Bài 2: Hai tiếng “Việt Nam" tri ân các sứ giả từ người dân Thổ Nhĩ Kỳ

Sứ mệnh trái tim của những người lính cứu hộ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ

Những tiếng hô vang “Việt Nam” hay hành động để tay lên ngực cúi chào của người dân Thổ Nhĩ Kỳ tri ân các cán bộ, chiến sỹ Việt Nam tham gia cứu hộ động đất sẽ là những kỷ niệm không thể quên.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai hoạt động tại Antakya. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)

Ở Thổ Nhĩ Kỳ những ngày tháng 2 này, hai tiếng “Việt Nam” có thể nghe thấy ở bất kỳ đâu.

Có những người dân bình thường, khi nhận ra các thành viên đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, đã hô vang 2 tiếng “Việt Nam.”

Do bất đồng ngôn ngữ, nhiều người đã dùng điện thoại thông minh, dịch ra tiếng Việt dòng chữ "Việt Nam anh hùng" để bày tỏ tri ân với các thành viên trong đoàn.

Tại Hatay hay Adiyaman, theo bước chân của hai đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng in trên nền trời xanh ngắt, tung bay trên các khu nhà, dù giờ chỉ còn là đống đổ nát, đã trở nên vô cùng thân thuộc.

Với những người dân đang trải qua nhiều mất mát, đau thương do nhà cửa đổ sập và những người thân yêu mắt kẹt dưới các lớp đất đá, chỗ nào có cắm cờ đỏ sao vàng của Việt Nam sẽ là nơi họ có thể tìm đến đề nghị hỗ trợ và luôn được đáp ứng trong khả năng tối đa.

Rất nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã coi các cán bộ, chiến sỹ Việt Nam như người thân trong gia đình, đến tận nơi hai đoàn đóng quân để tri ân, hoặc chỉ đơn giản là hành động đặt tay phải lên ngực trái và cúi chào khi gặp các anh thay cho lời biết ơn.

“Cảm ơn Việt Nam” cũng là câu mà các nhà lãnh đạo và người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ.

[Quốc tế đánh giá cao hai đoàn cứu hộ của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ]

Trong chuyến thị sát tình hình động đất và công tác cứu hộ, cứu nạn tại Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gặp và bắt tay Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam, gửi lời cảm ơn vì sự hỗ trợ kịp thời, cùng những nỗ lực không mệt mỏi của đoàn Việt Nam khi hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn tại nước này.

Thay mặt Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Hakan Cakil cũng bày tỏ trân quý sự sẻ chia của Việt Nam đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn mà còn hỗ trợ hàng hóa vô cùng thiết yếu và quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tới Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay gặp các lực lượng, các đoàn quốc tế hỗ trợ cứu nạn quốc tế. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)

Đặc biệt, các thành viên đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam còn dành một phần lương của mình để hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ Hakan Cakil nhấn mạnh sự chia sẻ giúp đỡ nhau trong hoạn nạn là một trong những động lực để mối quan hệ song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Việt Nam có những bước chuyển mới trên tất cả các lĩnh vực.

Nghẹn ngào bộc bạch với phóng viên TTXVN, ông Selman Otủrk, người dân tỉnh Hatay, liên tục nói lời cảm ơn: "Cảm ơn các bạn rất nhiều, cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi, chia sẻ cùng chúng tôi vượt qua thời khắc khó khăn này. Trân trọng cảm ơn!"

May mắn sống sót sau trận động đất kinh hoàng, ông Zakaria luôn đau đáu tìm kiếm những người thân yêu của mình dưới đống đổ nát. Những rung chấn mạnh của trận động đất kinh hoàng cùng hình ảnh người thân có thể còn kẹt dưới đống đổ nát luôn hiện hữu trong tâm trí ông kể từ khi may mắn thoát ra khỏi nhà.

Do đó, ông Zakaria rất biết ơn khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng hành cùng chính phủ và người dân nước ông tìm kiếm các nạn nhân của trận động đất.

Ông Zakaria nói: "Chúng tôi đã mất hết tất cả. Cảm ơn lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam đã giúp chúng tôi tìm kiếm những người thân trong gia đình đang mắc kẹt trong đống đổ nát. Cảm ơn các bạn Việt Nam."

Còn ông Adiziz Talha Yavuzk khẳng định: "Những gì các bạn đang làm cho chúng tôi thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã, đang dành sự hỗ trợ hết mình cho chúng tôi."

Người dân thể hiện sự cảm động và biết ơn những hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời của đoàn công tác Việt Nam. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Không giấu nổi cảm xúc hạnh phúc khi đón nhận những món quà nghĩa tình của đoàn Việt Nam, anh Levent Cetin, người dân làng Gorentas ở tỉnh Hatay, tâm sự gia đình anh và mọi người hiện đang phải tạm tá túc trong những ngôi lều dựng tạm trên các bãi đất trống bởi không ai dám trở về nhà do vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề từ đồ ăn, thức uống cho đến nơi để tránh mưa, tránh rét, những chuyến hàng gồm lương thực, túi ngủ, chăn mền, lều bạt... mà Việt Nam gửi sang vô cùng có ý nghĩa..

Các đội cứu hộ quốc tế cũng đánh giá rất cao năng lực, tính chuyên nghiệp, sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả của đoàn Việt Nam. Việc các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sử dụng thành thục các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là sự chuyên nghiệp trong sử dụng radar xuyên tường, các thiết bị banh, cắt thủy lực, tìm kiếm bằng camera hình ảnh và âm thanh, sử dụng các thiết bị liên quan đến kích, nâng để có thể tách những khối bê tông.. đã đóng góp rất nhiều cho công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trung tâm cứu hộ các cấp của Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh gần 90 quốc gia đã cử các đoàn cứu hộ, cứu nạn đến nước này và thông qua sự hợp tác hỗ trợ giữa các bên, các đội cứu hộ quốc tế đều đánh giá rất cao năng lực của đoàn Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN có mặt tại Hatay, đại diện lực lượng cứu hộ cứu nạn Australia, kiêm chỉ huy Trung tâm điều phối cứu hộ cứu nạn số 10 Greg Rankin nêu bật sự hiện diện cũng như hỗ trợ của các đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông khẳng định việc các nước, trong đó có Việt Nam, điều lực lượng đến hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ là "sự giúp đỡ quý báu.”

Đại tá quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Ates cảm ơn đoàn công tác Việt Nam đã nỗ lực hết sức trong quá trình cứu hộ, cứu nạn, cũng như luôn sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Pavin, chỉ huy Trung tâm Điều phối cứu hộ cứu nạn số 5 tại Hatay đánh giá, sự hợp tác của Việt Nam mang lại hiệu quả cao.

Bày tỏ ấn tượng với các đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, ông Edgar Toscano - đại diện lực lượng cứu hộ, cứu nạn Mexico nhấn mạnh: “Tôi không thể nghĩ ra điều gì tốt đẹp hơn thế. Trong tương lai, chúng ta có thể hợp tác rất tốt về nhiều mặt, không chỉ trong cứu hộ cứu nạn.”

Những tiếng hô vang “Việt Nam” hay hành động để tay lên ngực cúi chào của người Thổ Nhĩ Kỳ, những cái ôm của các em nhỏ dành cho các cán bộ, chiến sỹ chắc chắn sẽ đọng lại mãi trong tâm trí các “sứ giả nhân đạo” Việt Nam về chuyến công tác dù hiểm nguy, gian nan nhưng cũng rất đáng tự hào này./.

Bài 1: Những sứ giả của tình hữu nghị

Đón đọc bài 3: Điểm tựa của kiều bào

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục