Sự kiện trong nước 21-27/8: Bão số 6 làm 3 người thiệt mạng

Bão số 6 làm 3 người chết và Bộ Tài chính công bố danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Bão số 6 làm 3 người chết và Bộ Tài chính công bố danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Bão số 6 làm 3 người chết và hàng trăm ngôi nhà hư hỏng
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết theo báo cáo của các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, tính đến 17 giờ ngày 25/8, bão số 6 đã làm 3 người chết (Thái Nguyên có 2 người do lũ cuốn, Yên Bái có 1 người bị sét đánh). Hà Giang có 1 người mất tích.

Tại các tỉnh trên, có 5 nhà bị sập hoàn toàn, 387 nhà bị hư hỏng; 1.502ha lúa bị thiệt hại; 294ha hoa màu bị hư hỏng; 13 gia súc và hơn 1.700 gia cầm bị chết.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão.

Lực lượng dân quân, bộ đội cùng người dân thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN)

Xem thêm: Bão số 6 làm 3 người chết và hàng trăm ngôi nhà hư hỏng

Việt Nam yêu cầu Đài Loan không tái diễn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ
 Ngày 24/8/2017, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."

Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông."

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam yêu cầu Đài Loan không tái diễn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ

Hơn 750 người nước ngoài đã được sở hữu nhà tại Việt Nam
Bộ Xây dựng cho biết, từ khi có Luật Nhà ở 2014 đến nay đã có trên 750 trường hợp người nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà tại Việt Nam.

Con số này nhiều gấp gần 6 lần so với 8 năm thực thi chính sách cũ theo Nghị quyết số 19/2008/QH11.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, ngay cả khi chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam đã được “cởi trói” thì số lượng vẫn chưa như kỳ vọng.

Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng lý giải, việc giao dịch của người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam chưa nhiều, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kinh tế của người nước ngoài, công việc tại Việt Nam, nhu cầu, vị trí, giá cả nhà ở…

Bộ Xây dựng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các quy định của pháp luật về nhà ở liên quan đến chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã thực sự cởi mở, thông thoáng cả về đối tượng, điều kiện sở hữu, số lượng nhà ở sở hữu, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hơn 750 người nước ngoài đã được sở hữu nhà tại Việt Nam

Các phương án giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô
Bộ Tài chính đang soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô giai đoạn 2018-2020, trong đó đưa ra hai phương án giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô trong năm năm có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất, lắp ráp.

Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018-2022, có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất, lắp ráp và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho hai nhóm xe là nhóm xe chở người dưới chín chỗ, có dung tích xilanh từ 2.000cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức bốn (giai đoạn 2018-2021), mức năm từ năm 2022 trở đi và nhóm xe tải côtông trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức bốn (giai đoạn 2018-2021), mức năm từ năm 2022 trở đi.

Công nhân lắp ráp ôtô tại Nhà máy Ôtô Hyundai Thành Công, Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Các phương án giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô

Giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 để lấy ý kiến. Đây đã là lần thứ hai Thông tư 36 được sửa đổi.

Theo quy định lộ trình đã ấn định của Dự thảo sửa đổi lần trước, đến 1/1/2018, các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 40%, sau khi đã thực hiện giảm giới hạn từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017.

Nhưng theo định hướng điều chỉnh lần này, việc thực hiện giảm giới hạn sẽ được giãn rải ra trong hai năm nữa: giảm từ 50% xuống 45% từ 1/1/2018, rồi giảm xuống 40% từ 1/1/2019.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc sửa đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài theo hướng điều chỉnh giãn lộ trình thực hiện tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn một cách phù hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế cũng như việc thực hiện các chương trình, dự án lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc
Theo các số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc công bố ngày 23/8, xuất khẩu của nước này sang Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa Việt Nam vượt Hong Kong (Trung Quốc) trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới của Hàn Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 đạt 26,95 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm ngoái và mức tăng này gấp ba lần so với mức tăng xuất khẩu 16,3% của Hàn Quốc.

Với mức này, Việt Nam là thị trường đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, sau Mỹ (39,66 tỷ USD) và Trung Quốc (79,25 tỷ USD).

Kể từ năm 2010, xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc sang Việt Nam vẫn luôn tăng ở mức hai con số, trừ năm 2014, chủ yếu do các công ty của Hàn Quốc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Nhu cầu trong ngành công nghiệp đang gia tăng ở Việt Nam cũng như việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do song phương, được ký kết giữa năm 2015 và có hiệu lực từ cuối năm đó, đang góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc

Công bố danh tính hơn 700 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết
Bộ Tài chính vừa chính thức công bố danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trong đó có không ít những cái tên quen thuộc.

Theo danh sách, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có 9 công ty thuộc diện trên là: Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên Huế, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex,…

Lý do những công ty trên chưa niêm yết theo báo cáo là do công ty không đủ số lượng cổ đông cần thiết để trở thành công ty đại chúng hoặc công ty có vốn điều lệ không đủ điều kiện.

Đây cũng là các lý do được nhiều công ty khác giải thích cho việc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch niêm, yết trên thị trường chứng khoán. Đơn cử như các công ty của Tập đoàn Dệt may Việt Nam gồm: Công ty cổ phần May Chiến Thắng, Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương, Công ty cổ phần Vitatex Tân Tạo, Công ty cổ phần Dệt may Viễn thông Sài gòn Vina…

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Công bố danh tính hơn 700 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo vụ VN Pharma nhập thuốc giả
Về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8.

Trước đó ngày 21/8, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ án này.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma và Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C được xác định là đứng đầu vụ, có vai trò như nhau trong việc buôn lậu trót lọt 9.300 hộp thuốc chữa ung thư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, trị giá 5 tỷ đồng.

Ngày 25/8, sau 5 ngày xét xử,Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma) mức án 12 năm tù, bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C) 12 năm tù cùng về tội "buôn lậu," tuyên buộc bị cáo Võ Mạnh Cường nộp lại hơn 800 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.

Thuốc tân dược không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng thu giữ trong một vụ việc. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Xem thêm: Nguyên Tổng giám đốc công ty VN Pharma lĩnh mức án 12 năm tù

Bảo hiểm xã hội từ năm 2018: Đóng nhiều hơn để hưởng nhiều hơn
Bắt đầu từ năm 2018, Luật Bảo hiểm xã hội sẽ có nhiều sự thay đổi trong cải cách đóng và cách tính hưởng lương hưu. Người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn nhưng sẽ hưởng lương hưu ở mức cao hơn.

Từ ngày 1/1/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu. Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa 75% sẽ kéo dài thêm 5 năm.

Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tối đa 75%. So với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.

Lao động nam nghỉ hưu năm 2018 muốn được hưởng tối đa 75% phải đủ 31 năm đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75%. So với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội là lao động nam được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.

Trao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Xem thêm: Bảo hiểm xã hội từ năm 2018: Đóng nhiều hơn để hưởng nhiều hơn

Bộ Y tế lại gửi công điện khẩn về dịch sốt xuất huyết
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, trong năm 2017, mặc dù công tác phòng chống sốt xuất huyết được triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp, song bệnh sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là còn nhiều các dụng cụ chứa nước, ổ đọng nước tại hộ gia đình, nơi công cộng và công trường xây dựng chưa được quan tâm xử lý đúng mức.

Trước tình hình trên, để tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Bộ Xây dựng; Bộ Giáo dục và đào tạo về tăng cường phối hợp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo triển khai một số hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt trong mùa tựu trường.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp thực hiện tốt việc vệ sinh, loại bỏ các vật dụng phế thải, các ổ đọng nước tại các công trình, công trường xây dựng; đảm bảo 100% công trình xây dựng, khu vực nơi ở, lán trại của công nhân, người lao động không có loăng quăng (bọ gậy).

Phun hóa chất chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại một gia đình. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Xem thêm: Bộ Y tế lại gửi công điện khẩn về dịch sốt xuất huyết

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục