Sự kiện trong nước 13-19/2: "Nóng" vụ xe chở hiệu trưởng đâm học sinh

Vụ xe chở cô hiệu trưởng được cho là đã đâm gãy chân học sinh ở Hà Nội và liên tiếp những vụ ngộ độc tập thể gây hậu quả nghiêm trọng là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Vụ xe chở cô hiệu trưởng được cho là đã đâm gãy chân học sinh ở Hà Nội và liên tiếp những vụ ngộ độc tập thể gây hậu quả nghiêm trọng là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Bảo vệ cá tra Việt trước thông tin có tính bôi nhọ tại EU
Ngay đầu năm 2017, một chương trình truyền hình ở Tây Ban Nha đã đưa thông tin sai sự thật về quy trình nuôi và chế biến cá tra Việt Nam, khiến một nhà bán lẻ châu Âu quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam và người tiêu dùng thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoang mang.

Không chỉ riêng đầu năm nay truyền thông nước ngoài mới bắt đầu bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam mà vấn đề này đã được thực hiện thành các chiến dịch ở nhiều nước châu Âu và kéo dài từ năm 2010 đến nay.

Với giá trị dinh dưỡng cao và giá cạnh tranh, cá tra Việt Nam hiện đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các loại cá thịt trắng khác, đặc biệt là một số cá bản địa như cá minh thái, cá tuyết… Một số doanh nghiệp cho rằng, không loại trừ khả năng các đối thủ dùng truyền thông để nói xấu cá tra Việt Nam nhằm bảo vệ hàng trong nước.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện diện tích thả nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 5.000ha, hầu hết đều được nuôi theo chuỗi giá trị liên kết và đạt chứng nhận của các tổ chức quốc tế như GlobalGap, ASC, BAP…

Để có thể đạt được các chứng nhận này, các trang trại nuôi phải được xây dựng và hoạt động dựa trên các tiêu chí về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, môi trường và trách nhiệm xã hội một cách nghiêm ngặt. Đây là một trong những bằng chứng rõ ràng và đáng tin cậy nhất về tính an toàn và bền vững của ngành cá tra Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh những thông tin tiêu cực trên có thể ảnh hưởng chung đến xuất khẩu cá tra, một nguồn tin từ VASEP cho biết, Hiệp hội này đang phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào EU cùng thực hiện chiến lược quảng bá và các hoạt động khác, nhằm giúp xây dựng hình ảnh cho sản phẩm cá tra tại thị trường này.

Trong đó, sẽ thông qua truyền thông để đưa những thông tin chính xác nhất về quy trình nuôi trồng, chế biến cá tra Việt Nam hiện nay nhằm gây dựng lại niềm tin cho người tiêu dùng EU.

Thu hoạch cá tra tại tổ hợp tác nuôi cá tra Tân Thạnh, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Bảo vệ cá tra Việt trước thông tin có tính bôi nhọ tại EU

Việt Nam hiện đang có gần 1.200 dự án đầu tư ra nước ngoài
Ngày 17/2, tại Hội thảo Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở tiểu vùng Mekong, ông Đoàn Thanh Nghị, Phó Trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỷ USD.

Trong số này, Lào có 270 dự án, số vốn là 5,12 tỷ USD; Campuchia với 191 dự án, số vốn 2,89 tỷ USD; một số quốc gia như Nga, khu vực châu Phi cũng là những thị trường đầu tư tiềm năng… Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh…

Theo ông Nghị, hiện có một số điểm mới về chính sách đầu tư ra nước ngoài như đối với các dự án có vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy trình không phải xin chấp thuận chủ trương của Quốc hội/Thủ tướng Chính phủ và thời hạn xử lý hồ sơ là 15 ngày.

Đối với các dự án thuộc diện phải có chấp thuận chủ trương của Quốc hội/Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận. Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đã được đơn giản hóa và rõ ràng hơn về đầu mục cũng như nội dung hồ sơ.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy quá trình Chính phủ điện tử cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động đăng ký hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài qua mạng.

Ngân hàng Lào-Việt với 65% vốn góp của ngân hàng BIDV (Việt Nam). (Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm: Việt Nam hiện đang có gần 1.200 dự án đầu tư ra nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước từ chối gia hạn gói 30.000 tỷ đồng theo kiến nghị của HoREA
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 667/NHNN-TD trả lời kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) tại Công văn số 106/CV-HoREA về Báo cáo năm 2016 và dự báo thị trường bất động sản năm 2017 và xem xét các kiến nghị liên quan đến ngành ngân hàng.

HoREA đã kiến nghị cho phép các trường hợp nhận nhà gói 30.000 tỷ đồng từ ngày 1/1 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, trả lời vấn đề này Ngân hàng Nhà nước khẳng định đối với các khoản giải ngân từ ngày 1/1 sẽ được giải ngân từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại và áp dụng lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 25/2016/TT-NHNN quy định rõ hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; mua, thuê nhà ở thương mại; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa lại nhà ở của mình thì thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay, hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến hết 31/12/2016.

Tính đến ngày 31/12/2016, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 29.679 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, đạt 95% số tiền cam kết cho vay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước từ chối gia hạn gói 30.000 tỷ đồng theo kiến nghị của HoREA

Xây dựng thương hiệu cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc để hút đầu tư
Sáng 16/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã tới thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng kết luận, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định mới về cơ chế chính sách đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đây sẽ là một nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động của Khu Công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng này nhằm nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là Khu Công nghệ cao Quốc gia trên địa bàn hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Hà Nội với quy mô 1.586ha và được phát triển để trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin-truyền thông, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa.

Để tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, một hạ tầng hiện đại ngang tầm khu vực đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bằng ngân sách nhà nước và đặc biệt bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.

Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có chín dự án đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và ba trường đại học) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỷ đồng trên tổng diện tích 346,5ha thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội. Hiện nay, đã có 36 dự án đi vào hoạt động với khoảng trên 10.000 người đang làm việc, học tập.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc năm 2016 đạt hơn 2,4 tỷ USD với mức xuất khẩu là gần 1,3 tỷ USD, nhập khẩu là gần 1,2 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Xây dựng thương hiệu cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc để hút đầu tư

60% doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam
"Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng."

Đây là thông tin được ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết tại buổi họp báo công bố "Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội ngày 14/2.

Cũng theo ông Atsusuke Kawada, kết quả cuộc khảo sát này dựa trên kết quả khảo sát thực trạng hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương trong năm 2016. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 10-11/2016. Tại Việt Nam, có 639 doanh nghiệp được khảo sát có câu trả lời hợp lệ.

Khảo sát của JETRO cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trả lời "có lãi" chiếm trên 60% (tăng 4,0 điểm % so với năm 2015), trong khi đó, số doanh nghiệp trả lời "lỗ" là 25,1% (tăng 1,1 điểm % so với năm 2015).

Bên cạnh đó, 88% doanh nghiệp cho rằng, lý do quan trọng để mở rộng kinh doanh là "tăng doanh thu." Đối với ngành công nghiệp phi chế tạo thì có khoảng 63% số doanh nghiệp cho rằng lý do là "khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao."

Lắp ráp ôtô tại nhà máy ô tô Toyota Phúc Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Xem thêm: 60% doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Việt Nam

Chưa có kết luận chính thức vụ “xe chở hiệu trưởng đâm gãy chân học sinh”
Những ngày này, dư luận đang chia sẻ nhiều về vụ việc em Trần Chí Kiên, học sinh trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội bị ngã gãy xương đùi, nguyên nhân được cho là do một xe taxi chở cô hiệu trưởng đi vào sân trường va phải.

Sự việc trở nên phức tạp, bức xúc dư luận bởi những người đứng đầu trường này liên tục thể hiện sự vòng vo, không trung thực về nguyên nhân tai nạn của học sinh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Công an Hà Nội vào cuộc điều tra làm rõ, có thông tin chính xác về vụ việc để xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm, đồng thời trả lời dư luận một cách xác đáng nhất.

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết liên quan các tình tiết của vụ việc, Phòng Giáo dục đang lắng nghe nhiều chiều và báo cáo bằng văn bản của nhà trường; đồng thời tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội khi có yêu cầu, từ đó mới có kết luận chính xác cuối cùng.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội cho biết hiện tại chưa thể cung cấp thông tin vì đang trong quá trình điều tra, thẩm vấn, lấy lời khai của nhiều người liên quan; đề nghị không thông tin một chiều, thiếu chứng cứ, quy chụp, ảnh hưởng tới quá trình điều tra, gây hoang mang dư luận.

(Nguồn: VNews)

Xem thêm: Bất minh vụ xe chở hiệu trưởng đâm gãy chân học sinh

Công bố chính thức môn thi và lịch thi trung học phổ thông quốc gia
Ngày 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hướng dẫn thực hiện Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017.

Theo đó, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 tổ chức 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh học chương trình giáo dục trung học phổ thông phải thi 3 bài thi độc lập và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường đại học, cao đẳng.

Bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24-6. Theo đó, sáng 22/6, thí sinh dự thi bài thi Ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút), chiều thi Toán (thời gian làm bài 90 phút); sáng 23-6 thi bài thi Khoa học tự nhiên (thời gian làm bài từng môn thành phần là 50 phút), chiều thi Ngoại ngữ (thời gian làm bài 60 phút); sáng 24-6, thi bài thi Khoa học xã hội (thời gian làm bài từng môn thành phần 50 phút).

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 1 đến 20/4, thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi; sau ngày 20-4, thí sinh không được đổi địa điểm thi và các thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: [Infographics] Lịch thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017

Liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể gây hậu quả nghiêm trọng

Trong tuần qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 15/2 xảy ra vụ việc ngộ độc tập thể tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang làm 81 người phải nhập viện điều trị sau khi ăn cỗ cưới...

Đặc biệt, trước đó ngày 13/2, xảy ra vụ ngộ độc ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu làm 49 người bị ngộ độc và đã có 8 người tử vong. Những người bị ngộ độc đều là người dân tộc Hà Nhì, trước đó đã ăn cơm, uống rượu tại một đám tang.

Qua kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Methanol của 3 mẫu rượu tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy: Chỉ số Methanol đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Do vậy, bước đầu các đơn vị chức năng đã xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do sử dụng rượu có hàm lượng Methanol vượt ngưỡng cho phép.

Tiếp đó, ngày 17/2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận thêm bốn ca cấp cứu vì uống rượu. Trong đó có hai trường hợp nặng phải chạy thận, lọc máu và thở máy; một trong hai trường hợp này đang rất nguy kịch.

Nạn nhân đang nguy kịch cũng uống rượu ở đám ma, 3 nạn nhân còn lại uống rượu tại lán nương, không liên quan đến vụ ngộ độc tại đám ma. Tuy nhiên rượu mà các nạn nhân trên uống đều có cùng nguồn gốc với rượu mà các nạn nhân vụ ngộ độc đám ma mua về từ trước đó.

Một nạn nhân ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Công Hải/TTXVN)

Xem thêm: Thêm bốn người ngộ độc rượu tại Lai Châu, có người nguy kịch

Côn Đảo được bình chọn là hòn đảo kỳ thú nhất thế giới
Trong tạp chí Travel and Leisure số ra mới đây, Côn Đảo xuất hiện với vị trí đầu tiên trong danh sách bình chọn những hòn đảo hứa hẹn nhiều bí ẩn kỳ thú đối với khách du lịch trên thế giới.

Tạp chí Travel and Leisure nhận xét Côn Đảo rất nổi tiếng với những vách đá granit sừng sững, tuyệt đẹp bên bãi biển màu xanh pha lê óng ánh.

Tiềm năng du lịch ở hòn đảo này đang được khai thác mạnh mẽ. Nếu trước đây, bạn khó có thể tìm được một chỗ nghỉ ngơi thuận tiện vì đây là vùng đất hoang vắng thì bây giờ dọc theo bãi cát trắng mịn, trải dài là 50 biệt thự sang trọng, thoáng mát sẵn sàng phục vụ du khách. Nhiều quán bar được mở tại trung tâm thị trấn Côn Đảo để phục vụ du khách, trong khi khu nghỉ dưỡng Six Senses trên đảo được đánh giá đạt đẳng cấp quốc tế.

Hồi cuối năm ngoái, Côn Đảo đã lọt vào top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á trong năm 2017 do tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet bình chọn.

Một góc Côn Đảo. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Xem thêm: Côn Đảo được bình chọn là hòn đảo kỳ thú nhất thế giới

Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đầu tiên đã về tới Hà Nội
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus sáng 19/2, ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định, 4 đầu máy và toa tàu chở khách thuộc dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông đã chính thức về tới Hà Nội vào rạng sáng nay.

Theo ông Phương, lô đoàn tàu đầu tiên này được đưa về nằm trong kế hoạch vận chuyển 13 đoàn tàu cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Các đoàn tàu còn lại sẽ tiếp tục vận chuyển về cảng Hải Phòng trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt, đây là mã hàng đầu tiên và còn 50 toa tàu chở khách sẽ được nhà thầu tiếp tục vận chuyển về Việt Nam. Được biết, trọng lượng mỗi đầu máy 35 tấn, dài 19m, cao 3,8m, rộng ngang 2,8m. Toa chở khách nặng 32 tấn, các thông số khác đều giống đầu máy.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, chịu động đất cấp 8. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868,04 triệu USD (18.001 tỷ đồng).

Toàn tuyến có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Đoàn tàu dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông hiện đang tập kết tạm trên đường Lê Trọng Tấn kéo dài quận Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xem thêm: Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đầu tiên đã về tới Hà Nội

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục