Sự kiện trong nước 30/7-5/8: Tuyên án phạt đối với Vũ "nhôm"

Tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù, khởi tố vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình, chuyện đáng buồn về "di tích 1 ngày tuổi" ở Hà Nội nằm trong số những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.
Di tích 300 năm tuổi bị phá bỏ hoàn toàn để... trùng tu
Đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, một di tích có niên đại 300 năm tuổi mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng đã bị chính quyền xã trùng tu bằng cách phá bỏ hoàn toàn, xây dựng mới bằng bêtông, biến một di tích thành một công trình 1 ngày tuổi.

Ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá cho biết năm 2001, đình Lương Xá xuống cấp nên nhân dân trong thôn tu sửa và thay thế một số cấu kiện hoành, rui bằng gỗ bạch đàn.

Đến năm 2017, đình tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân trong thôn nhận thấy nếu không tu sửa có thể gây sập, nên đã tổ chức họp dân thống nhất, nếu số gỗ còn tốt trên 70% sẽ xây dựng bằng gỗ, còn không sẽ xây bằng bêtông. Mức đóng góp mỗi khẩu đóng góp 800.000 đồng.

Tuy nhiên, dự toán công trình lên tới 5 tỷ đồng, ngoài số tiền đóng góp của nhân dân là 1 tỷ đồng, số còn lại do hai cá nhân khác cung tiến.

Sau khi thống nhất, đình Lương Xá đã bị phá bỏ, được xây dựng mới bằng bêtông, chủ đầu tư là thôn Lương Xá.

Điều đáng nói là đình Lương Xá dù chưa được xếp hạng di tích nhưng lại thuộc danh mục kiểm kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nên được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa. Việc xóa bỏ hoàn toàn một di tích lịch sử văn hóa như đình Lương Xá là vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, nguyên tắc trùng tu phải tuân thủ đúng quy trình thủ tục, có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền và phải đảm bảo giữ lại các giá trị gốc.

Dù UBND huyện Ứng Hòa đã đình chỉ thi công nhưng công nhân vẫn tiếp tục làm. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Khởi tố vụ án để điều tra việc một số bài thi THPT quốc gia tại Hòa Bình có dấu hiệu can thiệp nhằm tăng điểm
Ngày 3/8, Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra về việc nhiều bài thi trắc nghiệm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu can thiệp để tăng điểm.

Vụ án đã được Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an rút hồ sơ về Trung ương để tiếp tục điều tra.

Trước đó, chiều 2/8, ông Nguyễn Đức Lương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình xác nhận với đại diện cơ quan báo chí, có dấu hiệu bất thường khi chấm thi trắc nghiệm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tại Hòa Bình.

5 người trong tổ chấm trắc nghiệm có liên quan gồm ông Đỗ Mạnh Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; ông Nguyễn Khắc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy; ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm và còn 2 người nữa (ông Lương thông tin nhưng không nêu tên), đang được Công an tỉnh Hòa Bình triệu tập để điều tra, xác minh; đồng thời thu giữ toàn bộ máy tính liên quan đến việc chấm thi.

Các đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam (Ảnh: Bộ Công an)
Tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”
Ngày 30/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo: Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, sinh năm 1975, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), Phan Hữu Tuấn (sinh năm 1955, trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Bộ Công an, đã nghỉ hưu) và Nguyễn Hữu Bách (sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, nguyên cán bộ Bộ Công an).

Phiên tòa được xét xử kín và công khai phần quyết định của bản án sơ thẩm.

Sau khi tiến hành thẩm vấn và tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời cân nhắc toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên án phạt các bị cáo Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù, Phan Hữu Tuấn 7 năm tù, Nguyễn Hữu Bách 6 năm tù về cùng tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hội nghị toàn quốc về đầu tư nông nghiệp quy mô lớn nhất từ trước tới nay
Sáng 30/7, lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc quy mô lớn nhất từ trước đến nay về “thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” đã được Chính phủ tổ chức tại thành phố Đà Lạt.

Hội nghị một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước.

Báo cáo tại hội nghị cho biết năm 2017, Việt Nam có 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: Thủy sản đạt hơn 3,9 tỷ USD; cà phê đạt 2 tỷ USD; rau quả đạt 2 tỷ USD; gạo đạt 1,8 tỷ USD; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD...

Điểm lại những thành công lớn lao của nông nghiệp Việt Nam, từ một nước thiếu ăn nghiêm trọng, đã trở thành quốc gia có nền nông nghiệp thứ nhì khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò quan trọng của các loại hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ.

Thủ tướng đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới.

Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới; là một trung tâm xúc tiến thương mại nông sản toàn cầu.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4-2018…
Tai nạn thảm khốc tại Quảng Nam
Khoảng 2 giờ 30 phút ngày 30/7, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ôtô khách và xe container.

Vụ tai nạn làm 10 người trên xe khách chết tại chỗ, sau đó thêm 3 người tử vong trong quá trình đưa đi cấp cứu, 4 người bị thương được điều trị tại bệnh viện thị xã Điện Bàn và thành phố Đà Nẵng.

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Lần đầu tiên ghép giác mạc theo phương pháp “hai trong một”
Ngày 2/8, bác sỹ Ngô Văn Hồng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Bệnh viện vừa thực hiện thành công phẫu thuật phối hợp “hai trong một,” đó là vừa ghép giác mạc vừa lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo trong cùng một lần phẫu thuật.

Đây là kỹ thuật khó, lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Hai tuần sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, mắt trái bắt đầu nhìn thấy mọi vật xung quanh.

Theo bác sỹ Ngô Văn Hồng, phẫu thuật lấy thủy tinh thể cùng lúc trong phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật khó vì khi đó nhãn cầu của bệnh nhân sẽ hở, chỉ cần một áp lực nào tác động từ bên trong ra hoặc từ ngoài vào sẽ khiến con mắt của bệnh nhân có thể văng ra ngoài.

Do đó, trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ gây mê đảm bảo bệnh nhân mê hoàn toàn, còn phẫu thuật viên phải khéo léo, tỉ mỉ để không tác động lực lên mắt bệnh nhân.

Việc phẫu thuật phối hợp vừa ghép giác mạc vừa lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo giúp bệnh nhân không phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, sớm mang lại thị lực tốt nhất. Nếu chỉ ghép giác mạc không sau này buộc phải mổ đục thủy tinh thể, phẫu thuật lần 2 được thực hiện sau 6 tháng đến 1 năm.

Ngoài ra, nếu mổ lần 2 không khéo có thể làm tổn thương, vỡ mảnh ghép giác mạc đã ghép trước đó, bác sỹ Ngô Văn Hồng cho hay.

Một ca phẫu thuật vừa ghép giác mạc vừa lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo cho bệnh nhân (ảnh chụp màn hình). Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục