùng.
Cụ thể, các ngành liên quan đến du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí là các nhà tuyển dụng lớn và vẫn bị kìm hãm bởi sự bất ổn liên quan dịch bệnh COVID-19.
Trong quý I/2021, kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% và nhiều nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng 8% trong cả năm 2021.
Ông Zhiwei Zhang cho rằng trong tình hình hiện nay Chính phủ Trung Quốc có thể duy trì siết chặt chính sách tiền tệ và theo dõi tốc độ phục hồi./.