Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), truyền thông quốc gia Vạn đảo đã có nhiều bài viết ca ngợi sự nghiệp và công lao to lớn của Người, cũng như tình bạn thân thiết giữa Người với nhà lập đạo lập quốc của Indonesia Bung Karno.
Trong bài viết đăng ngày 19/5 trên báo Kompasiana và Myview.id, tác giả Veeramalla Anjaiah, nhà báo nổi tiếng và là nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), đánh giá “Paman Ho” (Bác Hồ, tên được người dân Indonesia trìu mến dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh) là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam, nhà lãnh đạo ưu tú của phong trào giải phóng dân tộc, người cộng sản mẫu mực, người bạn thân thiết của những người đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Ông Anjaiah nhắc lại rằng "Paman Ho" - Chủ tịch nước đầu tiên từ năm 1945 đến năm 1969, đồng thời là Thủ tướng Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1955 - đã đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 trước hàng vạn đồng bào tập trung tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, trong đó trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”
[Tọa đàm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường đại học lớn nhất Mexico]
Paman Ho là thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920, Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, Việt Minh năm 1941 và là nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia bị áp bức ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Dù là một người cộng sản chân chính, Paman Ho là một trong số ít nhân vật quốc tế được phương Tây coi trọng. Tạp chí Time đã liệt kê Người trong danh sách “100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20” vào năm 1998.
Năm 1987, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đề nghị các nước thành viên cùng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người nhằm ghi nhận “những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật.”
Nhà nghiên cứu này cho hay đối với Indonesia, Paman Ho có mối quan hệ đặc biệt và là người bạn thân thiết của nhà lãnh đạo lập quốc Sukarno. Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/12/1955.
Nhằm tăng cường quan hệ song phương, Paman Ho đã đến Indonesia trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày vào tháng 2/1959 và được Tổng thống Sukarno cũng như Chính phủ Indonesia tiếp đón nồng hậu.
Đạo đức, tinh thần cách mạng và lối sống giản dị của Người được nhiều chính trị gia, nhà nghiên cứu, nhà báo và người dân Indonesia kính trọng. Trong chuyến thăm Indonesia, Paman Ho đã đến nhiều nơi và được trao bằng Tiến sỹ danh dự của Đại học Padjadjaran ở Bandung.
Người dân Indonesia vẫn còn nhớ câu chuyện thú vị về chuyến thăm của Người. Theo lời kể của bà Megawati Soekarnoputri, cựu Tổng thống Indonesia và là con gái của ông Sukarno, Paman Ho đã đi một đôi dép cao su thay vì đi giày trong chuyến thăm. Khi được hỏi, Người đáp: “Sau này, khi cuộc đấu tranh của Việt Nam thắng lợi, Bác sẽ đi giày.”
Cũng trong năm 1959, Tổng thống Sukarno đã tới thăm Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ngày nay, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng gần gũi này đang phát triển với những bước nhảy vọt. Năm 2013, Indonesia và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên tấm đối tác chiến lược.
Nhà báo Anjaiah thuật lại rằng, trong cuộc đời của mình, Paman Ho đã sống 30 năm ở nước ngoài. Người lên đường ra nước ngoài năm 1911 trên một con tàu để tìm đường cứu nước.
Người đã làm việc ở New York và Boston, cũng như từng sống ở London từ năm 1915 đến năm 1917. Sau đó, Người chuyển đến Pháp và ở lại đây từ năm 1917 đến năm 1923, trước khi đến Trung Quốc, Nga, Thái Lan và nhiều nước khác.
Paman Ho đã làm nhiều việc như đầu bếp, làm vườn, quét dọn, bồi bàn, chỉnh sửa ảnh, thợ đốt lò và nhà báo để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Sở thích của Người là đọc sách, làm vườn, cho cá ăn, thăm trường học và trò chuyện với trẻ em.
Bên cạnh một chính trị gia kiệt xuất, Paman Ho còn viết nhiều bài báo, sách và thơ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và nhiều bút danh khác nhau. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu chống Nhật, Pháp, Mỹ và giành thắng lợi.
Sau khi qua đời, thi hài của Người được lưu giữ trong lăng ở Hà Nội và 110 quốc gia trên toàn thế giới đã gửi điện chia buồn.
Nhà báo kỳ cựu người Indonesia nhấn mạnh rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tuy đã mất cách đây 54 năm, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn mãi, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới./.