Sự kiện thế giới nổi bật tuần qua: Tai nạn máy bay tại Ethiopia

Vụ tai nạn máy bay thảm khốc tại Ethiopia làm 157 người thiệt mạng là sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua, đặc biệt, khi chiếc máy bay gặp nạn cùng loại với máy bay của Lion Air đã rơi hồi tháng 10/2018.

Tai nạn máy bay thảm khốc tại Ethiopia, 157 người thiệt mạng

Ngày 10/3, chiếc máy bay Boeing 737-800 MAX mang số hiệu ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã gặp nạn khi đang lộ trình bay tới Nairobi.

Người phát ngôn hãng hàng không Ethiopian Airlines xác nhận sự việc xảy ra vào lúc 8h44 phút (giờ địa phương, 13h 44 giờ Việt Nam).

Máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Bole lúc 8h38 phút và bị mất liên lạc 6 phút sau khi cất cánh, trên máy bay có 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Toàn bộ 157 người đã thiệt mạng.

Ông Tewolde GebreMariam - người đứng đầu hãng hàng không Ethiopian Airlines - cho biết phi công lái máy bay Boeing 737 gặp nạn trên đường tới Nairobi (Kenya) 6 phút sau khi cất cánh sáng 10/3, đã báo động với các kiểm soát viên không lưu rằng "ông gặp nhiều khó khăn" và muốn quay đầu chiếc máy bay chở 157 người này.

Chiếc máy bay đã đâm xuống một cánh đồng cách thành phố Addis Ababa khoảng 60km về khía Đông Nam. Theo các nhân chứng, máy bay đã bốc cháy khi đâm xuống mặt đất.

Máy bay gặp nạn là Boeing 737-800MAX hoàn toàn mới. Đây cũng là loại máy bay của hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã gặp nạn hồi tháng 10 vừa qua khi rơi chỉ sau 13 phút cất cánh khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.

Khi được hỏi liệu có cuộc gọi nào báo tin khẩn cấp hay không, ông Tewolde GebreMariam cho biết viên phi công "đã được cấp khoảng trống" để quay trở lại Addis Ababa.

Hiện, danh tính các nạn nhân bắt đầu được xác định, theo đó họ đến từ 35 quốc gia, gồm du khách, doanh nhân và nhân viên Liên hợp quốc.

Quốc hội Ethiopia đã tuyên bố quốc tang trong ngày 11/3 để tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

Chính phủ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đã gửi lời chia buồn tới thân nhân các nạn nhân xấu số.

Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines, gần Bishoftu, Ethiopia, ngày 10/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nga chính thức đình chỉ tham gia INF

Ngày 4/3, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ.

Theo đó, Tổng thống Putin đã ra lệnh đình chỉ hiệp ước này cho đến khi Mỹ ngừng những hành động vi phạm INF.

Đây được xem là động thái của Nga nhằm đáp trả việc Mỹ tuyên bố ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF kể từ ngày 2/2 trước đó.

Ngay sau khi Nga tuyên bố đình chỉ tham gia INF, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/3 cho biết Washington sẵn sàng đàm phán với Moskva về INF nhưng với một số điều kiện nhất định.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những điều kiện để đàm phán là khả năng Washington tiến hành các cuộc kiểm tra vì mục đích "an ninh của Mỹ và các đối tác."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 6-3 khẳng định Moskva sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang mới liên quan đến các mối đe dọa từ Mỹ đối với an ninh của nước này.

Theo ông Lavrov, Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc tham vấn hoặc đàm phán nhằm tăng cường sự ổn định chiến lược trong các điều kiện mới.

Đến nay, việc cả Mỹ và Nga đều tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ của INF đang làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu và gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Hiện Nga và Mỹ vẫn còn có 5 tháng nữa để tìm kiếm giải pháp “cứu” INF thông qua đối thoại.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng với lập trường cứng rắn hiện nay thì đối thoại Nga-Mỹ về INF được dự đoán là sẽ rất khó khăn.

Hệ thống tên lửa đạn đạo Novator 9M729 của Nga được giới thiệu tại Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế ở Kubinka, ngoại ô Moskva ngày 17/6/2015. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Khủng hoảng trên chính trường Canada

Những ngày qua, nội các chính phủ Canada đã phải hứng chịu những sóng gió vì liên quan đến những cáo buộc cho rằng chính phủ can thiệp vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin.

Ngày 4/3, Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Jane Philpott đã tuyên bố từ chức. Sự việc này diễn ra chỉ một tháng sau khi Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould đưa ra quyết định tương tự.

Lý do Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Jane Philpott nêu ra trong đơn từ chức gửi tới Thủ tướng Canada Justin Trudeau là do mất niềm tin vào chính phủ và bà thất vọng đối với cách chính phủ đối xử với cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould.

Trước đó, báo Globe and Mail dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Bộ trưởng Tư pháp Canada, bà Wilson-Raybould, đã phải chịu sức ép từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau để không truy tố hình sự SNC-Lavalin.

Tuy nhiên bà Wilson-Raybould đã từ chối “chỉ đạo” của Văn phòng Thủ tướng và do đó bà đã bị điều chuyển sang đảm nhiệm chức Bộ trưởng Các vấn đề về cựu chiến binh. Phản ứng trước quyết định này, bà Wilson-Raybould đã quyết định từ chức ngày 12/2.

SNC-Lavalin là một trong những doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất từ Cơ quan Phát triển xuất khẩu của chính phủ Canada (EDC) và có quy mô lên tới 50.000 nhân lực trên toàn thế giới.

Từ năm 2015, công ty có trụ sở tại Quebec này bị cáo buộc có hành vi gian lận và đã trả 47,7 triệu CAD để hối lộ các quan chức Libya nhằm giành được các hợp đồng tại đất nước Bắc Phi trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2011.

Đối mặt với những cáo buộc trên, trong cuộc họp báo ngày 7/3, Thủ tướng Trudeau đã thừa nhận để xảy ra sai sót trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại liên quan tới cáo buộc chính phủ can thiệp vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin, song ông khẳng định không có bất kỳ vấn đề nào vi phạm pháp luật.

Thủ tướng Trudeau phủ nhận những cáo buộc can thiệp chính trị "mang tính đảng phái" vào tiến trình truy tố Tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin đang khiến chính trường Canada rơi vào khủng hoảng tồi tệ.

Mặc dù vậy, những diễn biến trên vẫn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Thủ tướng Canada Trudeau, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang đang đến gần.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ấn Độ ký thỏa thuận hơn 3 tỷ USD thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga

Ngày 7/3, Ấn Độ đã chính thức ký thỏa thuận quốc phòng trị giá khoảng 21 nghìn crore (hơn 3 tỷ USD) thuê một tàu ngầm hạt nhân của Nga. Hợp đồng thuê tàu bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025.

Theo trang mạng Times of India dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết, hợp đồng trên bao gồm trọn gói việc tân trang tàu ngầm hạt nhân tại cơ sở đóng tàu Severodvinsk, hỗ trợ phụ tùng và linh kiện thay thế trong 10 năm, cũng như đào tạo và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của tàu ngầm trên.

Theo thỏa thuận, tàu ngầm hạt nhân trên sẽ được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất thông thường và hệ thống tàng hình, nhưng không được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa do các hiệp ước quốc tế.

Tàu ngầm này có khả năng ở dưới nước trong thời gian dài và có thể được triển khai để phục vụ cả các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát.

Hiện Nga là đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ. Hai nước đã hợp tác triển khai nhiều hoạt động chung như phối hợp tác chiến, khảo sát vùng biển, huấn luyện, trao đổi chuyên gia...

Hai nước còn hợp tác phát triển và sản xuất tên lửa BrahMoss, máy bay chiến đầu tàng hình thế hệ thứ 5 cũng như sản xuất máy bay Su-30 và xe tăng T-90 tại Ấn Độ. 

Ngoài ra, với chính sách nới lỏng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, Ấn Độ đã phối hợp với Nga thành lập Đặc khu kinh tế về quốc phòng và không gian.

Theo đó, các công ty của Nga và các nhà cung ứng Ấn Độ có thể thiết lập các cơ sở chế tạo và nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nội địa và xuất khẩu.

Tàu ngầm Nga. (Nguồn: sputniknews.com)

Tập đoàn công nghệ Huawei chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ

Ngày 7/3, Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas (Mỹ), liên quan đến một đạo luật trong đó Mỹ cấm các cơ quan liên bang của nước này sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei.

Chủ tịch Huawei Quách Bình nhấn mạnh: "Quốc hội Mỹ đã liên tục không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei," buộc hãng này phải sử dụng hành động pháp lý trên như một "giải pháp thích hợp cuối cùng."

Ngoài ra, Huawei còn cáo buộc chính phủ Mỹ "xâm nhập các máy chủ," "đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn" của tập đoàn này.

Theo đơn kiện, Huawei tập trung vào điều khoản 889 trong Đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành năm 2018, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ ký hợp đồng mua sắm các trang thiết bị viễn thông do Huawei và ZTE - một công ty công nghệ khác cũng của Trung Quốc - sản xuất.

Huawei cho rằng lệnh cấm trên không chỉ trái pháp luật mà còn cản trở tập đoàn này tham gia cạnh tranh công bằng tại Mỹ, dẫn tới gây tổn hại cho chính người tiêu dùng Mỹ.

Trong những ngày tới, Tòa án liên bang tại Plano, bang Texas sẽ đưa ra quyết định liệu có thụ lý vụ kiện này hay không.

Theo quy định, một tòa án có quyền "vô hiệu hóa" một phần nội dung điều khoản mà không gây ảnh hưởng tới toàn bộ đạo luật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Huawei đang trông đợi tòa án sẽ bãi bỏ điều khoản 889 trong đạo luật NDAA, từ đó mở đường để công ty này tiếp tục thương thảo với chính phủ Mỹ.

Các nhà phân tích nhận định, nếu Huawei thắng kiện thì tập đoàn này có thể lấy lại niềm tin của các nước phương Tây.

Nhưng nếu thua kiện thì Huawei dường như sẽ không còn cơ hội để đưa được các sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ và thậm chí là cả các nước phương Tây khác.

Huawei đang chịu áp lực vô cùng lớn từ chính phủ Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Pháp đề xuất dự luật đánh thuế các “ông lớn” ngành công nghệ

Ngày 6/3, chính phủ Pháp đã nhất trí đề xuất một dự luật đánh thuế 3% thu nhập tại Pháp của các "gã khổng lồ" Internet toàn cầu như Google, Amazon và Facebook.

Mức thuế mới sẽ áp dụng đối với các công ty kỹ thuật số có thu nhập toàn cầu hơn 850 triệu euro, và thu nhập tại Pháp đạt hơn 25 triệu euro.

Dự luật trên được xem là một cách để giải quyết tình trạng các công ty đa quốc gia trốn thuế.

Cho đến nay, các công ty này nộp thuế tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) mà họ đặt trụ sở với mức rất thấp, và không phải trả thuế tại các quốc gia mà họ đang hoạt động mạnh.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, việc đánh thuế này được cho là sẽ giúp bảo vệ các công ty khởi nghiệp.
Theo ông Le Maire, ước tính thuế mới sẽ giúp Pháp thu về 500 triệu euro/năm trong năm nay, nhưng con số này còn có thể sẽ tăng lên "nhanh chóng." 

Theo dự luật vừa đề xuất, khoảng 30 công ty, hầu hết có trụ sở tại Mỹ, nhưng hoạt động ở cả châu Âu và Trung Quốc, sẽ là đối tượng bị điều chỉnh.

Tuy nhiên, mức thuế mới sẽ không ảnh hưởng tới các công ty trực tiếp bán sản phẩm trên mạng Internet. Chủ yếu các công ty sử dụng dữ liệu của người dùng để bán quảng cáo online sẽ bị đánh thuế.

Dự kiến Pháp sẽ là nước châu Âu đầu tiên áp dụng loại thuế trên nếu dự luật này được Quốc hội thông qua trong vài tháng tới.

Trong phản ứng của mình, Hiệp hội công nghiệp máy tính và thông tin đã lên tiếng chỉ trích biện pháp của Pháp, cho rằng cách đánh thuế này sẽ làm gia tăng chi phí của các công ty Pháp và cả người tiêu dùng Pháp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire khẳng định: "Đây là vấn đề công bằng. Các gã khổng lồ kỹ thuật số sử dụng dữ liệu cá nhân, thu lời lớn từ các dữ liệu này... sau đó chuyển tiền đi nơi khác mà không phải trả thuế một cách tương xứng".

Mức thuế ba phần trăm đối với doanh thu ở Pháp đối với các công ty Internet lớn có thể mang lại 500 triệu euro mỗi năm cho nước này. (Nguồn: phys.org)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục