Những sứ giả của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ

Sứ mệnh trái tim của những người lính cứu hộ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ

Nhóm phóng viên mang theo thông điệp của sự sẻ chia, của hòa bình và hy vọng, để cảm nhận và ghi lại hành trình đầy cảm xúc của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam qua chùm bài “Sứ mệnh trái tim."
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam không ngại hiểm nguy triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hay những người dân bình thường đặt tay lên ngực để thể hiện sự cảm kích, biết ơn khi gặp các thành viên đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam; những giọt nước mắt xúc động của chị Hồng, một phụ nữ Việt Nam sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Đại sứ quán Việt Nam trong thời khắc hoạn nạn…

Nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đồng hành cùng hai đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tới những vùng đất bị tàn phá nặng nề trong trận động đất cường độ 7,8 ngày 6/2, mang theo thông điệp của sự sẻ chia, của hòa bình và hy vọng, để cảm nhận và ghi lại hành trình đầy cảm xúc này qua chùm 3 bài viết “Sứ mệnh trái tim."

Bài 1: Những sứ giả của tình hữu nghị Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyên nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật cao, dũng cảm, không ngại gian khổ, đầy tinh thần “tương thân, tương ái," thân thiện và nhân văn..., đó là những dấu ấn mà hai đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, hoạt động ở 2 địa phương cách nhau gần 500km cùng chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, để lại trong lòng giới chức, người dân sở tại cũng như các đoàn cứu hộ quốc tế. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 24 cán bộ, chiến sỹ trong đoàn Bộ Công an (hoạt động ở tỉnh Adiyaman) cùng 76 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của đoàn Bộ Quốc phòng tác nghiệp tại tỉnh Hatay được gọi với cái tên thân thương: “sứ giả nhân đạo” Việt Nam.

Đối với các thành viên của 2 đoàn, đây cũng là chuyến công tác khó quên, nhất là khi Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn cứu hộ, cứu nạn tham gia sứ mệnh nhân đạo quốc tế ở địa bàn vô cùng xa xôi, với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cử lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian chuẩn bị triển khai nhiệm vụ rất ngắn (3 ngày sau trận động đất, đoàn của Bộ Công an đã lên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ), điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt (nhiệt độ có lúc giảm sâu xuống âm 10 độ C), những hiểm nguy từ các rung chấn còn tiếp diễn và các tòa nhà bị sập vẫn đổ xuống. Ngay trước khi kết thúc hoạt động tìm kiếm, ngày 20/2, các thành viên đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng đã “nếm trải” hai trận động đất lần lượt có độ lớn 6,4 và 5,8 ở tỉnh Hatay, một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận động đất hồi đầu tháng. Đó là chưa kể những thách thức về ngôn ngữ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, di chuyển tại vùng thảm họa.

“Cứu người Thổ Nhĩ Kỳ như cứu chính người thân của mình” - chia sẻ của Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân), Trưởng đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Quốc phòng, cũng chính là "mệnh lệnh của trái tim" thôi thúc các thành viên trong cả hai đoàn công tác nhanh chóng thu xếp, tạm gác công việc riêng, động viên người thân, gấp rút lên đường.

Thượng úy Kiều Đức Toàn (Tiểu đoàn 93, Bộ Tư lệnh Công binh) dù đã ấn định thời điểm tổ chức lễ thành hôn vào cuối tháng 2, nhưng vẫn xung phong lên đường vì với anh, đây là sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả. Trò chuyện với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thượng úy Toàn tâm sự anh và vợ sắp cưới đều có chung suy nghĩ cứu người là trên hết, và khi trái tim cùng chung nhịp đập, thì khoảng cách về địa lý và thời gian cũng ngắn lại, Bởi vậy, cả hai cùng động viên nhau chờ khi Thượng úy Toàn hoàn thành nhiệm vụ trở về, đôi bạn trẻ sẽ cùng tổ chức một đám cưới trọn vẹn.

[Đoàn cứu hộ quân đội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ]

Khi tận mắt chứng kiến những con phố trước kia từng sầm uất, những ngôi nhà ghi dấu bao tiếng cười hạnh phúc nay chỉ còn là đống gạch nát, chôn vùi nhiều người và tài sản; khi nhìn những ánh mắt của người dân Thổ Nhĩ Kỳ chất chứa ưu tư, mong mỏi tìm được người thân, xen lẫn với cả nghị lực vượt qua mất mát lớn, mỗi thành viên trong đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam càng quyết tâm “chạy đua với thời gian," nhanh chóng phối hợp với các đoàn quốc tế khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt.

Nhớ lại thời khắc cả đoàn vỡ òa cảm xúc khi giải cứu được một thiếu niên 17 tuổi ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại Adiyaman, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Phạm Chí Thành (Phó Đội trưởng đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Phòng PC07, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) không khỏi bồi hồi.

Trung tá Phạm Chí Thành vẫn nhớ khi nghe thấy tiếng gõ báo hiệu của nạn nhân, cả đoàn ngay lập tức tăng tốc, phối hợp với quân đội Pakistan để đưa nạn nhân ra ngoài. Hiểu rõ việc dùng máy móc đào bới có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân, anh em trong đoàn đã thay nhau dùng tay trần để moi đất, đá. Ban đầu tiếng gõ rất nhẹ, càng đào sâu tiếng gõ mạnh hơn như càng thúc giục anh và đồng đội đào nhanh hơn, thậm chí tay tứa máu lúc nào không hay… Và cả đoàn mừng rơi nước mắt khi tất cả những khó khăn, vất vả đã được đền đáp xứng đáng.

Dù đây là lần đầu tiên lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam ra khỏi lãnh thổ, tham gia hỗ trợ nhân đạo, làm nhiệm vụ ứng phó với thảm họa động đất, song nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng cùng quá trình huấn luyện, diễn tập từ trong nước, cả hai đoàn công tác đều rất chủ động. Các biện pháp nghiệp vụ, chiến thuật linh hoạt tích lũy được trong quá trình huấn luyện ở nhà, việc phối hợp sử dụng chó nghiệp vụ, radar quan sát bằng hình ảnh, âm thanh và hệ thống radar xuyên tường.. đã giúp hai đoàn thu được nhiều kết quả tại thực địa.

Kết thúc đợt tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn Bộ Công an đã hoàn thành nhiệm vụ tại 3 địa điểm theo phân công của phía bạn, phối hợp cứu được 1 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài. Trong khi đó, đoàn của Bộ Quốc phòng tìm kiếm tại 31 điểm tại huyện Antakya, giúp xác định được 15 vị trí có nạn nhân, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống, bàn giao cho lực lượng cứu hộ cứu nạn sở tại tìm kiếm, đưa ra được 28 thi thể nạn nhân.

Không chỉ hoàn thành sứ mệnh nhân đạo, hai đoàn công tác còn để lại ấn tượng sâu đậm với tư cách là những sứ giả của tình hữu nghị. Hàng chục tấn đồ cứu trợ được hai đoàn đưa từ Việt Nam sang nhằm giúp bạn sớm khắc phục thảm họa động đất, thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng. Tổ quân y trong đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng, ngoài chăm lo sức khỏe cho các chiến sỹ Việt Nam, cũng là lực lượng không thể thiếu trong công tác hỗ trợ những đoàn quốc tế hay giúp đỡ người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tới Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay gặp các lực lượng, các đoàn quốc tế hỗ trợ cứu nạn quốc tế. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)

Anh Phạm Ngọc Anh, điều dưỡng Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, đã bày tỏ tự hào khi thành viên các đoàn quốc tế không may bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã rất tin tưởng nhờ tổ quân y Việt Nam sơ, cấp cứu. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ còn được sưởi ấm bằng những chiếc bếp dã chiến tự chế từ thùng phuy cũ của đoàn công tác Bộ Công an.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an), trưởng đoàn, chia sẻ: “Do vừa trải qua trận động đất lớn chưa từng thấy nên hạ tầng của nước bạn bị phá hủy. Điều kiện phục vụ sinh hoạt đều thiếu thốn, chúng tôi đã tận dụng củi và các vật liệu sẵn có để làm bếp dã chiến”. Đoàn đã hỗ trợ, chuyển giao “kỹ thuật” chế tạo bếp cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, giúp tình cảm của hai đoàn càng thêm gắn bó hơn...

Chủ động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đóng góp quên mình, những sứ giả-chiến sỹ của hai đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành cầu nối góp phần xây dựng tình đoàn kết, mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ.

Các kết quả mà hai đoàn thu được trong đợt công tác này cũng khẳng định năng lực của Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương những nhiệm vụ tương tự ở các nơi khác trên thế giới, đồng thời phát đi thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế về việc "Việt Nam không chỉ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mà là thành viên có năng lực để thực hiện trách nhiệm đó ở mức cao nhất," như khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục