Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt

Diễn đàn Davos “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt,” tương lai tương sáng của Hiệp ước Elysée, gam màu tối của đánh bom đẫm máu tại Kabul nằm trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.
Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 48
Ngày 23 đến 26/1, hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF-48) đã diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ với sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế trên toàn cầu.

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt,” Diễn đàn Davos 2018 năm nay tập trung vào thúc đẩy sự chia sẻ, chung sức của cộng đồng quốc tế để đối phó với những thách thức toàn cầu vì lợi ích chung.

Diễn đàn WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm vừa qua ghi nhận tốc độ phục hồi rõ rệt, gam màu tươi sáng, xuất hiện trong hầu hết bức tranh kinh tế của các nước.

Từ đầu tàu kinh tế thế giới cho tới các nước phát triển và mới nổi, các hoạt động kinh tế đều được ghi nhận khả quan hơn so với dự báo ban đầu. Không chỉ Mỹ, Trung Quốc, mà châu Âu, Nhật Bản, những nền kinh tế vốn được xem có tốc độ tăng trưởng ảm đạm trong nhiều năm qua, cũng đã bứt phá và trở thành động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu khởi sắc, giúp các chuyên gia đưa ra dự báo lạc quan cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018.

Tuy nhiên, quan điểm bất đồng và rạn nứt cũng xuất hiện tại hầu hết các khu vực. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hóa manh nha trở lại.

Do dó, diễn đàn WEF lần thứ 48 này chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo kêu gọi biến năm 2018 thành năm của hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng bố và chủ nghĩa bảo hộ. Đây cũng là nơi các bên có thể tìm thấy sự đồng thuận về các giải pháp trong nỗ lực hàn gắn một thế giới còn nhiều rạn nứt.

Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt ảnh 1Chủ tịch mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cựu Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende tại buổi họp báo. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)
Đức và Pháp kỷ niệm 55 năm ngày ký Hiệp ước Elysée
Ngày 19/1-2018 Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm Pháp, nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 năm ngày ký Hiệp ước Elysée (22​/1​/1963-2018).

Nhân dịp này, Thủ tướng Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng ra Tuyên bố chung cam kết hợp tác chặt chẽ, sẵn sàng cùng giải quyết những thách thức trong thế kỷ XXI và củng cố Liên minh châu Âu (EU).

Hai nước sẽ tăng cường hội nhập kinh tế, thúc đẩy hòa hợp luật pháp song phương và thực thi chung của luật pháp EU ở các nước trong khối. Để hiện đại hóa và thúc đẩy Hiệp ước Elysée, hai nước sẽ tăng cường quan hệ giữa các xã hội dân sự, đặc biệt là giữa những người trẻ tuổi. Ngoài ra, hai nước cũng sẽ mở rộng hợp tác ngoại giao, quốc phòng, an ninh và phát triển chính sách trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, quản lý khủng hoảng hoặc viện trợ phát triển.

Hiệp ước Elysée là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tình hữu nghị Đức-Pháp và là nền tảng cho một sự tương tác rộng rãi, tin tưởng giữa quốc gia và công dân của hai nước.

Có thể thấy, tình hữu nghị giữa Đức và Pháp đã trở thành nền tảng cho sự hội nhập châu Âu kể từ sau Hiệp ước Elysée.

Pháp và Đức hiện là những đối tác chính trị quan trọng và láng giềng tin cậy. Người Pháp và người Đức được kết nối mật thiết. Chính phủ hai nước chia sẻ trách nhiệm trong việc đối mặt với nhiều thách thức ở châu Âu và trên toàn thế giới.

Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt ảnh 2Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Reuters)
Mỹ thông qua biện pháp ngắn hạn chấm dứt tình trạng Chính phủ đóng cửa
Sáng 23/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký chính thức ban hành các biện pháp ngắn hạn nhằm tài trợ cho hoạt động của chính phủ liên bang cho tới ngày 8/2 tới, động thái chấm dứt việc chính phủ nước này tiếp tục phải đóng cửa sau 3 ngày ngừng hoạt động.

Trước đó, ngày 22​/1, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn, kéo dài đến ngày 8​/2, thời điểm Quốc hội tiếp tục xem xét lại ngân sách và chính sách nhập cư.

Kết quả này có được là do các thành viên đảng Dân chủ ở Quốc hội đã chấp nhận cam kết từ phe Cộng hòa về việc sẽ bàn thảo về tương lai của những người nhập cư trái phép trẻ tuổi.

Mâu thuẫn chủ yếu dẫn đến việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong 3 ngày liên tiếp là do phe Dân chủ sử dụng thời hạn cuối để thông qua dự luật ngân sách (đêm ngày 19/1) để buộc phe Cộng hòa nhượng bộ về một số vấn đề, trong đó có việc bảo vệ cho hàng trăm ngàn người nhập cư trẻ không có giấy tờ theo "Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ” (DACA) của cựu tổng thống Barack Obama.

Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa luôn là nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử Mỹ từng ghi nhận chính phủ đã phải đóng cửa vài lần.

Gần đây nhất là vào năm 2013, chính phủ nước này đã phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của tổng thống Obama lúc bấy giờ.

Trước đó, trong hai năm 1995-1996, chính phủ Mỹ cũng phải ngừng hoạt động 21 ngày.

Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt ảnh 3Trụ sở Quốc hội Mỹ. (Nguồn: AFP)
Liên hợp quốc kêu gọi quyên góp nhân đạo 3 tỷ USD cho Yemen
Ngày 21​/1, Liên hợp quốc đã đưa ra lời kêu gọi quyên góp gần 3 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Yemen. Lời kêu gọi của LHQ nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, trong bối cảnh xung đột kéo dài dẫn tới nạn đói và dịch tả đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và đẩy cuộc sống của hàng triệu người lâm vào cảnh bấp bênh.

Năm 2017, các nhà tài trợ quốc tế đã quyên góp 1,65 tỷ USD, song vẫn chưa đạt mục tiêu 2,34 tỷ USD mà LHQ và các đối tác nhân đạo kêu gọi để hỗ trợ người dân Yemen.

Đất nước Yemen đã rơi vào cuộc nội chiến trong 3 năm qua, giữa một bên là chính phủ Yemen được sự hỗ trợ của liên minh quân sự do Arabia Saudi dẫn đầu để chống lại phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn từ Iran. Phiến quân Houthi đã chiếm đóng thủ đô Sanaa và hầu hết các thành phố phía Bắc của Yemen, và muốn khôi phục chính quyền lưu vong của Tổng thống Mansour Hadi cũng như quyền lực của chính phủ trung ương.

Trong vòng 3 năm qua, xung đột tại Yemen đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường và khoảng 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Gần 2 triệu trẻ không được đến trường, 1,8 triệu em dưới 5 tuổi thiếu ăn, trong đó 400.000 em bị suy dinh dưỡng nặng và sẽ qua đời nếu không có thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, gần 2.200 người đã chết vì dịch tả do các điều kiện vệ sinh dịch tễ xuống cấp, khoảng 8,4 triệu người đang đứng trước nguy cơ thiếu ăn, hơn 3/4 dân số Yemen (tức là 22,2 triệu người) hiện đang phải sống phụ thuộc vào viện trợ.

Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt ảnh 4Trẻ em tị nạn Yemen tại thành phố cảng Hodeidah ngày 16/11/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đánh bom đẫm máu tại Afghanistan
Ngày 27/1, một vụ nổ bom xe diễn ra tại khu vực tập trung nhiều văn phòng làm việc của các tổ chức quốc tế cũng như của chính phủ tại thủ đô Kabul, Afghanistan.

Theo các thông tin mới nhất, số người thiệt mạng trong vụ nổ bom xe tại thủ đô Kabul của Afghanistan đã lên đến ít nhất 95 người, với 158 người khác bị thương.

Thông số trên được người phát ngôn Bộ Y tế Afghanistan Waheed Majroh đưa ra, không lâu sau khi một quan chức chính phủ khác cảnh báo con số thương vong sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Vụ nổ được cho là một trong những vụ tấn công liều chết nghiêm trọng nhất tại quốc gia này trong thời gian gần đây. Kẻ đánh bom liều chết đã lái chiếc xe cấp cứu vượt qua một trạm kiểm soát an ninh để vào trung tâm thủ đô với lý do đang chở bệnh nhân.

Nhưng khi tới một trạm kiểm soát khác gần khu vực tập trung nhiều tòa nhà chính phủ và văn phòng làm việc của một số cơ quan quan trọng như Bộ Nội vụ Afghanistan, Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan, kẻ đánh bom liều chết đã bị chặn lại do có nhiều dấu hiệu tình nghi. Tên này đã cho xe phát nổ ngay sau đó.

Trong một dòng đăng tải mới trên Twitter, nhóm phiến quân Taliban đã thừa nhận gây ra vụ việc.

Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt ảnh 5Chuyển người bị thương tại hiện trường vụ đánh bom liều chết ở Kabul ngày 27/1. (Nguồn: THX/TTXVN)
Cháy bệnh viện Sejong Hàn Quốc, ít nhất 41 người chết
Sáng 26​/1 đã xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại bệnh viện Sejong ở thành phố Miryang, Hàn Quốc. Ít nhất 41 người được cho là đã thiệt mạng và khoảng 70 người bị thương trong vụ hỏa hoạn.

Trong cuộc họp khẩn cấp với các quan chức cấp cao ngày 26/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in​ đã hối thúc lực lượng chức năng nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại của vụ hỏa hoạn.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết tại cuộc họp, Tổng thống Moon Jae-in yêu cầu tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm hỗ trợ những người còn sống sót trong vụ hỏa hoạn.

Bên cạnh đó, Tổng thống còn chỉ thị Văn phòng Thủ tướng nhanh chóng xác định nguyên nhân của vụ hỏa hoạn nhằm tránh lặp lại thảm họa này trong tương lai.

Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon cũng chỉ thị các cơ quan chức năng huy động mọi nguồn lực cần thiết để cứu những người bị thương, đồng thời chỉ thị Bộ trưởng Nội vụ cùng một số quan chức cấp cao khác trong các cơ quan chính phủ hợp tác nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ hỏa hoạn. Cảnh sát Hàn Quốc cũng đã thành lập một nhóm điều tra nguyên nhân./.
Thủ đô Paris báo động vì nước lũ dâng cao
Ngày 27/1, thủ đô Paris của Pháp được đặt trong tình trạng báo động khi nước sông Seine tiếp tục dâng cao và có khả năng sẽ lên đỉnh điểm trong những ngày cuối tuần này.

Tính đến chiều 27/1, nước sông Seine dâng lên mức 5,7m, cao hơn 4m so với mực nước thông thường, đe dọa cuộc sống của người dân hai bên bờ sông.

Chuyên gia dự đoán nước sông sẽ tiếp tục dâng cao nhưng sẽ không tới mức 6,1m như năm 2016.

Bảo tàng Louvre, bảo tàng thu hút nhiều khách tham quan nhất trên thế giới, được đặt trong tình trạng báo động cao trong khi một phần của bảo tàng đã phải đóng cửa.

Hầm của nhiều tòa nhà ở thủ đô Paris đã bị ngập trong khi nước lũ cũng nhấn chìm một số tuyến đường buộc người dân phải di chuyển bằng thuyền.

Cảnh sát cho biết tổng cộng 650 người dân tại thủ đô Paris đã phải sơ tán trong khi hơn 1.400 người sống trong cảnh mất điện.

Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt ảnh 6Nước sông Seine tràn bờ gây ngập lụt tại Paris ngày 23/1. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Châu Phi "sôi sục" trước bình luận của ông Donald Trump
Ngày 25/1, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahmat cho biết, các lãnh đạo châu lục này không thể yên lặng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những lời nhận xét khiếm nhã về các nước châu Phi và Haiti.

Phát biểu với các ngoại trưởng châu Phi đang có mặt tại thủ đô Ethiopia, ông Moussa Faki Mahmat nhấn mạnh nhiều người vẫn đang "tiêu hóa" lời bình luận của ông Trump rằng các quốc gia châu lục này giống như một "nhà vệ sinh bẩn thỉu."

Trong phiên họp với các ngoại trưởng châu Phi để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) diễn ra vào ngày 28/1 tới, ông Mahmat bày tỏ châu lục này đang thực sự bị sốc vì thông điệp hận thù và phân biệt chủng tộc.

Nhiều người châu Phi đã bày tỏ sự giận dữ đối với nhận xét “đầy tính thô bạo” của Tổng thống Mỹ.

Ngày 26/1, trong phiên họp riêng bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chúc mừng người đồng cấp Rwanda Paul Kagame vừa nhậm chức chủ tịch Liên minh châu Phi (AU).

Tuy nhiên, ông Trump cũng đã phớt lờ câu hỏi của báo giới về những bình luận khiếm nhã gần đây liên quan tới các quốc gia châu Phi.

Sự kiện quốc tế 22-28/1: Davos nỗ lực vì một thế giới rạn nứt ảnh 7Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: THX/ TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục