Không khí căng thẳng trong cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ
Ứng viên Tổng thống Hillary Clinton (phải) của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa (trái) tại cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tối 19/10, hai đối thủ trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng năm 2016 là ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và đảng Cộng hòa Donald Trump đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cũng là cuối cùng trong chiến dịch vận động tranh cử quyết liệt kéo dài nhiều tháng qua.
Cuộc tranh luận diễn ra tại hội trường Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, và được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc.
Tương tự cuộc tranh luận thứ 2 cách đây 10 ngày, không khí căng thẳng có thể cảm nhận được ngay từ phút mở màn cuộc "so găng" cuối cùng khi hai ứng cử viên bỏ qua màn bắt tay khi vào khán đài.
Không khí căng thẳng vẫn tiếp tục kể cả khi cuộc tranh luận kết thúc khi hai ứng cử viên rời khỏi sân khấu mà không bắt tay nhau.
Theo kết quả thăm dò dư luận nhanh của CNN/ORC sau cuộc tranh luận, bà Clinton được đánh giá vượt trội hơn đối thủ với cách biệt 52%-39%.
Trước đó, giới chuyên gia cho rằng cuộc tranh luận cuối cùng này là cơ hội cuối cùng để ông Trump “ghi điểm” với các cử tri sau khi bị áp đảo trong 2 cuộc tranh luận trước đó.
Xem thêm tại đây: Kết thúc tranh luận Trump-Clinton: Thế trận đã định hình
Giao tranh bùng phát tại Aleppo sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực
Binh sỹ Syria ở Aleppo. (Nguồn: EPA)
Sau khi lệnh ngừng bắn đơn phương do Nga tuyên bố tại thành phố Aleppo của Syria hết hiệu lực, các vụ đụng độ ác liệt giữa lực lượng chính phủ Syria và phiến quân đã bùng phát ở một số khu vực thuộc thành phố này vào cuối ngày 22/10.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết giao tranh ác liệt đã nổ ra ở một số khu vực dọc giới tuyến chia cắt Aleppo. Các vụ nã pháo tại khu vực quận Salaheddin và Al-Mashhad do quân nổi dậy chiếm giữ đã khiến 3 người bị thương. Quận Sheikh Saeed, nơi cũng xảy ra giao tranh dữ dội, đã hứng chịu đợt không đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc.
Trước đó, quân đội Syria ngày 20/10 tuyên bố một lệnh ngừng bắn đơn phương đã có hiệu lực, tạo điều kiện cho người dân đang bị mắc kẹt ở phía Đông thành phố Aleppo rời khỏi vùng nguy hiểm và đảm bảo cho các tay súng nổi dậy rút khỏi thành phố này.
Nga và Chính phủ Syria cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn 11 giờ mỗi ngày trong 3 ngày, từ 20/10 đến hết ngày 22/10.
Xem thêm tại đây: Giao tranh bùng phát ở Aleppo sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực
Lực lượng Iraq đạt bước tiến nhanh trong việc giải phóng thành phố Mosul, IS "điên cuồng" tàn sát dân
Binh sỹ Iraq trong chiến dịch truy quét IS tại Qayyarah, Mosul ngày 20/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 17/10, Lầu Năm Góc khẳng định các lực lượng Iraq đang đã vượt trước kế hoạch sau ngày đầu tiên của chiến dịch giành lại thành phố miền Bắc Mosul từ tay nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đến ngày 22/10, các lực lượng an ninh Iraq đã đánh bật IS và giành lại một số thị trấn gần thành phố Mosul, trong bối cảnh cuộc tấn công lớn của chính quyền nhằm vào nhóm thánh chiến này tại Mosul tiếp tục thu được kết quả.
Nguồn tin giấu tên từ Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Nineveh cho biết, vào lúc rạng sáng, quân đội Iraq đã tấn công thị trấn Hamdaniyah, cách thành phố Mosul 40 km về phía Đông Nam, từ một số hướng và giành lại thị trấn này sau khi giao tranh dữ dội với những phần tử IS.
Ngày 22/10, đài truyền hình CNN (Mỹ) dẫn một nguồn tin tình báo Iraq cho biết nhóm IS đã hành quyết hơn 280 người đàn ông và trẻ em trai ở thành phố Mosul giữa lúc quân đội Iraq thực hiện cuộc tấn công nhằm đánh bật những phần tử thánh chiến ra khỏi thành phố này.
IS được cho là đã sử dụng một xe ủi để lấp thi thể của những người bị hành quyết này trong một ngôi mộ tập thể ở phần phía Bắc của Mosul
Theo CNN, những nạn nhân nêu trên bị sử dụng như một lá chắn sống trước các vụ tấn công của các lực lượng Iraq và tay súng người Kurd nhằm vào IS.
Xem thêm tại đây: Quân đội Iraq còn cách Mosul 40km, IS "điên cuồng" tàn sát dân
Sứ mệnh thứ hai lên Sao Hỏa của ESA thất bại vì tàu đổ bộ nổ tung
Hình ảnh minh họa module của tàu đổ bộ Schiaparelli khi hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa. (Nguồn: Reuters)
Trung tâm điều hành bay của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 21/10 cho biết module đổ bộ Schiaparelli có thể đã đâm xuống và nổ tung trên Sao Hỏa.
Như vậy đây là nỗ lực thứ 2 của châu Âu nhằm đổ bộ xuống bề mặt Sao Hỏa nằm cách Trái Đất 170 triệu km bị thất bại.
Giám đốc phụ trách Schiaparelli thuộc ESA Thierry Blancquaert cho biết một bức ảnh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chụp địa điểm hạ cánh theo kế hoạch cho thấy con tàu nặng 600 kg này đã hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa nhanh hơn dự kiến.
Bức ảnh cho thấy một điểm trắng, được cho là dù của module, trải ra trên bề mặt Hành tinh Đỏ, và cách điểm trắng khoảng 2km là một mảng đen lớn hơn với đường viền mờ khoảng 15-40m, được cho là điểm rơi của Schiaparelli.
Quan chức ESA cho rằng vệt đen lớn hơn kích thước module đổ bộ Schiaparelli do đó có thể module này đã bị vỡ tung.
Xem thêm tại đây: Tàu đổ bộ Schiaparelli của châu Âu nổ tung trên bề mặt Sao Hỏa
Rơi máy bay trực thăng Mi-8 tại Nga, ít nhất 21 người thiệt mạng
Một máy bay trực thăng Mi-8 của Nga. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 22/10, Ủy ban Điều tra Nga cho biết đã tiến hành điều tra hình sự vụ rơi máy bay trực thăng Mi-8 tại làng Urengoy thuộc huyện Purovsky ở Khu tự trị Yamalo-Nenets của nước này tối 21/10 khiến 21 người thiệt mạng.
Theo ủy ban trên, nguyên nhân dẫn đến vụ rơi máy bay trên có thể do vi phạm các quy định an toàn bay, lỗi kỹ thuật hoặc điều kiện thời tiết.
Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết sương mù và tầm nhìn hạn chế đã gây cản trở cho quá trình tìm kiếm và cứu nạn tại hiện trường chiếc máy bay rơi.
Bộ này đã nhận được thông tin về việc một trực thăng gặp sự cố trong quá trình hạ cánh, cách làng Urengoy khoảng 80km. Khi gặp nạn, chiếc máy bay chở 22 người này đang bay từ vùng Krasnoyarsk của Siberia đến thị trấn Urengoy ở Khu tự trị Yamalo-Nenets.
Xem thêm tại đây: Nga điều tra hình sự vụ rơi máy bay trực thăng Mi-8 làm 21 người chết
Ai đứng đằng sau vụ tấn công mạng gây chấn động nước Mỹ?
Tối 21/10, một loạt vụ tấn công mạng diễn ra đồng thời đã làm gián đoạn hàng trăm trang web lớn của Mỹ từ Amazon đến Twitter bị gián đoạn hoạt động trong một thời gian dài - và WikiLeaks tin rằng những người ủng hộ trang web này là những người chịu trách nhiệm gây ra loạt vụ tấn công mạng gây chấn động nước Mỹ.
Trang mạng này đã hối thúc những người ủng hộ "dừng đánh sập mạng Internet ở Mỹ" và cho biết "ông Assange (nhà sáng lập WikiLeaks) vẫn còn sống và WikiLeaks vẫn còn xuất bản."
Sau đó, trên một thông điệp phát trên mạng Twitter, trang mạng này tuyên bố: "Chính quyền Tổng thống Obama không nên cố gắng sử dụng trái phép các công cụ của nhà nước để ngăn chặn những lời chỉ trích của ứng cử viên đảng cầm quyền (tức tỷ phú Donald Trump)."
Mặc dù các cơ quan liên bang Mỹ cho đến nay vẫn còn điều tra và chưa có bất kỳ tuyên bố về thủ phạm gây ra sự cố tấn công mạng hàng loạt các trang web ở Bờ Đông nước này, song các tuyên bố nhận trách nhiệm trên của trang WikiLeaks không phải là không đáng tin.
Xem thêm tại đây: Ai đứng đằng sau vụ tấn công mạng gây chấn động nước Mỹ?
Thái Lan để tang Nhà vua 15 ngày trước khi người kế vị lên ngôi
Người dân Thái Lan đến viếng Nhà vua Bhumibol Adulyadej tại Hoàng cung ở thủ đô Bangkok ngày 15/10. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ngày 18/10, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết nước này phải để tang Nhà vua Bhumibol Adulyadej trong ít nhất là 15 ngày trước khi người kế vị có thể lên ngôi.
Phát biểu trước các phóng viên sau một cuộc họp nội các, ông Prayuth Chan-ocha cho biết: "Về vấn đề kế vị, theo quy định của Hiến pháp, người dân Thái Lan ở trong và ngoài nước không nên lo lắng hay lo ngại. Sau lễ tang ít nhất 15 ngày sẽ là thời điểm thích hợp để thực hiện mục 23 của Hiến pháp."
Hồi tuần trước, Thủ tướng Thái Lan cho biết lễ đăng cơ của Hoàng Thái tử Vajiralongkorn sẽ diễn ra một năm sau khi hỏa táng Nhà vua Bhumibol.
Tuy nhiên, Hoàng Thái tử có thể trở thành vua trước khi đăng quang chính thức.
Nhà vua Bhumibol đã băng hà vào ngày 13/10 ở tuổi 88 sau 7 thập kỷ trị vì đất nước Thái Lan.
Xem thêm tại đây: Chính phủ Thái Lan cảnh báo về nguy cơ bất ổn, kêu gọi đoàn kết
Giải Futsal vô địch Đông Nam Á 2016 bị hủy bỏ
Tuyển bóng đá Futsal Việt Nam tại giải Futsal World Cup. (Nguồn: Getty Images)
Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) ngày 21/10 thông báo giải Futsal vô địch Đông Nam Á 2016 sẽ bị hủy bỏ do không tìm được quốc gia phù hợp để đăng cai giải đấu.
Giải Futsal vô địch Đông Nam Á 2016 vốn được lên kế hoạch tổ chức từ ngày 31/10-8/11 tới tại Thái Lan.
Tuy nhiên, với biến cố Nhà Vua Bhumibol Adulyadej băng hà, nước này quyết định không tổ chức các hoạt động giải trí trong khoảng một năm để để tang vị vua được người dân tôn kính và yêu mến nhất lịch sử Đất nước Chùa Vàng.
Sau khi Thái Lan bất khả kháng không thể đăng cai giải, AFF đã liên hệ với giới chức Indonesia và Singapore, tuy nhiên, cả hai nước trên đều từ chối tổ chức sự kiện này vì những lý do khác nhau.
Xem thêm tại đây: AFF thông báo hủy bỏ giải Futsal vô địch Đông Nam Á 2016