Sự kiện trong nước 21-27/5: Tuần ''đen đủi'' của ngành đường sắt

Hàng loạt các vụ tai nạn đường sắt, từ nhẹ đến hết sức nghiêm trọng, đã xảy ra liên tiếp trong tuần qua, khiến người dân hết sức lo lắng.
Hàng loạt các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng
Rạng sáng 24/5, tàu SE 19 đi qua khu vực trạm gác chắn tàu tại Km234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) đã đâm trực diện vào xe tải biển kiểm soát 37C - 151.38.

Vụ tai nạn khiến hai lái tàu Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1976, quê huyện Hưng Hà, Thái Bình) và Nguyễn Xuân Đệ (sinh năm 1985, quê huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) tử vong và 14 người khác bị thương. Vụ tai nạn cũng khiến 6 toa tàu bị lật, trong đó có 4 toa khách, một toa chở hàng và một toa phòng ăn đầu máy.

Tiếp đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 26/5, tàu chở hàng chạy từ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) về thành phố Vinh (Nghệ An) khi đến ga Yên Xuân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An thì bị trật bánh.

Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Trên toa tàu bị trật bánh có chở nhiều đá. Việc trật bánh làm toa tàu bị nghiêng hẳn xuống.

Gần như cùng thời điểm đó, vào lúc 16 giờ 18 phút ngày 26/5, tại ga Núi Thành (thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có kế hoạch đón đoàn tàu hàng số hiệu ASY2 do đầu máy 011 kéo thông qua đường số 2. Trong lúc đó, trên đường ga số 3 có đoàn tàu dồn số hiệu 2469 do máy 350 kéo đang thực hiện dồn.

Khi đầu máy 011 của đoàn tàu hàng ASY2 đang thông qua ghi N4 vào đường số 2 thì đầu máy 350 của tàu dồn vượt mốc xung đột gây va chạm giữa hai đoàn tàu.

Về thiệt hại ban đầu của vụ tai nạn, VNR cho hay không có thiệt hại về người. Về tài sản: Tàu hàng ASY2: đầu máy và 4 toa xe hàng bị trật bánh, toa xe hàng bung cửa, rơi hàng hóa ra khu vực ga; Tàu dồn: đầu máy và 1 toa xe trật bánh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, thành thật xin lỗi các gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, vị Tư lệnh ngành giao thông cũng chịu trách nhiệm trước toàn ngành giao thông vận tải trong đó có đường sắt.

Hiện trường vụ lật tàu hỏa. (Nguồn: TTXVN phát)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Ngày 21/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội).

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, các dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác; Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng khác. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV dự kiến bế mạc vào ngày 15/6.

Từ 21 đến 25/5, Quốc hội đã nghe và thảo luận: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Trồng trọt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Toàn quyền Australia Peter Cosgrove thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Từ ngày 23 đến 26/5, Toàn quyền Australia Peter Cosgrove thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước sau 9 năm phát triển mạnh mẽ và có nhiều đột phá đã được nâng cấp thành Đối tác chiến lược vào tháng 3/2018.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Toàn quyền Peter Cosgrove đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón và hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến.

Tại các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ Việt Nam-Australia trong thời gian qua; đánh giá cao việc thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp.

Hai bên đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại đạt được nhiều kết quả tích cực, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt gần 6,5 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông-thủy sản và hoa quả nhiệt đới Việt Nam bắt đầu chiếm tỷ trọng đáng kể; đầu tư của Australia đầu tư vào Việt Nam ở mức khá, với hơn 400 dự án và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, đứng 19/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam…

Chuyến thăm là sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia đi vào thực chất và hiệu quả.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Toàn quyền Australia Peter Cosgrove tại lễ đón. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Việt Nam phản đối Trung Quốc triển khai máy bay trên quần đảo Hoàng Sa
Ngày 21/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bảy sỹ quan Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Sáng 21/5, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, thay mặt Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước và giao nhiệm vụ cho 7 sỹ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu 7 sỹ quan đi làm nhiệm vụ cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội, chấp hành nghiêm kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc tại Phái bộ và pháp luật nước sở tại. Các sỹ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cần tăng cường nghiên cứu tình hình địa bàn phái bộ; đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, trang thiết bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...

7 sỹ quan của Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng) đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2018 gồm: hai Quan sát viên quân sự đi Nam Sudan, 5 đồng chí đi làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi, trong đó có một Quan sát viên quân sự và 4 Sỹ quan tham mưu.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tặng hoa cho các sỹ quan hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp, người lao động, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Theo Nghị định, từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1.300.000 đồng/tháng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018; thay thế Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

(Nguồn: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục