Sứ mệnh của U19 Việt Nam và các đội tuyển quốc gia là gì?

Giải U20 thế giới dành cho các đội tuyển U19 và U20 chỉ được coi là mốc đánh giá năng lực đào tạo trẻ của nền bóng đá. Còn Olympic cho các đội tuyển U23 mới là đấu trường cạnh tranh thành tích thật.
Sứ mệnh của U19 Việt Nam và các đội tuyển quốc gia là gì? ảnh 1Thế hệ U19 Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ làm rạng danh bóng đá Việt. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Thời gian gần đây, làng bóng đá xôn xao vì câu chuyện VFF có thể cử đội tuyển U19 Việt Nam tham dự SEA Games 28 và vòng loại World Cup 2018. Trước khi tranh cãi về chuyện này, chúng ta cần trả lời câu hỏi: sứ mệnh của U19 Việt Nam và các đội tuyển quốc gia khác thực sự là gì?

1. Hệ thống đào tạo trẻ và thi đấu trong bóng đá được xây dựng theo nhiều cấp độ. Ở Việt Nam, hệ thống đào tạo trẻ thường kéo dài từ 11 tới 21 tuổi. Ở cấp độ U13, cầu thủ trẻ bắt đầu thi đấu giải trên sân 11. Hệ thống đào tạo này kết thúc ở cấp độ U21 - chính là vòng chung kết U21 quốc gia Báo thanh niên sắp tổ chức tại Cần Thơ.

Sự phân chia ấy không phải những lựa chọn cảm tính mà dựa trên các tính toán hợp lý liên quan tới nền tảng kỹ chiến thuật, thể lực, tâm lý của từng lứa tuổi. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, các cầu thủ cần tham dự số trận đấu khác nhau, chơi ở những hệ thống giải phù hợp nhằm tích lũy kinh nghiệm, phát huy tối đa năng lực và không gây ảnh hưởng tới quá trình đào tạo.

Tại Việt Nam, giải U13 có thể coi là mốc bắt đầu cho sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp bởi đây là giải đấu đầu tiên mà các cầu thủ thi đấu trên sân 11 (ở các U thấp hơn, những cầu thủ trẻ thi đấu trên sân futsal năm người). Lứa U15 và U17 là giai đoạn chuyển tiếp của quá trình đào tạo. Lứa U19 được coi là cột mốc giao thoa giữa một cầu thủ trẻ và một cầu thủ trưởng thành. Đây cũng là độ tuổi mà một cầu thủ trẻ đã hoàn tất chương trình đào tạo của mình. Lứa U21 là điểm kết thúc quá trình. Từ đây, các cầu thủ bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp.

Sứ mệnh của U19 Việt Nam và các đội tuyển quốc gia là gì? ảnh 2Giải U13 quốc gia là đấu trường đầu tiên mà các cầu thủ nhí bắt đầu thi đấu trên sân 11 người. Hình ảnh trận chung kết U13 quốc gia Hải Dương - Sông Lam Nghệ An. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Với những lứa U khác nhau, yêu cầu số trận đấu đối kháng cũng khác nhau. Tại Việt Nam, ở các lứa U13, U15, U17 và U19, các cầu thủ còn đang trong quá trình đào tạo. Họ chỉ được thi đấu khoảng chục trận mỗi năm vào thời điểm các giải trẻ quốc gia được tổ chức. Từ lứa U19 tới lứa U21 và hơn thế, các cầu thủ được thi đấu nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm. Tại Anh, người ta tổ chức riêng một giải Premier League trẻ cho các cầu thủ U19 và U21 tham dự để họ được cọ sát thường xuyên.

2. Tùy vào mỗi quốc gia, mỗi chương trình đào tạo, sự phân chia độ tuổi trên có khác nhau đôi chút. Nhưng ý tưởng và quan điểm chung thì không thay đổi.

Áp tiến trình đào tạo đó vào bối cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam, ta sẽ nhanh chóng nhận ra nhiệm vụ khác nhau của ba đội tuyển U19, U23 (Olympic) và tuyển quốc gia.

Đội U19 mới kết thúc quá trình đào tạo, kinh nghiệm thi đấu còn hạn chế. Họ chủ yếu tham dự các giải nhỏ, ngắn ngày. Hai giải đấu mà VFF thường đề nghị cho U19 Việt Nam là giải vô địch U19 Đông Nam Á và giải U19 châu Á. Nhiệm vụ hàng đầu của đội tuyển U19 quốc gia là tích lũy kinh nghiệm để chuẩn bị cho những bước phát triển cao hơn.

Đội U23 đã hoàn tất quá trình đào tạo, có tương đối kinh nghiệm bóng đá chuyên nghiệp. Họ được giao nhiệm vụ ở hai giải đấu quan trọng hơn là SEA Games và ASIAD. So với các giải U19 Đông Nam Á và châu Á, đây mới là hai đấu trường cạnh tranh thành tích thực sự của bóng đá Việt Nam. Từ cấp độ U23, thành tích đã thay thế cho kinh nghiệm và trở thành ưu tiên hàng đầu của đội tuyển.

Trên thế giới, giải trẻ cấp độ cao nhất được tổ chức là giải U20. Các quốc gia chỉ coi đây là mốc đánh giá năng lực đào tạo trẻ của từng đội tuyển. Còn Olympic - sân chơi của các đội tuyển U23, mới là đấu trường cạnh tranh thành tích thật sự.

Sứ mệnh của U19 Việt Nam và các đội tuyển quốc gia là gì? ảnh 3Đội tuyển vẫn phải là ưu tiên số một và đóng vai trò "át chủ bài" của một nền bóng đá. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Với đội tuyển quốc gia Việt Nam, ba nhiệm vụ quan trọng nhất là AFF Cup, Asian Cup và World Cup. Đây là những sân chơi khắc nghiệt mà các quốc gia đều đưa những đội tuyển thiện chiến nhất, giàu kinh nghiệm nhất ra tranh tài. Trong lịch sử, bóng đá Việt Nam chưa từng cử các đội trẻ tham gia những hệ thống giải này.

Do tính chất và chuyên môn của từng giải đấu khác nhau, việc các cầu thủ tham dự đúng hệ thống giải có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của họ. Không thể bắt những cậu bé U19 non nớt đối đầu với các tuyển thủ quốc gia đầy kinh nghiệm. Chiến thắng hay thất bại ở độ tuổi còn non nớt ấy đều mang tới những hệ lụy tâm lý không tốt.

3. Thần đồng Freddy Adu của Mỹ là một ví dụ. Adu ký hợp đồng chuyên nghiệp năm 14 tuổi, ra sân cho tuyển quốc gia năm 16 tuổi, ghi bàn đầu tiên cho tuyển Mỹ năm 19 tuổi. Sự phát triển quá “nóng” ấy khiến Adu phải trả giá. Anh bị “ép chín” quá sớm, phải đối diện với nhiều áp lực, kỳ vọng và sự soi mói từ báo giới. Adu nhanh chóng sa sút và không giữ được những tố chất thiên tài. Năm nay 25 tuổi, Adu phiêu bạt tới Jagodina - một câu lạc bộ nhỏ ít người biết tới ở Serbia.

Đương nhiên, lịch sử vẫn chứng kiến những thiên tài phá vỡ mọi quy luật, vượt qua áp lực và thành công rực rỡ. Wayne Rooney, Lionel Messi là hai trong số những ví dụ điển hình. Nhưng thiên tài không thường xuyên xuất hiện.

Khi Adu được triệu tập lên tuyển Mỹ năm 16 tuổi, người Mỹ chỉ mất một thần đồng. Nhưng nếu VFF cử tuyển U19 tới SEA Games hoặc vòng loại World Cup, chúng ta có thể mất một thế hệ.

Mà đó có thể là thế hệ tài năng nhất mà bóng đá Việt từng sản sinh.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục