Sự kiện trong nước: BCH TW giới thiệu nhân sự cấp cao

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu nhân sự cấp cao và vụ bảo vệ bệnh viện Nhi chặn xe cấp cứu chở bệnh nhi hấp hối là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu nhân sự cấp cao và vụ bảo vệ bệnh viện Nhi chặn xe cấp cứu chở bệnh nhi hấp hối gây bức xúc dư luận là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Hội nghị lần 3 Ban Chấp hành Trung ương: Giới thiệu nhân sự cấp cao
Chiều 7/7, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành Chương trình đề ra sau bốn ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp quyết định các nội dung quan trọng gồm Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng; về tổ chức bộ máy và giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và một số vấn đề quan trọng khác.

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm: Thông báo Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Giá vàng tăng đỉnh điểm đạt gần 40 triệu đồng/lượng, sau đó giảm mạnh
Tuần qua, giá vàng SJC có tốc độ tăng mạnh nhất. Giá vàng bắt đầu tăng 400.000 đồng/lượng từ phiên giao dịch đầu tuần (4/7) lên 36,2 triệu đồng, tuy nhiên ngay sau đó, giá vàng tiếp tục tăng mạnh lên 38 triệu đồng và đỉnh điểm là ngày 6/7 giá vàng đã tăng lên tới 39,8 triệu đồng.

Mặc dù ngày 7 và 8/7, giá vàng giảm hơn 3 triệu đồng so với đỉnh điểm trong tuần nhưng vẫn giữ ở mức cao.

Các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư không nên mua vào hay bán ra thời điểm này sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn, mà cần phải theo dõi tiếp tình hình thế giới vì vẫn có những diễn biến bất thường.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Vàng tăng giá chỉ là biến động nhất thời, chủ yếu  do tác động tâm lý của thị trường sau khi có công bố Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 2Khách hàng đang giao dịch vàng miếng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước: Vàng tăng giá chỉ là biến động nhất thời

Kiềm chế lạm phát cả năm dưới 5%: Khó có thể đạt mục tiêu
Tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” do Viện Kinh tế-Tài Chính, Học viện Tài chính tổ chức ngày 7/7, nhiều chuyên gia đánh giá với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 2,35% so với tháng 12/2015 và bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015 thì việc kiềm chế lạm phát năm nay ở mức dưới 5% sẽ gặp nhiều khó khăn.

Phân tích nguyên nhân CPI 6 tháng đầu năm tăng khá cao, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng do tác động từ nhóm yếu tố điều hành như dịch vụ y tế tăng theo lộ trình, giáo dục tăng, lương cơ bản tăng; từ nhóm yếu tố thị trường là giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ trở lại từ tháng 2/2016. Bên cạnh đó, những tác động bởi yếu tố thời tiết bất lợi làm cho sản xuất nông nghiệp giảm, ảnh hưởng nguồn cung lương thực thực phẩm.

Dự báo về những tháng cuối năm, ông Lê Quốc Phương nhận định: “Giá hàng hóa thế giới từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng tăng. Giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình cùng khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 trên 20% sẽ đẩy giá lên nên CPI cả năm 2016 sẽ từ 5-5,5%."

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm:  Kiềm chế lạm phát cả năm dưới 5%: Khó có thể đạt mục tiêu

Dự báo sản xuất kinh doanh lạc quan hơn trong các tháng cuối năm
Tổng cục Thống kê vừa cho biết xu hướng chung trong sáu tháng cuối năm 2016, phần lớn doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn 6 tháng đầu năm.

Có 55,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 9,3% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất giảm và 35,3% số doanh nghiệp vẫn ổn định.

Về đơn đặt hàng, xu hướng quý 3 so với quý 2 tiếp tục khả quan với 44,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 12,0% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 43,9% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý 3 so với quý 2, có 38,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 12,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 49,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 4Dây chuyền sản xuất linh kiện ôtô, xe máy. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Xem thêm: Dự báo sản xuất kinh doanh lạc quan hơn trong những tháng cuối năm

Đề xuất dừng cấp bảo lãnh dự án mới từ năm 2017 để đảm bảo nợ công
Tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính tới hết năm 2015 đã lên tới hơn 459.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công. Trong khi ấy, thực tế, việc trả nợ đúng hạn vẫn là vấn đề đặt ra khi quỹ tích lũy đang phải hỗ trợ ứng cho vay hàng chục triệu USD trong năm qua.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn năm 2011-2015, cơ quan chưc năng đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết là 15,6 tỷ USD. Trong số này, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hầu hết là vay nước ngoài với khoảng 14 tỷ USD với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm.

Tổng số tiền bảo lãnh trên theo đánh giá đã tăng gấp 3 lần giai đoạn năm 2007-2010 (giai đoạn trước tổng giá trị bảo lãnh là 5,75 tỷ USD). Điều này theo lãnh đạo Bộ Tài chính cho thấy nhu cầu vay vốn đầu tăng nhanh trong 5 năm qua trong đó năm 2013 là đỉnh của huy động vốn thông qua bảo lãnh Chính phủ với khoảng 4,35 tỷ USD.

Cho rằng, bảo lãnh Chính phủ tiếp tục là kênh hỗ trợ của Chính phủ với các doanh nghiệp vay vốn nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính tới cuối năm 2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh lên tới hơn 459.000 tỷ đồng, bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Mức bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.

Qua đó, trong vòng 5 năm tới, lãnh đạo Bộ Tài chính đang trình Quốc hội phương án giảm mức rút vốn hàng năm của các dự án vay nước ngoài ở mức 1,5 tỷ USD và trong nước là 5.000 tỷ đồng để kiểm soát nợ công.

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 5Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Đề xuất dừng cấp bảo lãnh dự án mới từ năm 2017 để đảm bảo nợ công

"Nóng" vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối
Vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương ngăn cản xe cứu thương chở bệnh nhi đang hấp hối, phải bóp bóng thở về nhà, khiến bệnh nhi tử vong trước khi rời bệnh viện đã làm nhiều người dân bức xúc trước những hành động nhẫn tâm và vô cảm của tổ bảo vệ.

Trả lời trên đài truyền hình Việt Nam ngày 8/7, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải bày tỏ sự nuối tiếc khi để xảy ra sự cố trên: "Tôi xin thay mặt bệnh viện gửi lời xin lỗi tới toàn thể nhân dân khi để xảy ra một sự việc không đáng có xảy ra trong bệnh viện."

Trước đó, tối 7/7, Bệnh viện Nhi Trung ương chính thức có báo cáo gửi Bộ Y tế. Trong đó, phó giáo sư Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ với sự mất mát và bức xúc của gia đình người bệnh khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Bệnh viện đã họp chấn chỉnh, phê bình nghiêm khắc các phòng ban chức năng có liên quan, yêu cầu Công ty AZ đình chỉ công tác của êkíp bảo vệ, chấn chỉnh lại toàn bộ đội ngũ bảo vệ.

Bên cạnh đó, Bệnh viện tiếp tục phối hợp với công an điều tra, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc.

Tạm chưa nói đến chuyện xe cấp cứu "ngoài luồng" hay việc chỉnh đốn tác phong cũng như tạm đình chỉ một số bảo vệ làm công ăn lương tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Chuyện ở đây, sau khi xuất hiện clip thứ hai với nội dung có đầy đủ hình ảnh, âm thanh phản ánh cảnh chiếc xe cứu thương cùng người nhà bệnh nhi đang khóc lóc, bức xúc trước những hành động của bảo vệ bệnh viện chặn xe không cho xe ra. Phía bên trong xe cứu thương là một bệnh nhi nằm trên cáng cứu thương và được một nhân viên y tế bóp bóng thở. Chỉ đến khi lực lượng Công an có mặt, chiếc xe cứu thương nói trên mới ra được ngoài và đưa cháu bé về quê, nhưng cháu vẫn không kịp trút hơi thở cuối cùng tại nhà theo tâm nguyện của bố, mẹ và người thân.

Trên các trang mạng xã hội, đâu đâu cũng thấy những dòng bình luận, những câu bàn tán thể hiện sự bất bình với cách hành xử của bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhiều người thẳng thắn cho rằng, cách hành xử của bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương là việc làm thất đức, cần xử lý nghiêm minh. Có người lại bày tỏ rằng, dù gì đi nữa, nghĩa tử là nghĩa tận, hành động chặn xe của bảo vệ là cách làm của những kẻ “xã hội đen” giẫm đạp lên mạng sống của người khác vì tiền.

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 6Hình ảnh bảo vệ bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương. Ảnh chụp từ clip phát tán trên mạng xã hội ngày 8/7.

Xem thêm: Đề nghị điều tra nghi vấn ép dùng xe cứu thương "dù" ở Bệnh viện Nhi

Mật độ dân số Việt Nam đông gấp 5,2 lần so với thế giới
Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có gần 92 triệu người. Năm 2015, Viêt mật độ dân số tại Việt Nam là 274 người/km2, gấp 5,2 lần mật độ dân số của thế giới và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, Việt Nam được đánh giá như là một cường quốc về dân số.

Thông tin trên được đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra trong cuộc họp cung cấp thông tin hưởng ứng Ngày dân số thế giới 11/7 với chủ đề: “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”, diễn ra chiều 5/7 tại Hà Nội.

Trong bài trình bày về Thực trạng dân số Việt Nam, ông Đặng Văn Nghị, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho hay, theo thống kê về công tác dân số, đến nay Việt Nam có gần 92 triệu người, đứng thứ 14 trong tổng số 238 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, chất lượng dân số đã được nâng lên rõ rệt khi tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và tử vong của người mẹ đã giảm đi rõ rệt, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, mật độ dân số đông tại Việt Nam đang tạo nên sức ép trên nhiều lĩnh vực, nhất là ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, an sinh xã hội và chất lượng dân số…

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Mật độ dân số Việt Nam đông gấp 5,2 lần so với thế giới

Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm: Vẫn chờ tín hiệu “tăng mua”
Theo VFA, xuất khẩu gạo của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 2,65 triệu tấn, trị giá FOB 1,14 tỷ USD. So với năm 2015, sản lượng xuất khẩu giảm gần 2% nhưng trị giá FOB lại tăng 1,13%.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo chính và chiếm giữ gần 35% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam, tiếp đó là thị trường châu Phi, Indonesia. Riêng thị trường Philippines và Malaysia, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo lại giảm mạnh, tương ứng giảm 52% và 60%, do thiếu hợp đồng tập trung.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo quý 2 khá trầm lắng, nhu cầu yếu thì sản lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu đáng mừng.

Về tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm, đại diện VFA cho rằng, thị trường lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngắn hạn giữa các nước xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm vẫn phải chờ tín hiệu “tăng mua” từ thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Nếu không có những đột phá từ những thị trường này thì xuất khẩu cả năm chỉ có thể đạt khoảng gần 5,7 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015.

Ngoài yếu tố nhu cầu yếu, chính sách tiền tệ ở một số thị trường nhập khẩu gạo chính cũng có thể tác động đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Một số doanh nghiệp cũng nhận định, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi sẽ mất nhiều lợi thế do đồng euro mất giá so với đồng USD. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ yếu cũng khiến doanh nghiệp khó thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 8Thu hoạch lúa gạo. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm: Vẫn chờ tín hiệu “tăng mua”

Du lịch sáu tháng đầu năm 2016 - Những gam màu sáng tối
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết sáu tháng qua, du lịch vừa có gam màu sáng lại vừa có màu tối. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt hơn 4,7 triệu lượt; có sự gia tăng về cơ sở vật chất ngành du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ngành du lịch những tháng qua cũng ghi nhận nhiều vụ tai nạn thảm khốc, trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông, tác động không nhỏ đến tâm lý của du khách.

Ngoài ra du lịch cũng chịu tác động trước hiện tượng cá chết ở khu vực Bắc miền Trung. Đặc biệt còn có tình trạng thao túng hoạt động du lịch của người nước ngoài; hoạt động bất hợp pháp của hướng dẫn viên du lịch nước ngoài, đặc biệt là hướng dẫn viên Trung Quốc ở Việt Nam. Những gam màu tối đó một mặt là áp lực và cũng tạo động lực để ngành du lịch nỗ lực quản lý tốt hơn nữa...

Trước thực trạng trên, Tổng cục Du lịch cũng đã có công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch trên toàn quốc yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch. Khi phát hiện vi phạm, các địa phương phải xử lý nghiêm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam.

Trong sáu tháng cuối năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong quản lý, kinh doanh du lịch. Du lịch Việt Nam phấn đấu cả năm đạt chỉ tiêu đón 8,7 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 41 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 270.000 tỷ đồng.

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 9Du khách vui chơi tại khu du lịch Suối Moọc và Sông Chày-Hang Tối trong quần thể du lịch hang động Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Xem thêm: Du lịch sáu tháng đầu năm 2016 - Những gam màu sáng tối

Rò rỉ hóa chất ra suối thượng nguồn, tôm cá chết hàng loạt
Ngày 4/7, trên địa bàn các xã Yên Thượng, Yên Lập thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc theo suối Màn, con suối thượng nguồn chảy vào sông Đà.

Nguyên nhân của vụ việc là do Công ty Cổ phần khoáng sản đồng An Phú trong quá trình tuyển quặng đồng đã để tràn dung dịch quặng ra môi trường. Mặc dù phía doanh nghiệp đã tự nhận trách nhiệm, nhưng những hệ lụy của sự cố vẫn còn dai dẳng và hết sức đáng lo ngại.

Điều đáng nói là dù luôn tự đánh giá là có công nghệ hiện đại, quy trình khép kín đảm bảo an toàn cho môi trường, nhưng thực tế, chỉ sau 4 tháng đi vào hoạt động, Công ty cổ phần khoáng sản đồng An Phát đã để xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thực tế kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định đơn vị này còn nhiều thiếu sót trong vấn đề đảm bảo an toàn môi trường và tạm đình chỉ hoạt động của công ty này.

Câu hỏi dư luận đặt ra là tại sao một công trình với tổng mức đầu tư lên tới 110 tỷ đồng lại để xảy ra sự cố sau chỉ 4 tháng, nhất là trong giai đoạn vận hành thử 40% công suất? Cơ quan nào chịu trách nhiệm đánh giá, phê duyệt dự án để tồn tại những thiếu sót nghiêm trọng như không có mái che bãi quặng như trên thực tế?

Sự kiện trong nước 4-10/7: BCH Trung ương giới thiệu nhân sự cấp cao ảnh 10 Cá chết tại suối Màn, suối thượng nguồn đổ về sông Đà do vụ rò rỉ hóa chất. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Xem thêm: Rò rỉ hóa chất ra suối thượng nguồn, tôm cá chết hàng loạt

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục