Sự kỳ công và tinh tế của nghệ thuật vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải lanh

Vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sinh động và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống.
Những phụ nữ Mông tranh thủ vẽ mọi lúc khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi khi có bếp lửa và khi sáp ong đã nóng chảy, đặc biệt là những lúc nông nhàn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngoài việc sản xuất nông nghiệp, người Mông còn có các nghề thủ công truyền thống đặc sắc như chạm bạc, đúc đồng, dệt lanh, thêu hoa văn thổ cẩm...

Đặc biệt, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.

Độc đáo kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong

Người Mông vẫn trồng lanh, xe sợi, dệt vải để gìn giữ nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm như váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác, tạo nên sự linh hoạt, khác biệt, không hề lẫn lộn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.

Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn gồm se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi.

Đầu tiên, lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm với tro bếp. Tro bếp phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng thì khi ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp tràm bám chắc hơn khi nhuộm, vải phải được giặt, phơi cẩn thận, sau đó là cho mặt vải bóng mịn.

Sau khi dệt vải xong, người Mông thực hiện khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn. Khâu này rất kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục, óc sáng tạo và sự tinh tế để tạo ra những hoa văn đẹp mắt và liên kết với nhau.

Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống là một trong những kỹ thuật được sử dụng từ lâu đời, không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sinh động và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống.

Đầu tiên là khâu chọn sáp ong, với 2 loại màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già; sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem 2 loại trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao khoảng 60 độ C sáp mới không bị khô. Bút để vẽ là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ 3 lá đồng hình tam giác. Ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ.

Sáp ong nấu chảy chính là "mực vẽ". (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Nếu vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở, trên miệng lu cở để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn.

Sau khi vẽ xong hoa văn đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô mới tiếp tục các công đoạn khác, như thêu chỉ màu và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.

Phát huy giá trị di sản

Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn là di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Mông. Nguồn Di sản Văn hóa này khi được bảo tồn và phát huy giá trị trở thành yếu tố quan trọng định vị thương hiệu, góp phần quảng bá, phát triển du lịch tỉnh Yên Bái - điểm đến hấp dẫn, thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều chương trình, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Trong đó, người thợ chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành, phô diễn hiệu quả tại những sự kiện góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Khi vẽ, người Mông cũng không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn khác nhau. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia là nguồn động viên rất lớn cho đồng bào người Mông.

Huyện Mù Cang Chải đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Lễ đón nhận hai Di sản này, dự kiến vào ngày 23/12 tại Trung tâm huyện với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó có Hội thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải nhằm quảng bá các di sản đến nhân dân và du khách.

Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào truyền dạy, phổ biến trong cộng đồng, trong trường học, coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục