Sự lỗi thời có tính toán - chiến lược 'móc túi' của các nhà sản xuất

"Sự lỗi thời có tính toán" là một chiến lược kinh doanh của các nhà sản xuất nhằm giới hạn hiệu suất hoặc tuổi thọ của sản phẩm, buộc người tiêu dùng phải thường xuyên mua sản phẩm mới.

Sự lỗi thời có tính toán không phải là một khái niệm mới, cụm từ này ra đời ở Mỹ vào năm 1932, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nhà phát triển bất động sản Bernard London đã tưởng tượng ra một sự lỗi thời về mặt pháp lý của hàng hóa tiêu dùng, nhằm kích thích công nghiệp và tăng trưởng.

Sự lỗi thời có tính toán là một chiến lược của các nhà sản xuất đồ gia dụng, máy tính và đồ điện tử nhằm giới hạn tuổi thọ các sản phẩm của họ, hoặc tạo điều kiện cho việc sửa chữa, để khuyến khích người tiêu dùng thường xuyên thay đổi sản phẩm.

Sự lỗi thời của phần mềm cũng hay được nhắc tới, ở đó một chiếc máy tính trở nên không dùng được nữa vì nó không còn tương thích với phần mềm mới.

Sự lỗi thời thẩm mỹ, ví dụ như khi người tiêu dùng thay điện thoại thông vì một phiên bản cải tiến đã xuất hiện trên thị trường.

7 tỷ chiếc điện thoại thông minh đã được bán trên toàn cầu từ năm 2007, và điều này đã gây ra những hậu quả nhất định.

Cụ thể, hoạt động sản xuất màn hình, chiếm 80% tác động môi trường, gây suy giảm các nguồn tài nguyên (đồng, niken, vàng hoặc lithium), gây thiệt hại đa dạng sinh học do thải các ra các chất độc hại và khí nhà kính.

Vậy khi kết thúc vòng đời, chuyện gì sẽ xảy ra với 44,7 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn thế giới trong năm 2016?

Câu trả lời là chỉ 20% trong số này được tái chế. Số còn lại hoặc biến mất vào môi trường, được lưu trữ ở các bãi chôn lấp - thường là ở châu Phi - hoặc bị đốt.

[Italy điều tra Apple và Samsung về cáo buộc giảm "tuổi thọ" sản phẩm]

Hồi tháng 1 năm nay, các công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra liên quan đến nghi vấn tập đoàn công nghệ Apple hàng đầu của Mỹ có hành vi cố tình thiết kế hoặc tích hợp thêm những yếu tố nhằm làm giảm độ bền hoặc thời gian sử dụng của các sản phẩm của hãng này.

Hành vi này nằm trong định nghĩa về "sự lỗi thời có tính toán."

Cuộc điều tra được tiến hành vào ngày 5/1 sau khi Hiệp hội Ngăn chặn sự lỗi thời có tính toán (HOP) của Pháp đệ đơn kiện Apple cố tình điều chỉnh hệ điều hành để các dòng iPhone đời cũ chạy chậm lại, với lý do ngăn ngừa các trục trặc bất thường do pin bị "chai" hoặc do nhiệt độ lạnh gây ra.

Cuộc điều tra này do các chuyên gia về bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền thuộc Bộ Kinh tế Pháp thực hiện nhằm là rõ "sự lỗi thời có tính toán" hoặc hành vi lừa dối khách hàng của Apple.

Luật sự của HOP Emile Menunier cho biết đây là động thái pháp lý đầu tiên đối với một công ty bị nghi có hành vi liên quan đến "sự lỗi thời có tính toán."

"Gã khổng lồ" công nghệ Apple đối mặt hàng loạt vụ kiện tại nhiều bang của Mỹ liên quan đến vụ bê bối trên.

Apple lý giải nếu không có sự điều chỉnh về hệ điều hành, những chiếc iPhone đời cũ sẽ dễ bị sập nguồn đột ngột, dẫn tới nguy cơ cháy nổ ở các bộ phận trong máy.

Với chiến lược "sự lỗi thời có tính toán," các nhà sản xuất đã cố tình xây dựng sản phẩm của họ dựa trên yếu tố hoặc thành phần đã lỗi thời, nhằm làm giảm hiệu suất và độ bền của sản phẩm, buộc người tiêu dùng phải thay thế bằng sản phẩm mới hơn.

Đây là hành vi khá phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử với hàng "núi" rác được tái chế được thải ra mỗi năm.

Để ngăn chặn tình trạng này, hồi năm 2015, Pháp đã thông qua dự luật có tên "Luật Hamon," theo đó quy định công ty bị phát hiện cố tình làm giảm tuổi thọ của sản phẩm sẽ bị phạt với mức phạt tương đương 5% doanh thu cả năm trong khi giám đốc điều hành của công ty đó có thể phải ngồi tù hai năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục