Sự kiện trong nước 24-30/10: Trẻ bị đầu nhỏ đầu tiên liên quan Zika

Thủ tướng chỉ đạo không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao và Bộ Y tế thông báo về trẻ đầu nhỏ nghi do Zika đầu tiên tại Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng chỉ đạo không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao và Bộ Y tế thông báo về trẻ đầu nhỏ nghi do Zika đầu tiên tại Việt Nam là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng chỉ đạo không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao
Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 đã khai mạc sáng 29/10 với nhiều nội dung bàn thảo nhằm hoàn thành mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và tạo sức bật mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế quý cuối cùng của năm 2016 từ 7,1 đến 7,3%; đồng thời kiểm soát tốt lạm phát không vượt trần 5% cả năm nay.

Trong tháng 10, chỉ số đáng mừng là số lượng doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục tăng lên, đưa tổng số doanh nghiệp thành lập mới đến thời điểm này khoảng 92.000 doanh nghiệp. Nhiều khả năng, năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt con số trên 100.000 với quy mô vốn lớn hơn trước đây.

Đặc biệt, trên 20.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với thị trường, hoạt động khởi nghiệp và sự quản lý điều hành của Chính phủ.

Cảnh báo về vấn đề lạm phát, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành địa phương, tháng 10 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83%, 10 tháng đã là 4% so với tháng 12 năm ngoái, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu do dịch vụ y tế tại các tỉnh; giá dịch vụ vận tải tăng do xăng dầu tăng 2 lần trong tháng 10 và một số yếu tố khác.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải có biện pháp kiểm soát, không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh tăng trưởng.

Đặc biệt lưu ý nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, quý 4, tăng trưởng phải đạt mức từ 7,1 đến 7,3 % để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,3 đến 6,5%. Nếu không hoàn thành thì sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ bàn thảo sâu, kỹ hơn để có các giải pháp thích hợp; trong đó, lưu ý các giải pháp là giải ngân vốn đầu tư các dự án giao thông, xây dựng cơ bản; xuất khẩu, dịch vụ, nhất là du lịch. Cùng với đó là các giải pháp tài chính, tín dụng đầu tư.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng chỉ đạo không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao

Hội nghị cấp cao ACMECS-7 và CLMV-8 tại Hà Nội
Ngày 26/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, diễn ra Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV-8) và Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 7 (ACMECS-7).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì các Hội nghị.

Tại hội nghị cấp cao CLMV-8 có chủ đề “Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai,” các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá về môi trường phát triển mới của khu vực Mekong, khẳng định các nước CLMV đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế…

Để duy trì động lực tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà lãnh đạo nhất trí vừa tiến hành cải cách kinh tế trong nước, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa vào kinh tế khu vực và toàn cầu; triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường gắn kết nền kinh tế và thị trường của 4 nước, hướng tới một khu vực kết nối thông suốt.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao CLMV 8 và nhất trí Campuchia sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV 9 trong năm 2018.

Hội nghị cấp cao ACMECS 7 có chủ đề “Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng." Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ACMECS đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bền vững tại khu vực Mekong.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các ưu tiên chính của Hợp tác ACMECS trong thời gian tới là thúc đẩy kết nối các nền kinh tế ACMECS; tăng cường gắn kết giữa ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác trong khu vực; phối hợp gia tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Hà Nội của Hội nghị cấp cao ACMECS 7 với mục tiêu đưa khu vực Mekong trở thành trung tâm kinh tế năng động và phát triển bền vững. Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 8 tại Thái Lan trong năm 2018.

Bên lề Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia PAN Sorasak đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen đã chứng kiến lễ ký.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Chính thức khai mạc Hội nghị ACMECS 7 và Hội nghị CLMV 8

Xuất khẩu gạo khó đạt mục tiêu dù đã hạ chỉ tiêu xuống thấp
Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này cũng được dự báo khó có thể đạt được.

Hiên nay, thị trường lúa gạo nội địa rục rịch tăng giá, song tiêu thụ gạo vẫn trong giai đoạn khan hiếm nhu cầu.

Phân tích về nhu cầu của thị trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhiều doanh nghiệp không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu.

Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam, nhưng hiện đã hết quota nhập khẩu chính ngạch.

Tại thị trường Philippines, ngoài 293.000 tấn gạo Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã giao cho thương nhân thu mua nên nước này có thể tổ chức đấu thầu mua thêm khoảng 250.000 tấn gạo, để đảm bảo lượng tồn kho thiếu hụt.

Nhưng việc đấu thầu phải chờ đến cuối tháng 11/2016 mới có thông tin chính thức. Do vậy, lượng gạo này có thể phải qua đầu năm 2017 mới được bàn giao. Còn các thị trường khác đến nay vẫn chưa có gì tiến triển khả quan.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, diễn biến thị trường lúa gạo năm nay không giống với những năm khác.

Đến thời điểm này, việc dự báo xuất khẩu gạo tăng, giảm bao nhiêu, hay tín hiệu thị trường thế nào còn là ẩn số. Ngoài nhu cầu nhỏ từ thị trường Trung Quốc và Philippines, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn trong giai đoạn hết sức trầm lắng.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay cũng như hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, ông Năng cho rằng, xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn (chưa bao gồm hơn 1 triệu tấn xuất khẩu qua đường mậu biên sang Trung Quốc).

Như vậy, so với lần điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2016 gần đây nhất được VFA đưa ra là 5,65 triệu tấn thì nhiều khả năng vẫn không thực hiện được./.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Xem thêm: Xuất khẩu gạo khó đạt mục tiêu dù đã hạ chỉ tiêu xuống thấp

Để hàng thủ công mỹ nghệ vươn ra thế giới: Đừng sản xuất đại trà
"Nâng cao giá trị thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ thông qua năng lực thiết kế" là nội dung Hội thảo do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức sáng 27/10 tại Hà Nội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành này trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, các mặt hàng sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng cao, cùng sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng, thì điều quan trọng là cần phải tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hóa của quốc gia khi sản xuất ra sản phẩm.

Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ việc tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng thông qua các hoạt động thiết kế đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là thời điểm này trong tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, với kim ngạch năm 2015 đạt 1,9 tỷ USD, xuất khẩu sang hơn 163 quốc gia trên thế giới, nhưng ngành này lại có ý nghĩa xã hội lớn khi giải quyết hơn 11 triệu việc làm trên cả nước.

Chia sẻ cách thức xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với Thương hiệu Quốc gia, bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu và truyền thông Thanhs Brand cho rằng những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài và đã đáp ứng được cả những thị trường khó tính.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của ngành hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay vẫn là thiết kế mẫu mã sản phẩm. Vì thế việc tìm chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước đối với mặt hàng này vẫn còn khá chật vật.

Có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng lý do là vì thiếu sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm.

Do vậy, theo bà Đặng Thanh Vân, để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ Trung Quốc.

Hơn nữa, để đạt được thương hiệu Vietnam Value, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các giá trị bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam và qua đây cũng có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các thị trường lớn nhất là thị trường châu Âu.

Sản phẩm gốm Chu Đậu. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Xem thêm: Để hàng thủ công mỹ nghệ vươn ra thế giới: Đừng sản xuất đại trà

Thị trường trái phiếu phát triển chưa xứng với tiềm năng
Theo Báo cáo từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu Chính phủ đã tăng trưởng đáng kể trong 5 năm qua, ước tính chiếm khoảng 20% GDP.

Cụ thể, quy mô thị trường Trái phiếu Chính phủ (thời điểm giữa năm 2016) đạt 931.000 tỷ đồng với kỳ hạn đáo hạn trung bình lên gần 7 năm và tăng xấp xỉ 1,9 lần so với thời điểm giữa năm 2013.

Như vậy, quy mô trung bình của các đợt phát hành trái phiếu có sự tăng trưởng đáng kể từ 220 tỷ đồng/đợt (phát hành năm 2010) lên tới 6.000 tỷ đồng/đợt (phát hành năm 2015).

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cũng có những bước tiến lớn, tổng giá trị giao dịch (năm 2015) tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013. Tổng giá trị giao dịch (cả thông thường và mua đi bán lại) trong 8 tháng của năm 2016 đạt 730.000 tỷ đồng, bình quân hơn 4.300 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên Báo cáo cũng đưa ra nhiều vấn đề còn tồn tại của thị trường trái phiếu Việt Nam. Hiện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tương đối nhỏ, có thể nói là vẫn ở trong giai đoạn đầu của sự phát triển.

Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 4,8% GDP và tỷ trọng này là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (19%), Malaysia (43%)…

“Do phần lớn trái phiếu được phát hành theo hình thức riêng lẻ và nhà đầu tư chính chỉ là các tổ chức tín dụng, thêm vào đó các giao dịch trên thị trường thứ cấp hầu như là không có. Hơn thế nữa hiện nay, Việt Nam cũng không có dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp,” Báo cáo chỉ ra.

Theo giới chuyên môn, thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển chưa đúng với tiềm năng của nó, nguyên nhân là do sự thiếu thống nhất và đồng bộ từ hệ thống văn bản pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Thêm vào đó, các sản phẩm trên thị trường thiếu tính đa dạng, hệ thống nhà đầu tư mỏng…, cũng là những nhân tố cản trở sự phát triển của thị trường.

Ông Phạm Thanh Hà, Tân Chủ tịch VBMA cho biết phương hướng triển khai sắp tới, Hiệp hội sẽ tham gia hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc thị trường tài chính, thúc đẩy sự gắn kết giữa thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, thị trường các sản phẩm tài chính phái sinh, thị trường cổ phiếu…

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Thị trường trái phiếu phát triển chưa xứng với tiềm năng

Bộ Nội vụ sẽ thanh tra đột xuất việc bổ nhiệm lãnh đạo ở Hải Dương
Bộ Nội Vụ đã có quyết định thanh tra đột xuất việc tuyển dụng công chức, ký hợp đồng, bổ nhiệm tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương sau khi có những thông tin về việc bổ nhiệm tràn lan tại đây.

Tại buổi họp báo Chính phủ tối 29/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, quyết định trên đã được cơ quan chức năng đưa ra ngày 24/10. Thời gian thanh tra là quá trình tuyển dụng, ký hợp đồng, bổ nhiệm tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương từ 1/1/2014 tới 15/10/2016.

Cuộc thanh tra trên theo Thứ trưởng sẽ được tiến hành trong 45 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định (24/10).

Nói rộng hơn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, thời gian qua, báo chí, dư luận đã phản ánh tại một số địa phương có tình trạng bổ nhiệm người nhà làm lãnh đạo gây bức xúc.

Thứ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ để xác minh các thông tin báo chí phản ánh.

“Căn cứ từng vụ việc, mức độ, tính chất vi phạm tới đâu sẽ kiến nghị xử lý vi phạm tới đó,” Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Theo Thứ trưởng, không chỉ riêng vụ việc tại Hải Dương, để khắc phục vấn đề liên quan tới bổ nhiệm, Bộ Nội vụ đang rà soát lại quy định liên quan tới vấn đề này để có đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Trước đó, theo phản ánh của một số tờ báo, tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, trong 46 biên chế cán bộ công chức tại đây thì có tới 44 cán bộ từ cấp phòng trở lên, chỉ có 2 người là chuyên viên.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Bộ Nội vụ sẽ thanh tra đột xuất việc bổ nhiệm lãnh đạo ở Hải Dương

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin hành khách Nhật Bản bị ngộ độc
Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra làm rõ thông tin về vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên chuyến bay của Vietnam Airlines đi Tokyo (Nhật Bản) ngày 28/10,  xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đầu tháng 11.

Chiều cùng ngày, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đưa ra thông tin chính thức về vụ việc 34/264 khách du lịch Nhật Bản gặp vấn đề sức khỏe trên chuyến bay VN300 của Tổng Công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines sau khi đi du lịch Việt Nam.

Theo đó, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương tìm hiểu các nguồn tin và được biết 34 khách du lịch Nhật Bản gặp vấn đề về sức khỏe trên chuyến bay VN300 của Tổng Công ty hàng không Việt Nam-Vietnam Airlines xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đi Narita (Tokyo) sáng 28/10 là thành viên của một đoàn du lịch học đường của Nhật Bản sang tham quan du lịch Việt Nam từ ngày 24-27/10 do Công ty JTB Nhật Bản tổ chức và Công ty trách nhiệm hữu hạn JTB-TNT Việt Nam phục vụ.

Đoàn gồm 264 thành viên, thành phần gồm 251 học sinh (154 nam và 97 nữ) lớp 11 đến từ Trường trung học KOJO 1024 Nhật Bản, đi cùng 9 giáo viên, 1 điều dưỡng viên và 3 trưởng đoàn.

Đoàn du lịch học đường với phần lớn thành viên là các em học sinh đã thăm quan, lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-27/10, thăm quan Mỹ Tho, Củ Chi, City Tour (thăm Dinh Thống Nhất, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, cửa hàng Miss Áo dài, Vincom, xem múa rối nước…) và giao lưu với học sinh Trường trung học Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều 27/10, đoàn ăn tối (buffet) tại khách sạn New World Saigon (5 sao), đúng 20 giờ 30 phút cả đoàn ra sân bay Tân Sơn Nhất đáp chuyến bay VN300, khởi hành lúc 00 giờ 35 phút ngày 28/10 về Tokyo (Nhật Bản).

Máy bay hạ cánh lúc 7 giờ 45 phút sáng 28/10 thì có 34/264 thành viên của đoàn bị nôn ói, phải nhập viện cấp cứu. Đến chiều 28/10, đã có 33 người đã xuất viện, chỉ còn 1 khách lưu lại bệnh viện.

Theo thông tin cập nhật đến 22 giờ ngày 28/10, phía Nhật Bản chưa kết luận cụ thể nguyên nhân gây nôn ói vì đang chờ kết quả xét nghiệm. Phía Nhật Bản cũng yêu cầu Công ty JTB-TNT lấy giấy Chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm của khách sạn mà đoàn đã ở và các mẫu lưu thức ăn liên quan.

Các tài liệu liên quan cho thấy Công ty JTB-TNT Việt Nam và Công ty JTB Nhật Bản đã tổ chức phục vụ đoàn rất chu đáo, chi tiết theo tiêu chuẩn Nhật Bản, thậm chí kỹ lưỡng đến từng vị trí ngồi ăn, lối đi lại, lịch trình di chuyển theo giờ và thực đơn từng bữa.

Hiện Lãnh đạo và nhân viên của Công ty JTB Nhật Bản cũng như Công ty JTB-TNT Việt Nam đang tích cực triển khai các công việc liên quan để hỗ trợ khách và phục vụ các cơ quan điều tra của Nhật Bản. Công ty cam kết sẽ cung cấp thông tin cập nhật khi có kết quả điều tra của phía Nhật Bản cũng như các thông tin liên quan.

Các nạn nhân ngộ độc được đưa đi cấp cứu tại sân bay Narita (Nguồn: ANA)

Xem thêm: Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin hành khách Nhật Bản bị ngộ độc

Công bố kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật với Việt Nam
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 25/10 cho biết, theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vừa được cập nhật, đến cuối thế kỷ 21, nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ sẽ bị ngập nặng.

Theo kịnh bản trên, nếu nước biển dâng 100cm, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng; 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận); 17,8% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh; 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long... sẽ có nguy cơ bị ngập.

Cụ thể, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự báo, nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ có khoảng 16,8% diện tích bị ngập.

Trong khi đó, tại miền Bắc, tỉnh Nam Định có nguy cơ bị ngập cao nhất, với 58,0%; Thái Bình 50,9%; Quảng Ninh 4,79%.

Tương tự, khi mực nước biển dâng 100cm, các tỉnh khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) sẽ bị ngập khoảng 1,47% diện tích. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có nguy cơ ngập cao nhất, với 7,69% diện tích.

Vẫn theo kịch bản trên, Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập khoảng 17,84% diện tích. Trong đó, quận Bình Thạch bị ngập khoảng 80,78%; quận Bình Chánh nguy cơ bị ngập 36,43%.

Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ bị ngập cao nhất, với 38,9 % diện tích. Trong đó, tỉnh Hậu Giang nguy cơ bị ngập 80,62%; Kiên Giang 76,86%; Cà Mau 57,69%.

Ngoài ra, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng dự báo nguy cơ ngập tại một số đảo. Cụ thể, các đảo có nguy cơ ngập cao nhất là cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc. Nguy cơ ngập đối với những đảo thuộc quần đảo Trường Sa không lớn. Cụm đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, lớn nhất là tại cụm đảo Lưỡi Liềm và đảo Tri Tôn.

Trước dự báo nêu trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị, để đối phó với các hiểm họa, giảm nhẹ và từng bước thích nghi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các địa phương cần chú trọng đến việc xây dựng và phát huy hiệu quả các hệ thống và công trình thủy lợi đã có, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch thủy lợi, tăng cường thực hiện các dự thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng./.

Đê biển tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) ven bờ biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Xem thêm: Công bố kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật với Việt Nam

Bộ Y tế thông báo về trẻ đầu nhỏ nghi do Zika đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 30/10, Bộ Y tế có thông báo mới nhất về trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ tại tỉnh Đắk Lắk nghi liên quan với virus Zika đầu tiên tại Việt Nam.

Như đã thông tin, ngay sau khi nhận được báo cáo về kết quả xét nghiệm dương tính với virus Zika lần 1 của trường hợp trẻ có dấu hiệu đầu nhỏ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 17/10/2016, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh (EOC) để xem xét, đánh giá tình hình dịch bệnh do virus Zika.

Sau đó Bộ Y tế đã có thông báo nâng mức cảnh báo với bệnh do virus Zika để đáp ứng với dịch bệnh trong tình hình mới.

Tiếp theo ngày 18/10, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi thực địa điều tra các yếu tố dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 của trẻ và những người sống chung hoặc sống gần với bệnh nhân để tiến hành các biện pháp xác định nguyên nhân.

Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 21/10 tiếp tục phát hiện kháng thể IgM kháng đặc hiệu virus Zika và kháng thể trung hòa virus Zika trong mẫu huyết thanh của trẻ và mẹ của trẻ cũng như trong mẫu huyết thanh của những người sống cùng nhà (bố, bà, cậu và chị nuôi của trẻ), những trường hợp khác sống không cùng nhà có kết quả xét nghiệm âm tính.

Qua điều tra dịch tễ cho thấy về biểu hiện bệnh chỉ có người mẹ có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh vào lúc có thai 3 tháng. Chưa phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể gây dị tật đầu nhỏ từ người mẹ như nhiễm khuẩn, tiếp xúc hóa chất độc hại, hút thuốc lá, nghiện rượu bia.

Sau khi có kết quả xét nghiệm lần 2, ngày 26/10, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức cuộc họp trực tuyến với Văn phòng WHO khu vực tại Manila, Philippines và Văn phòng WHO Thái Lan để xác định nguyên nhân trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ.

Qua quá trình xem xét về bệnh cảnh lâm sàng, các yếu tố dịch tễ, xét nghiệm, kết quả chụp cắt lớp não bộ và dựa trên kinh nghiệm của WHO cũng như việc xác định hai trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika tại Thái Lan, hội nghị đi đến kết luận: đây là trường hợp trẻ có triệu chứng dị tật bẩm sinh mắc chứng đầu nhỏ có nhiều khả năng nghi liên quan đến virus Zika và cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam./.

Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm khám cho bệnh nhi bị dị tật đầu nhỏ vào ngày 18/10. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Xem thêm: Bộ Y tế thông báo về trẻ đầu nhỏ nghi do Zika đầu tiên tại Việt Nam

Du khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 8 triệu lượt người
Số liệu thống kê do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công bố ngày 28/10 cho thấy tính đến thời điểm này, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 8 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Khách du lịch nội địa trong 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 53,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 331.500 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng cục Du lịch đang hướng tới mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa trong những tháng cuối năm 2016.

Dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ đón và phục vụ khoảng 9,6 triệu lượt khách quốc tế (vượt 11,3 % so với kế hoạch 8,5 triệu lượt khách quốc tế) và 60 triệu khách nội địa...

Số liệu thống kê cũng cho thấy hầu hết các thị trường khách quốc tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Trong số đó, các thị trường tăng cao Hong Kong tăng 72,5%; Trung Quốc tăng 55,2%; Hàn Quốc (40,1%)...

Khách đến từ các thị trường Tây Âu được miễn visa gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha cũng tăng trưởng khá cao. Thị trường khách Nga cũng tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài 5 nước Tây Âu được miễn visa kể trên, hiện Việt Nam vẫn đang miễn thị thực đơn phương khách Bắc Âu như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển.

Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng nhận định thời gian qua lượng khách từ các nước này đến Việt Nam chưa đạt được như mong muốn. Để thu hút hơn nữa khách du lịch 4 nước Bắc Âu nói riêng và các nước châu Âu nói chung, vào cuối tháng 11/2016, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại 4 nước này.

Du khách quốc tế ghé thăm một triển lãm ảnh tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Xem thêm: Du khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 8 triệu lượt

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục