Sự phát triển bùng nổ của các công ty công nghệ Đông Nam Á có kéo dài?

Kể từ năm 2015, các nhà đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn công nghệ và những công ty đầu tư kỳ cựu ở Phố Wall đã rót vốn đầu tư 26 tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á.
Sự phát triển bùng nổ của các công ty công nghệ Đông Nam Á có kéo dài? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Khi công ty cung cấp dịch vụ đặt xe qua ứng dụng Uber bước vào thị trường Đông Nam Á, gã khổng lồ của Thung lũng Silicon đã thu hút khách hàng bằng chương trình tặng kem miễn phí. Đây là một chiến thuật mà Uber đã triển khai ở các thị trường phương Tây.

Grab, đối thủ của Uber có trụ sở tại Singapore, đã chiêu đãi hành khách bằng sầu riêng, một loại trái cây nhiệt đới được người dân ở những nhiều nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan yêu thích.

Chương trình Grab Sầu riêng (GrabDurian) của Grab đã cung cấp nhiều loại trái cây cũng như các món tráng miệng làm từ sầu riêng. Sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt, Grab đã mua lại các hoạt động tại Đông Nam Á của Uber vào năm 2018. 

Theo tạp chí Economist của Anh, đây là một trong số những bài học dành cho các công ty muốn hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á - nơi có gần 700 triệu dân. Các dịch vụ kỹ thuật số như gọi xe và giao đồ ăn có thể phát triển mạnh, miễn là chúng thích ứng với điều kiện địa phương.

Bùng nổ các công ty công nghệ Đông Nam Á

Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp trên Internet ở Đông Nam Á đã bùng nổ. Giá trị vốn hóa thị trường của Sea, một tập đoàn của Singapore niêm yết trên sàn chứng khoán New York năm 2017, đã tăng gấp 5 lần trong năm ngoái, lên tới 125 tỷ USD.

Ngày 13/4, Grab công bố thỏa thuận phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Việc sáp nhập này đẩy giá trị của gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe này chạm mốc 40 tỷ USD, trở thành thương vụ liên quan tới công ty SPAC lớn nhất từ trước tới nay.

Gojek, một hãng gọi xe công nghệ của Indonesia trị giá hơn 10 tỷ USD, có thể hợp nhất với một công ty thương mại điện tử có tên Tokopedia, trước khi xem xét niêm yết ở New York thông qua SPAC.

[Grab sẽ tiếp tục tập trung vào các thị trường Đông Nam Á]

Traveloka, một “kỳ lân” công nghệ (công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá từ 1 tỷ USD trở lên) cũng của Indonesia được cho là đang đàm phán để niêm yết tại New York thông qua SPAC.

Có thể thấy, Phố Wall cuối cùng đã nhận ra tiềm năng to lớn của Đông Nam Á. Khu vực này đông dân hơn Liên minh châu Âu (EU) hay Bắc Mỹ và các nền kinh tế khu vực đang phát triển nhanh.

Lấy ví dụ Singapore, quốc gia giàu có và nói tiếng Anh, nằm ở trung tâm Đông Nam Á và là một trung tâm tài chính toàn cầu. Nước này có đầy đủ các ngân hàng, luật sư, chuyên gia tư vấn, nhà quảng cáo và các loại hình sáng tạo - những yếu tố mà một công ty hiện đại cần để phát triển kinh doanh. 

Một điểm đáng lưu ý là nhiều gã khổng lồ công nghệ của Mỹ và Trung Quốc đã thất bại khi đối mặt với thách thức về đặc điểm địa lý biển đảo và người dân không sử dụng ngân hàng của khu vực này.

Bên cạnh quyết định rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á của Uber, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn khi thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Lazada, một công ty thương mại điện tử trong khu vực mà Alibaba đã mua lại vào năm 2016. 

Chuyên gia Nirgunan Tiruchelvam, thuộc công ty Tellimer chuyên nghiên cứu và tư vấn về các thị trường mới nổi, lưu ý rằng việc chuyển phát các đơn hàng mua sắm trực tuyến đến 6.000 hòn đảo của Indonesia có thể là một “cơn ác mộng” logistics đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc - nơi vốn có cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, chứ chưa nói đến phương Tây.

Hơn nữa, một phần lớn dân số Đông Nam Á vẫn sẽ còn ở trong cảnh nghèo khổ trong nhiều năm tới, và họ không có nhiều tiền để chi tiêu tùy ý cho các sản phẩm đầu tư và mua sắm trực tuyến.

Sự phát triển của các “siêu ứng dụng”

Các công ty công nghệ Đông Nam Á bắt đầu hoạt động tại các thị trường ngách riêng của mình. Sea bắt đầu bằng kinh doanh trò chơi. Grab ra mắt năm 2012 với tư cách là một dịch vụ gọi taxi ở Malaysia.

Gojek đã phát điện thoại thông minh cho những lái xe gắn máy ở Jakarta (được gọi là ojek), những người này có thể vượt qua tình trạng tắc đường kinh hoàng của thủ đô Indonesia để mang các sản phẩm hoặc dịch vụ cá nhân được cung cấp trên nền tảng của Gojek đến với người tiêu dùng.

Traveloka khởi đầu là ứng dụng chuyên về đặt vé máy bay còn Tokopedia là một nền tảng thương mại điện tử.

Tất cả đã mở rộng từ đó và phát triển theo hướng trở thành “siêu ứng dụng”, song hành với những ứng dụng do Alibaba và Tencent, các công ty Internet lớn nhất Trung Quốc, điều hành. Grab hiện có mặt tại 8 quốc gia.

Ngoài đặt xe, ứng dụng này còn cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, thanh toán di động, bảo hiểm, đầu tư và tư vấn sức khỏe. 

Năm ngoái, công ty đã tung ra các dịch vụ như phát hiện gian lận, bản đồ kỹ thuật số và quảng cáo. Năm nay, công ty này có kế hoạch bắt đầu thiết lập một ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore.

Tan Hooi Ling, người đồng sáng lập Grab, nói rằng công ty này “giống như Uber, DoorDash (một ứng dụng giao đồ ăn của Mỹ) và Ant (chi nhánh tài chính-công nghệ của Alibaba) khi tất cả đều được gói gọn trong một ứng dụng.”

Gojek, hiện cũng cung cấp các dịch vụ tương tự, trong năm 2020 đã mua một lượng lớn cổ phần của một ngân hàng Indonesia. Kevin Aluwi, đồng Giám đốc điều hành Gojek, cũng nhận thấy những điểm tương đồng giữa công ty của mình và các siêu ứng dụng của Trung Quốc.

Khi Grab, Gojek và những công ty khác tiếp tục phát triển, họ cũng sẽ phải vật lộn với những thách thức đã làm các gã khổng lồ nước ngoài “nản lòng.” Cho đến khi đường sá, liên kết giao thông và mạng lưới thông tin liên lạc được cải thiện, các công ty công nghệ vẫn chưa thể tăng tốc khả năng tiếp cận người tiêu dùng của khu vực này.

Ngay cả khi các công ty kỹ thuật số mới nổi này vượt qua được những trở ngại trên, họ sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn, đó là cạnh tranh lẫn nhau. Khi các dịch vụ đa dạng hóa, không thể tránh khỏi sự trùng lặp.

Grab và Gojek đã tranh giành khách hàng trong các lĩnh vực từ đặt xe đến tài chính. Tại Indonesia, cho đến nay là thị trường lớn nhất, hai công ty đang “đốt tiền” để thu hút khách hàng. Tổng lỗ hoạt động của Grab đã thu hẹp trong năm 2020, nhưng vẫn lên tới 800 triệu USD.

Tuy vậy, tiềm năng tăng trưởng cao khiến các nhà đầu tư dễ “khoan dung”. Grab đã cam kết với các nhà đầu tư rằng công ty dự kiến sẽ hòa vốn vào năm 2023.

Ông Aluwi của Gojek thì cho rằng thị trường có đủ chỗ để nhiều công ty thành công. Ông nói: “Tôi không nghĩ đây là một thị trường mà người chiến thắng lấy tất cả.”

Theo số liệu của công ty nghiên cứu Dealogic, kể từ năm 2015, các nhà đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn công nghệ (bao gồm Alibaba và Tencent, cũng như Google và SoftBank) và những công ty đầu tư kỳ cựu ở Phố Wall (như KKR, một công ty cổ phần tư nhân khổng lồ) đã vót vốn đầu tư 26 tỷ USD vào khu vực này.

SPAC của Grab được hỗ trợ bởi nhiều công ty, trong đó có BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới. 

Một số khoản đầu tư này có thể để lại “dư vị đắng,” nhưng với tiềm năng của khu vực, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ được thưởng thức hương vị ngọt ngào như sầu riêng chín./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục