Sự nở rộ của các nền tảng phát video trực tuyến tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, các dịch vụ truyền phát trực tuyến đang nở rộ nhờ vào sự tiện lợi và thế mạnh nội dung ngày càng đa dạng, đồng thời cũng do người xem tránh tới những nơi đông người thời gian qua.
Sự nở rộ của các nền tảng phát video trực tuyến tại Hàn Quốc ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Yonhap)

Khi hay tin Hàn Quốc xác nhận nhiều trường hợp nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV), anh Kang Tae-gu, một cư dân Seoul và là một người yêu thích phim ảnh, đã quyết định ngừng đến rạp chiếu phim, ít nhất vào thời điểm hiện tại.

Thay vào đó, anh Kang đã chọn dành nhiều thời gian hơn để xem phim trên điện thoại thông minh, sử dụng các ứng dụng từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT (chỉ các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet) như Netflix Inc.

Anh Kang chia sẻ: "Những tin tức về 2019-nCoV khiến tôi buộc lòng phải tránh xa các rạp chiếu phim. Ngay cả khi những bộ phim bom tấn mới phát hành, tôi nghĩ tôi sẽ bỏ qua và chờ đợi cho đến khi chúng được cung cấp trên nền tảng OTT." Hiện anh Kang đã trở thành người dùng "trung thành" của OTT và sử dụng dịch vụ này mỗi ngày.

OTT chỉ các dịch vụ truyền phát trực tuyến cho phép mọi người xem nội dung video qua internet, trái ngược với các dịch vụ truyền hình cáp hoặc vệ tinh truyền thống.

Trong bối cảnh cả đất nước Hàn Quốc đang nỗ lực kìm hãm sự lây lan của 2019-nCoV, những người yêu thích phim ảnh như anh Kang dường như có xu hướng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT và tránh tới các rạp chiếu phim vì lo ngại về nhiễm virus nơi đông người. 

Công ty cung cấp dịch vụ OTT Watcha Inc. cho biết thời lượng xem trung bình trên nền tảng OTT của hãng là Watcha Play đã đạt mức cao kỷ lục vào cuối tuần trước.

Thời gian trung bình người dùng dành cho việc sử dụng dịch vụ vào ngày 1 và 2/2 cao hơn 14% so với một tuần trước đó.

Trong khi đó, Wavve, một nền tảng OTT do SK Telecom Co. phối hợp với ba đài truyền hình lớn của Hàn Quốc gồm KBS, MBC và SBS phát triển, đã ghi nhận số lượng đăng ký mới tăng gấp đôi vào cuối tuần so với ngày thường.

Việc sử dụng dịch vụ OTT tăng mạnh, đặc biệt là vào cuối tuần trước, được ghi nhận sau khi cơ quan y tế Hàn Quốc ngày 30/1 xác nhận bệnh nhân thứ năm nhiễm 2019-nCoV tại nước này đã đến một rạp chiếu phim ở phía Bắc thủ đô Seoul vào hôm 25/1.

Rạp chiếu phim này có liên kết với Công ty CJ CGV, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất của Hàn Quốc. CJ CGV sau đó đã đóng cửa rạp chiếu phim này để khử trùng toàn bộ cơ sở trước khi mở lại vào hôm 3/2 vừa qua.

[Hàn Quốc: Naver đối mặt với cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh]

Giám đốc Wavve Kim Yong-bae thừa nhận người dân cảm thấy không an toàn khi xem phim tại rạp vào những ngày này và có xu hướng lựa chọn các dịch vụ phát trực tuyến.

Dù sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra không phải là lý do duy nhất phía sau xu hướng này song dịch bệnh này chắc chắn có những tác động nhất định.

Hiệu suất gần đây của OTT trái ngược hoàn toàn với số lượng khán giả ảm đạm tại các rạp chiếu phim ở Hàn Quốc trong tháng 1 vừa qua.

Theo dữ liệu do Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc công bố, 16,8 triệu người đã đến rạp chiếu phim vào tháng trước, thấp nhất trong tháng 1 kể từ năm 2012.

Một quản lý tại CJ CGV Kim Dae-hee cho biết bên cạnh việc thiếu vắng các bộ phim lớn, dịch bệnh do 2019-nCoV cũng là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm lượng khách đến rạp.

Trong khi đó, các chuyên gia phim ảnh cho rằng việc người dân đổ xô tìm kiếm những bộ phim về các đại dịch kinh điển như cũng là một nguyên nhân khiến lượng sử dụng các dịch vụ phát video trực tuyến tăng vọt trong những tuần gần đây bởi những bộ phim này không được chiếu ở rạp.

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae-keun nhận định tình hình hiện nay khiến người dân tò mò về mọi thông tin liên quan tới dịch bệnh chết người, do đó những bộ phim có nội dung tương tự nhận được nhiều sự chú ý. Bên cạnh đó, một lợi thế của OTT là khả năng cung cấp những bộ phim cả cũ và mới, thậm chí có thể gợi ý về những bộ phim mà mọi người muốn xem trong những ngày này.

Một trong những tác phẩm được người dân tìm kiếm nhiều nhất trước sự bùng phát của 2019-nCoV là "Contagion" ("Sự truyền nhiễm") được phát hành năm 2011 của đạo diễn Steven Soderbergh. Với nội dung kể về sự bùng phát của một loại virus chết người trên toàn cầu, bộ phim kinh dị này được nhiều người hâm mộ chỉ ra một số điểm tương đồng nổi bật với những gì hiện đang xảy ra trên thế giới.

"Contagion" đã xuất hiện trở lại trong danh sách phim được xem nhiều nhất của các nền tảng OTT khác nhau.

Thậm chí, bộ phim còn đứng đầu các bảng xếp hạng trong nhiều ngày trên Watcha Play và Wavve. Công ty KT Corp cho biết số lượt xem "Contagion" trên nền tảng OTT của hãng là Seezn, từ ngày 23/1 tới 2/2 cao gấp 545 lần so với mức trung bình hàng ngày từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái.

Trong khi đó, số lượt xem "The Flu" ("Đại dịch cúm") được phát hành năm 2013 cũng tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ trên Seezn. Tuy nhiên, những chuyên gia trong ngành OTT lưu ý sự tăng vọt này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Theo số liệu của Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC), trong năm ngoái, người Hàn Quốc chiếm tới 52% số người dùng OTT, tăng từ 42,7% vào năm 2018.

Viện nghiên cứu chiến lược tương lai KDB của Hàn Quốc dự đoán thị trường OTT trong nước sẽ tăng từ 580 triệu USD năm 2019 lên 710 triệu USD vào năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục