Sứ mệnh dõi theo hành trình của Ông già Tuyết

Trẻ em trên khắp thế giới có thể theo dõi hành trình phát quà theo thời gian thực, cũng như số quà còn lại của Ông già Tuyết qua trang web www.noradsanta.org, được thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ.

Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ sẽ dõi theo hành trình giao quà của Ông già Tuyết. (Nguồn: NORAD)
Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ sẽ dõi theo hành trình giao quà của Ông già Tuyết. (Nguồn: NORAD)

Mỗi quốc gia, người dân lại có một cách gọi tên Ông già Tuyết khác nhau. Người Anh gọi nhân vật này là "Father Christmas," người Pháp gọi là "Papa Noel," người Mỹ gọi là "Santa Claus"... nhưng họ lại có chung một câu hỏi: Ông già Tuyết sống ở đâu trên thế giới và hành trình phát quà đêm Giáng sinh trên chiếc xe tuần lộc kéo của ông sẽ được thực hiện như thế nào?

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp lễ Giáng sinh hàng năm, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới lại háo hức theo dõi hành trình của Ông già Tuyết thông qua Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD).

Trẻ em trên khắp thế giới có thể theo dõi hành trình phát quà theo thời gian thực, cũng như số quà còn lại của Ông già Tuyết qua trang web www.noradsanta.org, được thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Được trang bị hệ thống vệ tinh, thiết bị radar hiện đại, cảm biến và máy bay chiến đấu, NORAD (có trụ sở tại Colorado, Mỹ) luôn theo sát Ông già Tuyết và chiếc xe tuần lộc kéo của ông kể từ thời điểm ông rời Bắc Cực, rồi chia sẻ tất cả những chi tiết thú vị về chuyến đi thông qua trang web noradsanta.org, các nền tảng truyền thông xã hội và các ứng dụng di động.

Để tăng thêm sự hồi hộp, NORAD cũng hiển thị một hình đồng hồ đếm ngược cho tới thời điểm xe trượt tuyết bắt đầu khởi hành.

Hoạt động dõi theo hành trình của Ông già Tuyết (Track Santa) đã được khởi xướng từ năm 1955, sau khi tờ báo ở bang Colorado (Mỹ) đăng một quảng cáo dành cho trẻ em, trong đó có số điện thoại của dịch vụ gọi điện cho Ông già Tuyết.

Do sơ suất, số điện thoại quảng cáo bị in nhầm và vô tình lại là số điện thoại đường dây nóng của Bộ Chỉ huy Phòng không Lục địa (CONAD), tiền thân của NORAD, đóng ở Colorado Springs.

Một bé gái đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên và cuộc gọi đó được chuyển tới Đại tá Không quân Mỹ Harry Shoup, Giám đốc của CONAD.

Vị quan chức quân sự cam đoan với bé gái rằng Ông già Tuyết đang trên đường đến.

Khi ngày càng có nhiều trẻ em gọi đến bộ chỉ huy, đơn vị đã quyết định bổ sung đây trở thành một nhiệm vụ mới cho lực lượng.

Đại tá Harry Shoup đã yêu cầu các nhân viên dưới quyền sử dụng hệ thống radar để cập nhật và cung cấp chi tiết hành trình của Ông già Tuyết khi các em nhỏ gọi tới.

Từ sự nhầm lẫn thú vị này, việc theo dõi vị trí của Ông già Tuyết đã trở thành hoạt động thường niên của NORAD nhằm đem lại niềm vui cho các em nhỏ trên khắp thế giới vào mỗi dịp Giáng sinh.

Đại tá Không quân Mỹ Elizabeth Mathias - người phát ngôn chính của NORAD - ngày 22/12 cho biết: “Tôi vẫn chưa rõ liệu năm nay Ông già Tuyết có sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hay không. Tôi rất tò mò về báo cáo đánh giá hành trình năm nay của ông ấy, rằng liệu ông ấy có ứng dụng những công nghệ tiên tiến hay không.”

NORAD dự kiến có khoảng 1.100 tình nguyện viên sẽ hỗ trợ họ trả lời các cuộc gọi từ khắp nơi trên thế giới liên quan Ông già Tuyết trong năm nay.

Trung tâm điều hành NORAD bắt đầu hoạt động lúc 4h00 sáng 24/12 (giờ địa phương) và cho tới 24h00 cùng ngày.

Bất cứ ai cũng có thể gọi tới đường dây nóng 1-877 HI-NORAD (1-877-446-6723) để trao đổi những thắc mắc của mình về lộ trình của Ông già Tuyết và nhận được lời giải đáp từ nhân viên NORAD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục