Sự kiện quốc tế tuần 7-13/12: COP21 đạt thỏa thuận vào phút chót

Sự kiện Hội nghị COP21 đã chính thức thông qua thỏa thuận Paris nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu cùng việc Triều Tiên tuyên bố sở hữu công nghệ bom nhiệt hạch là hai trong số sự nổi bật tuần qua.
Hội nghị COP21 - Thế giới hợp sức biến thách thức thành cơ hội
Sau hai tuần đàm phán căng thẳng với các phiên họp kín kéo dài suốt đêm, cuối cùng, đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã chính thức thông qua thỏa thuận Paris nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Thỏa thuận vừa đạt được tại hội nghị COP21 là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc trong suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái Đất.

Những nội dung chính của thỏa thuận là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C vào năm 2100 và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850); từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là mức “sàn” cho các khoản hỗ trợ hàng năm sau năm 2020.

Một thỏa thuận mang tính đột phá đạt được tại Paris cho thấy các nước đã biết hợp sức để tạo ra một khuôn khổ chung, đưa thế giới phát triển đúng hướng một cách bền vững. Một cuộc chiến khó khăn đã giành thắng lợi tại Paris.

Thư ký điều hành COP21 Christiana Figueres, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Tổng thống Pháp Francois Hollande vui mừng khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu đạt các mục tiêu chính đề ra
Triều Tiên tuyên bố sở hữu công nghệ bom nhiệt hạch
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng bóng gió rằng nước này đang sở hữu công nghệ cần thiết để chế tạo một quả bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H).

Trong chuyến đi thăm không rõ thời điểm tới một địa danh cách mạng ở quận Phyongchon, thủ đô Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un đã tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ trở thành "một nước sở hữu vũ khí hạt nhân hùng mạnh, sẵn sàng kích nổ các quả bom nguyên tử và bom H tự chế để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chúng ta có thể tiếp tục xây dựng một đất nước hùng mạnh mà không một kẻ thù nào dám khiêu khích."

Cho tới nay, giới chuyên gia nước ngoài vẫn chưa xác nhận việc Triều Tiên đã phát triển thành công một quả bom H.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Hàn Quốc: Triều Tiên xoay qua "chiến thuật dọa dẫm" bằng bom H
Phụ nữ tại Saudi Arabia lần đầu tiên được tham gia bầu cử
Ngày 12/12, Saudi Arabia đã tiến hành cuộc bầu cử địa phương đầu tiên có sự tham gia của các cử tri và ứng cử viên là phụ nữ. Có hơn 1.200 điểm bỏ phiếu ở 284 thành phố trên cả nước, trong đó có hơn 400 điểm dành riêng cho phụ nữ.

Cuộc bầu cử hội đồng địa phương lần này được xem là bước thăm dò về việc nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt áp đặt đối với phụ nữ ở Saudi Arabia. Hơn 900 phụ nữ tham gia tranh cử vào các hội đồng địa phương, so với gần 6.000 nam giới.

Ngày 13/12, Ủy ban Bầu cử Saudi Arabia tuyên bố một phụ nữ đã trúng cử vào hội đồng thành phố Mecca.

Sự kiện phụ nữ ở Saudi Arabia được tham gia bầu cử được coi là "bước tiến quan trọng" bởi từ trước đến nay, phụ nữ ở nước này chịu nhiều ràng buộc như không được lái xe, không được tự do đi lại...

Phụ nữ Saudi Arabia bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Riyadh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Phụ nữ Saudi Arabia lần đầu trúng cử vào hội đồng địa phương
Liên minh đối lập giành đa số trong cuộc bầu cử ở Venezuela
Ngày 7/12, theo Ủy ban bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE), liên minh đối lập Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) đã giành đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội, với 112 ghế trong tổng số 167 ghế. Trong khi Đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền chỉ giành được 55 ghế. Đây là lần đầu tiên sau 16 năm liên tục, PSUV mất ưu thế đa số trong Quốc hội.

Phát biểu sau khi kết quả được công bố, Tổng thống Venezuela Maduro đã thừa nhận thất bại của PSUV, và cho rằng cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành chống nước này đã ảnh hưởng đáng kể tới kết quả cuộc bầu cử, đồng thời nhấn mạnh vận mệnh của đất nước sẽ do nhân dân quyết định.

Ông Maduro sẽ không từ bỏ theo đuổi sự nghiệp Cách mạng Bolivar, dù đảng cầm quyền PSUV thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này. Tổng thống Maduro khẳng định sẽ luôn ở bên cạnh nhân dân và cuộc Cách mạnh Bolivar sẽ bước sang một giai đoạn mới để tiếp tục thực hiện ước nguyện, khát vọng cháy bỏng của cố Tổng thống H.Chavez vì “Một thế giới tốt đẹp hơn là có thể.”

Tổng thống Maduro sẽ đối thoại với Quốc hội mới để thảo luận nhằm hợp tác giải quyết những vấn đề của quốc gia như lạm phát, tình trạng khan hiếm hàng hóa, những âm mưu gây bất bình trong dân chúng và phá hoại chính phủ.

Những người ủng hộ Liên minh đối lập mừng chiến thắng tại thủ đô Caracas, sau khi công bố kết quả. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tổng thống Venezuela cam kết đẩy mạnh Cách mạng Bolivar
Thủ tướng Đức Merkel được tạp chí Time bầu chọn là Nhân vật của năm
Tạp chí Time ngày 9/12 đã bầu chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là "Nhân vật của năm 2015," ca ngợi vai trò lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng nợ, khủng hoảng di cư ở châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trong danh sách các ứng viên rút gọn thì ngoài bà Merkel còn có Thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS Abu Bakr al-Baghdadi, ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng như chiến dịch vận động đòi bình quyền do người da màu ở Mỹ Black Lives Matter.

Theo Time thì tình thế càng khó khăn, bà Merkel càng thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình khi dẫn dắt châu Âu vượt qua được cuộc khủng hoảng đe dọa đến sự tồn vong của EU, như cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như việc triển khai quân ra nước ngoài để chống IS.

Năm nay 61 tuổi, bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức trong suốt 10 năm qua và là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Người đàn bà thép Angela Merkel - Nhân vật của năm 2015. (Nguồn: youtube.com)

Xem thêm tại đây: [Video] Người đàn bà thép Angela Merkel: Nhân vật của năm 2015
Thụy Điển long trọng tổ chức Lễ trao giải Nobel 2015 ở Stockholm
Theo truyền thống, lễ trao giải Nobel 2015 trong các lĩnh vực Y học, Văn học, Kinh tế, Vật lý và Hóa học đã được tổ chức trang trọng ở Nhà hát lớn ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12.

Sự kiện vinh danh những người giành giải Nobel hàng năm diễn ra ngày 10/12 bởi đây là ngày mất của Alfred Nobel, nhà khoa học Thụy Điển kiêm nhà sáng lập giải Nobel.

Khoảng 1.600 khách mời đặc biệt đã tham dự lễ trao giải. Tương tự như mọi năm, đại sảnh dẫn vào sân khấu chính của buổi lễ được trang hoàng bằng 20.000 bông hoa với 3 màu gồm trắng, vàng và da cam, quà tặng của chính quyền thành phố San Remo, Italy, nơi nhà khoa học Alfred Nobel qua đời năm 1896.

Quốc vương Thụy Điển Carl Gustaf XVI đã trao giấy chứng nhận và huy chương vàng cho tất cả 10 nhân vật đoạt giải Nobel năm nay cùng phần thưởng trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (tương đương 960.000 USD).

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel 2015 tại lễ trao giải ở Stockholm. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Thụy Điển long trọng tổ chức Lễ trao giải Nobel 2015 ở Stockholm
Khởi công tuyến đường ống khí đốt TAPI xuyên Á 7,6 tỷ USD
Ngày 12/12, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đã đến thành phố cổ Mary của Turkmenistan - nằm trên con đường tơ lụa cũ, để cùng với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Tổng thống nước chủ nhà Gurbanguly Berdimuhamedow tham dự lễ khởi công đường ống khí đốt TAPI (Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ) đầy tham vọng với vốn đầu tư lên tới 7,6 tỷ USD.

Đường ống TAPI dài 1.800km bắt đầu từ mỏ khí đốt Galkynysh sẽ chạy qua Afghanistan, Pakistan tới Fazilka, bang Punjab, Ấn Độ, cung cấp khí đốt cho 3 nước trong vòng 30 năm và Ấn Độ sẽ nhận khoảng 25% tổng lượng khí đốt của dự án này.

Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018 với khả năng vận chuyển 90 triệu m3 khí đốt tiêu chuẩn mỗi ngày.

TAPI được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu khí đốt của các ngành công nghiệp ở các quốc gia có tổng số dân hơn 1,5 tỷ người. Công suất hàng năm của các đường ống dẫn khí dự kiến là 33 tỷ m3.

Ảnh minh họa. (Nguồn: tribune.com.pk)

Xem thêm tại đây: Khởi công tuyến đường ống khí đốt TAPI xuyên Á 7,6 tỷ USD
Airbus vượt xa Boeing về số lượng máy bay đặt mua năm 2015
Ngày 8/12, tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu thông báo đã vượt xa đối thủ Boeing của Mỹ về số lượng máy bay đặt mua trong năm 2015.

Kể từ đầu năm 2015 đến hết tháng 11, Airbus đã nhận được đơn đặt hàng mua tổng cộng hơn 1.000 máy bay chở khách các loại, gần gấp đôi so với số lượng máy bay mà khách hàng trên toàn cầu đã đặt mua của Boeing từ đầu năm đến hết ngày 2/12. Riêng trong tháng 11 vừa qua, Airbus đã bán được 169 chiếc máy bay chở khách các loại, nâng tổng số máy bay đặt mua trong năm 2015 lên 1.079 chiếc so với 655 chiếc đặt mua của Boeing.

Dòng máy bay thân hẹp của Airbus vẫn chiếm tới gần 70% số lượng máy bay được đặt mua trong 11 tháng qua, trong đó riêng máy bay Airbus A320 đạt 876 chiếc so với 389 chiếc Boeing 737 cùng hạng của đối thủ Boeing.

Trong năm 2015, các thế hệ máy bay chở khách thân rộng như A330, A350 và A380 của Airbus đắt khách hơn so với các loại máy bay cùng hạng Boeing 747, Boeing 777 và Boeing 787 của Boeing.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Coldfusion3.com)

Xem thêm tại đây: Airbus vượt xa Boeing về số lượng máy bay đặt mua năm 2015
Mexico chính thức lưu hành vắcxin phòng virus sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới
Ngày 9/12, Mexico đã thông qua việc cho phép sử dụng Dengvaxia - vắcxin phòng virus sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới, mở ra cơ hội ngăn ngừa hàng chục triệu trường hợp nhiễm bệnh mỗi năm, tập trung chủ yếu tại các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Trong một thông cáo, Bộ Y tế Mexico (SSA) cho hay căn cứ kết quả hai năm thử nghiệm lâm sàng đối với hơn 40.000 người từ 9 tuổi trở lên tại 15 nước trên toàn thế giới, trong đó có cả người Mexico, quốc gia Bắc Trung Mỹ này đã quyết định đưa vắcxin Dengvaxia vào lưu hành.

Kết quả thử nghiệm cho thấy 70% số người tham gia thí nghiệm hoàn toàn miễn dịch với virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ phòng chống virus sốt xuất huyết của Dengvaxia là 60,8% - tương đối thấp so với các loại vắcxin khác, nhưng Dengvaxia phát huy tác dụng tối đa khi ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng - với tỷ lệ lên tới 93,2%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: bloomberg.com)

Xem thêm tại đây: Mexico chính thức lưu hành vắcxin Dengvaxia phòng sốt xuất huyết
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục