Sự kiện trong nước 14-20/11: "Giấy thông hành" cho gỗ Việt Nam vào EU

Việt Nam-EU kết thúc cơ bản đàm phám Hiệp định VPA/FLEGT về gỗ và Việt Nam thuộc ba nước đi đầu thế giới kết thúc chiến dịch bệnh lao là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Việt Nam-EU kết thúc cơ bản đàm phám Hiệp định VPA/FLEGT về gỗ và Việt Nam thuộc ba nước đi đầu thế giới kết thúc chiến dịch bệnh lao là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2016
Từ ngày 15-17/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Cuba.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro; hội kiến với Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro và Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo; tiếp thân mật Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Cuba Ricardo Cabrisas, Chủ tịch Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc - ICAP Kenia Serrano Puig và các thành viên Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam; đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Anh hùng Dân tộc Cuba José Martí và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Đặc khu phát triển Mariel; thăm Trường phổ thông cơ sở mang tên Nguyễn Văn Trỗi và tại đó, gặp Ban Giám hiệu các trường phổ thông mang tên Bác Hồ và Võ Thị Thắng ở thủ đô La Habana; dự lễ khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Cuba.

Nhân dịp này, Việt Nam và Cuba đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực thú y và Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba.

Hội đồng Nhà nước Cuba cũng quyết định tặng Huân chương Jose Marti, phần thưởng cao quý nhất của nước Cộng hòa Cuba cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Cuba.

Chiều 17/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam rời Cuba, đến thủ đô Lima, của Peru tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức từ 17 đến 20/11.

Tại diễn đàn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang giới thiệu chủ đề của Năm APEC 2017 tại Việt Nam là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và đề nghị các doanh nghiệp cùng làm nên một Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mới, đề xuất sáng kiến, ý tưởng thiết thực. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong chào đón các doanh nghiệp APEC đến Việt Nam tham dự các hoạt động của năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp và năng động vào tháng 11/2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự cuộc gặp Cấp cao Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Xem thêm: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2016

Giới chuyên gia: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định
Ngày 16/11, các chuyên gia kinh tế của Conference Board dự báo nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm nay và sẽ tăng lên 6,5% trong năm sau, đạt mức trung bình 6,7% trong giai đoạn 2017-2021.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại New York (Mỹ) này cũng đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ không phải chịu những tác động lớn nếu chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói "Không" với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New York, chuyên gia kinh tế Ken Goldstein cho biết TPP nếu được thực thi sẽ tạo ra nhiều việc làm, song cũng khiến không ít người thất nghiệp.

Tuy nhiên, ông cho rằng xu hướng tự do thương mại sẽ tiếp tục thịnh hành trong thập niên tới và điều quan trọng là các chính phủ cần phải đề ra những chính sách xã hội thỏa đáng để hỗ trợ những người lao động sẽ mất việc làm do tự do thương mại.

Trong khi đó, bà Jing Sima, chuyên gia kinh tế của Conference Board, cho rằng trong giai đoạn ngắn và trung hạn, Việt Nam có thể được lợi trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ-Trung được dự báo sẽ xấu đi.

Cụ thể, Việt Nam có thể trở thành địa điểm thay thế trong trường hợp các nhà sản xuất và các nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc do chính quyền Trump siết chặt các chính sách hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.

Tuy nhiên về lâu dài, tất cả các quốc gia đều sẽ bị tổn hại nếu như chính quyền Mỹ tới đây làm chậm lại tiến trình toàn cầu hóa./.

(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Giới chuyên gia: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định

Khó có "sóng" tỷ giá cuối năm do cầu ngoại tệ không tăng mạnh
Trong mấy ngày gần đây, đặc biệt là sau khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ được công bố từ ngày 9/11 tỷ giá có xu hướng tăng, đến ngày hôm nay (17/11) đã xoay quanh mức 22.420-22.445 đồng/USD, tăng từ 55-80 đồng/USD.

Lãnh đạo ngân hàng và các chuyên gia cho rằng, tỷ giá tăng nhẹ trong vài ngày qua chủ yếu là do tác động của việc đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá mạnh do kỳ vọng các chính sách mới của Mỹ sẽ làm tăng chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy Fed tăng lãi suất.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhận định: Tỷ giá tăng nhẹ trong vài ngày qua chủ yếu là do tác động của việc đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá mạnh do kỳ vọng các chính sách của ông Trump sẽ làm tăng chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy Fed tăng lãi suất.

Ông Hà cho biết, qua theo dõi, thị trường tiếp tục phát sinh các nhu cầu ngoại tệ thông thường phục vụ hoạt động của nền kinh tế, tuy nhiên cầu do yếu tố tâm lý không còn như trước đây, thể hiện qua diễn biến tâm lý thị trường khá ổn định trước biến động trên thị trường quốc tế trong những tháng đầu năm, ngay cả sau sự kiện Brexit, tỷ giá có tăng nhưng không nhiều và sau 2 ngày đã ổn định trở lại.

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cung cầu ngoại tệ trên thị trường hiện vẫn diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ và không có nhu cầu đột biến. Do đó, tỷ giá cũng không có áp lực gì lớn,” ông Hà lý giải.

Cũng theo ông Hà, cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là khá linh hoạt, phù hợp với cung-cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, với cách thức điều hành theo tỷ giá trung tâm linh hoạt như hiện nay, tỷ giá không còn bị chi phối bởi yếu tố tâm lý như trước đây.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tỷ giá tăng cũng là điều dễ hiểu vì cuối năm, các doanh nghiệp đều tất toán các hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) lại cho rằng, trong những tháng cuối năm, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục thuận lợi nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam, hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các doanh nghiệp Nhà nước lớn tiếp tục được giải ngân...

Cũng theo Hưởng, với cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt như hiện nay thì các tác động bất lợi từ thị trường thế giới sẽ được giảm thiểu. Quan trọng hơn là với các giải pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng đầu cơ "găm" giữ ngoại tệ tiếp tục giảm, qua đó hỗ trợ nguồn cung cho thị trường và do vậy tỷ giá về cơ bản sẽ không có biến động lớn trong giai đoạn cuối năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Khó có "sóng" tỷ giá cuối năm do cầu ngoại tệ không tăng mạnh

Hiệp định VPA/FLEGT: "Giấy thông hành" cho gỗ Việt Nam vào EU
Ngày 18/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố chung kết thúc cơ bản đàm phám Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Lễ công bố được thực hiện dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Cao ủy về Môi trường, các vấn đề Hàng hải và Thủy sản Ủy ban châu Âu Karmenu Vella.

Hiệp định VPA/FLEGT nhằm đảm bảo tính hợp pháp của tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu, góp phần thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển một cách bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là thị trường EU và nâng cao thương hiệu và hình ảnh nghề chế biến gỗ của Việt Nam.

Đây là một dấu ấn mới trong việc hợp tác giữa hai bên nhằm chống khai thác gỗ trái phép, tăng cường quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp.

Nội dung quan trọng nhất của hiệp định là Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu của EU về truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Phát biểu lại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sau khi hệ thống VNTLAS được vận hành một cách đầy đủ sẽ góp phần quan trọng đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp xuất khẩu vào EU thông qua giấy phép FLEGT.

Đây là “giấy thông hành" để các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế gỗ EU; thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hy vọng, sau khi được triển khai hoàn toàn, Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự tin cậy vào tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam không những tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, cũng như mang lại lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội.

Chế biến sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Xem thêm: Hiệp định VPA/FLEGT: "Giấy thông hành" cho gỗ Việt Nam vào EU

Ấm áp tình thầy trò trong ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Trong tuần, trên khắp cả nước diễn ra các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 20/11, phát biểu trong lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2016) tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xúc động bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến toàn thể các thầy giáo, cô giáo trên cả nước, đặc biệt là những thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và nhân dân luôn ghi nhớ, biết ơn tấm lòng, sự hy sinh và mọi cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo.

Trải qua 34 năm, ngày 20/11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam, Thủ tướng xúc động bày tỏ: “Ở nhiều nơi có những thầy cô giáo không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho các em học sinh trong những điều kiện khó khăn, mà còn kiêm cả vai trò là người cha, người mẹ, chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em.”

Trước đó, ngày 14/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của ngành Giáo dục Thủ đô năm 2016; Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tổ chức trao Giải thưởng Võ Trường Toản vinh danh 20 nhà giáo tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng.

Ngày 15,16 và 17/11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Ủy ban Nhân dân Hậu Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, Sở Giáo dục và Đào tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức vinh danh các tập thể, cá nhân xuất sắc năm học 2015-2016.

Sáng 18/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp 153 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu xuất sắc trên cả nước về Hà Nội dự chương trình Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu.

Lớp học viết chữ đẹp của thầy Dương Tuấn, số 10 Hàng Mành (Hoàn Kiếm, Hà Nội). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xem thêm: Tình thầy trò và những niềm hạnh phúc dung dị

2017: Lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 250.000 đồng mỗi tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, đối tượng áp dụng gồm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 như sau: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Xem thêm: 2017: Lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 250.000 đồng mỗi tháng

Việt Nam - một trong ba nước đi đầu kết thúc chiến dịch bệnh lao
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao về công tác phòng chống lao của Việt Nam, đặc biệt là việc lồng ghép các chương trình đào tạo. Cho đến nay, Việt Nam là một trong ba nước đi đầu trong chiến lược kết thúc chiến dịch bệnh lao trên toàn cầu gồm: Việt Nam, Brazil, Nam Phi.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đưa ra tại Hội nghị quốc gia về đào tạo chuyên ngành lao và bệnh phổi, diễn ra sáng 14/1, tại Hà Nội.

Hiện nay, bệnh lao vẫn còn là một gánh nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức cao, đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh lao đến năm 2020. Trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực chính là đào tạo về chuyên ngành lao.

Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 10,2 triệu người mắc bệnh lao và có khoảng 1,8 triệu người tử vong vì căn bệnh này trên toàn Thế giới. Tại Việt Nam vẫn có 16.000 người tử vong do bệnh lao trong năm 2015.

Theo phó giáo sư Nhung, hiện nay, Việt Nam đã có nhiều phương tiện chẩn đoán mang tính đột phá theo công nghệ mới có thể phát hiện ra vi khuẩn lao trong vòng 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, ngành y tế có thể điều trị lao đa kháng thuốc, thậm chí siêu kháng thuốc. Việt Nam hiện nay là một trong những nước đã điều trị được lao siêu kháng thuốc nhờ những thuốc chống bệnh lao mới.

Cán bộ y tế khám và điều trị cho bệnh nhân lao. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Xem thêm: Việt Nam - một trong ba nước đi đầu kết thúc chiến dịch bệnh lao

Xúc động Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
Những câu chuyện xúc động, nghẹn ngào về nạn nhân tai nạn giao thông được tái hiện qua những kịch bản và thước phim khiến những người tham dự Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2016 vào tối 18/11 cảm thấy ngậm ngùi vì hậu quả tai nạn giao thông gây ra.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mười tháng của năm 2016, cả nước xảy ra 17.000 vụ tai nạn giao thông làm 7.120 người thiệt mạng, hơn 15.000 bị thương. Bình quân mỗi ngày có 24 người tử vong và 60 người bị thương, trong số đó có tới 2.000 em nhỏ thiệt mạng/năm vì tai nạn giao thông.

Trong những năm vừa qua, tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề không chỉ với người tử vong mà cả các thân nhân khi nỗi đau luôn âm ỉ trong suốt quãng đời còn lại. Những câu chuyện về một gia đình đầm ấm tiếng cười chỉ trong chốc lát tang thương ập đến khiến cuộc sống đảo lộn, để lại tiếng khóc đầy ám ảnh.

Đưa ra thông điệp tại Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh hậu quả khủng khiếp của tai nạn giao thông, những di chứng tai nạn giao thông không thể xóa nhòa nạn nhân bị nạn cũng như người chứng kiến tai nạn giao thông, hay những ánh mắt tuyệt vọng của trẻ thơ xa lìa cha mẹ, hình ảnh người bố mẹ đưa con mình về nơi chín suối.

Phó Thủ tướng cho rằng đã đến lúc toàn bộ người dân Việt Nam phải dũng cảm chân thành nhìn thẳng vào sư thật có lỗi của từng cá nhân trách nhiệm cộng đồng và cả Nhà nước. Hãy vì những mầm non tương lai của đất nước mỗi người chúng ta cần làm nhiều hơn nữa với khát vọng yên bình không còn tai nạn giao thông.

Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc đến tất cả các gia đình có nạn nhân tai nạn giao thông và dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân xấu số vì tai nạn giao thông.

Ngọn đèn hoa đăng được thắp lên để tưởng nhớ những người đã mất vì tai nạn giao thông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xem thêm: Xúc động Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Sân khấu thử nghiệm Việt Nam giành 17 huy chương Vàng
Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 - năm 2016 chính thức khép lại với Lễ bế mạc và trao giải chiều 19/11, tại Hà Nội.

Ban Tổ chức trao huy chương vàng cho 29 nghệ sỹ, huy chương Bạc cho 27 nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc, có nhiều sáng tạo trong các vai diễn.

Huy chương Vàng cũng được tặng cho ba vở diễn, huy chương Bạc cho bốn vở diễn đạt chất lượng cao. Các huy chương được trao kèm Bằng chứng nhận và cúp.

Tại Liên hoan, Sân khấu thử nghiệm Việt Nam được ghi nhận khi giành 16 huy chương Vàng cho nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc, có nhiều sáng tạo và một huy chương Vàng cho vở diễn “Dưới cát là nước” của Đoàn Kịch nói Quân đội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 - năm 2016 là sự kiện văn hóa quan trọng, hội tụ và giới thiệu bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới; là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam, khu vực và quốc tế trong thời kỳ mới.

Với 16 tiết mục của tám đoàn quốc tế đến từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Panama, Hy Lạp, Philippines và tám đoàn của Việt Nam, các nghệ sỹ trong nước và quốc tế đã mang tới Liên hoan những vở diễn có sự sáng tạo mới lạ, sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn và các yếu tố nghệ thuật khác (như âm nhạc, phục trang, đạo cụ, mỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng...) thể hiện rõ nét truyền thống bản sắc dân tộc của mỗi quốc gia, vùng miền.

Các buổi diễn đã thu hút khán giả đến chật kín khán phòng với nhiều cảm xúc cùng cái nhìn đa sắc màu về nghệ thuật sân khấu. Liên hoan khẳng định những giá trị của nghệ thuật sân khấu, qua đó khán giả có dịp chiêm ngưỡng, thưởng thức nghệ thuật, hiểu thêm về con người, khát vọng cuộc sống của từng dân tộc.

Ban Tổ chức trao huy chương Vàng cho ba vở diễn xuất sắc nhất thuộc về Nhà hát Kịch Việt Nam, đoàn Trung Quốc và đoàn Nhật Bản. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Xem thêm: Sân khấu thử nghiệm Việt Nam giành tới 17 huy chương Vàng

Việt Nam cần hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do El Nino
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn từ 2016-2020, Việt Nam cần nguồn kinh phí hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục những thiệt hại do El Nino gây ra.

Trước mắt, trong năm nay Việt Nam sẽ cần khoảng 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách.

Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biển đổi khí hậu” do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 15/11, tại Hà Nội.

Phát biểu tại cuộc Hội thảo, Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa, Trưởng Bộ môn nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho hay, Việt Nam được cho là một trong 3 nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

“Biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức gay gắt và nhanh hơn kịch bản năm 2012 chúng ta dự báo. Từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán, mặn xâm nhập trên diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn hécta lúa. Ước tính thiệt hại về kinh tế 15.000 tỷ đồng,” tiến sỹ Trần Đại Nghĩa nói.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đợt mưa lũ trong tháng 1/2016 và tháng 10/2016 cũng đã gây ra những hậu quả nặng nề cho đồng bào các tỉnh miền Trung.

Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và địa phương, trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã phải kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng phó với thiên tai. Và tính đến đầu tháng 7/2016, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 16 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thời tiết cực đoan El Nino.

Vườn tiêu trồng ở Bình Phước chết dần do hạn hán năm 2016. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam cần hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do El Nino

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục