Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc

Tình hình căng thẳng tại Iran, quan hệ EU-Cuba, Mỹ cắt viện trợ Pakistan, tuyết rơi tại Florida của Mỹ là những sự kiện thế giới đang quan tâm trong tuần qua.
Bất ổn ở chính trị ở Iran
Ngày 30​/12​/2017, các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Mashhad - thành phố lớn thứ 2 của Iran, sau đó đã lan rộng ra các thành phố khác. Bạo loạn và đụng độ trong biểu tình đã diễn ra một số tỉnh, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.

Nguyên nhân của các cuộc biểu tình được cho là nhằm phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Hassan Rouhani. Tổng thống Rouhani lên nắm quyền từ năm 2013 với cam kết cải thiện nền kinh tế và giảm căng thẳng xã hội.

Tuy nhiên, giá cả sinh hoạt tăng và nạn thất nghiệp đã gây cảm giác rằng tiến bộ diễn ra quá chậm chạp. Khu vực nông thôn, sau nhiều năm bị hạn hán và thiếu đầu tư, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó tại thủ đô Tehran, cũng có những người phàn nàn về tình trạng thất nghiệp, hiện đã gần tới 30% trong giới trẻ.

Do đó, những người biểu tình đã đưa ra yêu sách buộc chính quyền phải cải thiện điều kiện sống của người dân, giải quyết tình trạng thất nghiệp và tham nhũng kinh tế...

Trước tình hình bạo động, ngày 1​/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố người dân có quyền thể hiện quan điểm, song mọi hành động không được dẫn tới bạo lực và không được làm tổn hại tới tài sản công cộng, đồng thời ông cũng khẳng định lực lượng chức năng nước này sẽ trừng trị "những đối tượng gây rối và vi phạm pháp luật."
 
Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc biểu tình lần này có sự can thiệp từ bên ngoài khi Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ, Israel và Saudi Arabia đang hậu thuẫn để làm mất ổn định tại Iran bởi từ lâu nay, Mỹ và Israel đều coi Iran là mối đe dọa lớn ở Trung Đông.

Tuy nhiên đến ngày 3​/1, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố làn sóng biểu tình đã kết thúc.

Nhưng những biến động vừa qua ở Iran đã cho thấy nhiều thách thức đang chờ đón tổng thống Rouhani trong năm 2018 cả trong nội bộ về kinh tế, chính trị cũng như ảnh hưởng của vòng xoáy bất ổn khu vực và sự can thiệp từ bên ngoài.

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 1Người dân biểu tình phản đối các vấn đề về kinh tế ở Tehran, Iran ngày 30/12/2017. (Nguồn AFP/TTXVN)
Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc
Ngày 3​/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh mở đường dây nóng liên lạc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, tại làng đình chiến Palmunjom - biên giới giữa hai nước - để hai bên có thể liên hệ về thời điểm thích hợp đàm phán và gửi đoàn tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang sắp diễn ra tại Hàn Quốc.

Quyết định này đã cho thấy những nỗ lực của cả hai bên trong việc hàn gắn quan hệ vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016.

Ngay lập tức, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của​ Triều Tiên về việc mở lại đường dây nóng liên lạc giữa hai nước, gọi đây là một sự kiện “có ý nghĩa rất quan trọng” hướng tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên trên Bán đảo Triều Tiên.

Phía Hàn Quốc còn đề nghị nối lại đàm phán liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 9​/1 tới.

Dư luận hy vọng, nếu đề xuất đàm phán liên Triều vào ngày 9-1 tới thành hiện thực, đây sẽ là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2015.

Và nếu mọi chuyện suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên phái đoàn Triều Tiên tham dự một kỳ Olympic được tổ chức tại Hàn Quốc. Trước đó, Bình Nhưỡng đã tuyên bố tẩy chay Olympic Seoul 1988.

Các nhà phân tích cho rằng, kỳ Olympic Pyeongchang 2018 sắp tới tại Hàn Quốc sẽ trở thành “chất xúc tác” giúp tháo gỡ thế bế tắc nhiều năm nay liên quan tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bởi hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 2Binh sỹ Triều Tiên gác tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Căng thẳng trong quan hệ đồng minh Mỹ-Pakistan
Ngày 4​/1, Mỹ đã quyết định chính thức đình chỉ viện trợ an ninh cho các lực lượng Pakistan lên tới 255 triệu USD.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc đình chỉ viện trợ này sẽ kéo dài đến khi Pakistan có hành động kiên quyết chống phiến quân Taliban và nhóm Haqqani - những tổ chức mà Washington coi là tác nhân gây mất ổn định khu vực và nhằm mục tiêu vào người Mỹ.

Lâu nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan được giới quan sát ví như “răng với môi.”

Mặc dù là một đất nước có vị thế chính trị không ổn định, song Pakistan lại là nơi Mỹ quan tâm đầu tiên trong chiến lược của mình. Sau vụ khủng bố ngày 11​/9/2001 ở New York, Mỹ đã phát động một cuộc chiến chống lực lượng Al Qaeda của trùm khủng bố Osama bin Laden và phiến quân Taliban ở Afghanistan.

Chính cuộc chiến này đã khiến sự hợp tác lâu dài với Pakistan ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Mỹ. Mỹ còn dành cho Pakistan khoản viện trợ an ninh, thường được dùng để trang trải cho các vụ chuyển giao trang thiết bị quân sự và tài trợ những chiến dịch chống khủng bố của quốc gia Nam Á này.

Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan đã nảy sinh sau khi tổng thống Mỹ Trump trong bài phát biểu về chính sách đối với Afghanistan đã cáo buộc Pakistan chứa chấp các nhóm cực đoan thường xuyên thực hiện các vụ tấn công qua biên giới nhằm vào binh sỹ Mỹ và Afghanistan, đồng thời cảnh báo rằng quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ bị hủy hoại nếu điều này tiếp diễn.

Và việc đình chỉ viện trợ an ninh cho Pakistan chính là một động thái mạnh mẽ của Mỹ nhằm gây áp lực buộc Pakistan phải có "hành động kiên quyết" chống phiến quân Taliban tại nước này.

Tuy nhiên, Pakistan liên tục bác bỏ cáo buộc của Mỹ và khẳng định nước này tham gia đầy đủ vào nỗ lực chống khủng bố toàn cầu.

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 3Lực lượng an ninh Pakistan tuần tra tại Jamrud thuộc khu vực Khyber. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Liên minh châu Âu (EU) tăng cường quan hệ với Cuba
Trong hai ngày 3 và 4​/1, Đại diện cấp cao phụ trách Đối ngoại và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã có chuyến thăm Cuba. Đây là chuyến thăm chính thức Cuba lần thứ 3 của bà trong vòng 2 năm trở lại đây.

Trong chuyến thăm lần này, bà Mogherini đã công bố 3 dự án đầu tư mới của EU vào Cuba có tổng trị giá 49 triệu euro, quyết định của 2 bên về việc tổ chức Hội đồng chung lần đầu tiên vào tháng 2, và một số dự án hợp tác văn hóa sẽ triển khai trong năm nay.

Ngoài ra, trong chuyến thăm này, bà Mogherini cũng tái khẳng định quan điểm của EU phản đối chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba, với nhận định đây là “chính sách của thế kỷ trước,” đồng thời cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Cuba trong cuộc đấu tranh chống chính sách thù địch phi lý này.

Có thể thấy, sau nửa thập kỷ lạnh nhạt, quan hệ giữa EU và Cuba giờ đây đã mở ra một chương mới.

Trải qua 7 vòng đàm phán, ngày 5​/7​/2017, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác EU-Cuba (PDCA) và bắt đầu áp dụng tạm thời vào ngày 1​/11/2017.

Thỏa thuận này được coi là khung pháp lý để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai và là hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương.

Và chuyến thăm của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini trong thời điểm này được xem là nền tảng để hai bên xây dựng mối quan hệ mới, trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và hiệu quả.

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 4Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Federica Mogherini. (Nguồn: cubanews.acn.cu)
Chuyển giao cương vị Tổng Thư ký ASEAN cho ông Dato Lim Jock Hoi
Ngày 5/1, tại Trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta đã diễn ra lễ chuyển giao cương vị Tổng Thư ký ASEAN cho ông Dato Lim Jock Hoi.

Buổi lễ có sự tham dự của Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, các quan chức Indonesia, các Đại sứ, đại diện Phái đoàn các nước thành viên ASEAN, các nước đối tác...

Tân Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi chia sẻ: “Tôi vinh dự và tự hào được đảm nhận cương vị Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2018-2023. Tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính phủ, Bộ Ngoại giao Indonesia, các thành viên Ban thư ký để giúp tôi thực hiện công việc của mình, tôi hy vọng sẽ cùng với các bạn vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới."

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 5Tân Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)
Samsung trở thành nhà sản xuất thiết bị bán dẫn số 1 thế giới
Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đã vượt qua đối thủ Intel của Mỹ trở thành nhà sản xuất các thiết bị bán dẫn số 1 thế giới trong bối cảnh ngành kinh doanh thiết bị bán dẫn đang trong giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ.

Kết quả nghiên cứu của hãng tư vấn Gartner công bố ngày 4/1 cho thấy Tập đoàn điện tử Samsung đã chiếm được thị phần nhiều nhất và chiếm vị trí số 1 của Tập đoàn Intel. Đây là lần đầu tiên, "gã khổng lồ" Intel bị mất vị trí đứng đầu trong ngành sản xuất thiết bị bán dẫn kể từ năm 1992.

Theo tính toán của Gartner, tổng giá trị thị trường thiết bị bán dẫn đã tăng 22% lên mức 419,7 tỷ USD trong năm 2017 do sự bùng nổ tiêu thụ các sản phẩm điện thoại thông minh và các thiết bị kết nối khác. Doanh thu của Samsung đã tăng 52,6% lên 61,2 tỷ USD, chiếm 14,6% thị phần thế giới, trong khi doanh thu của đối thủ Intel chỉ tăng 6,7% lên mức 57,7 tỷ USD, tương đương 13,8% thị phần các thiết bị bán dẫn của thế giới.

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 6(Nguồn: NDTV)
Thêm hai huyền thoại âm nhạc được phong tước Hiệp sỹ Anh
Tay trống Ringo Starrr của "Tứ quái" The Beatles và ca sỹ/nhạc sỹ Barry Gibb - thủ lĩnh của ban nhạc Bee Gees đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sỹ trong lễ vinh danh Năm mới 2018.

Ringo Starrr, 77 tuổi, tên thật là Richard Starkey, gia nhập The Beatles vào năm 1962, thay thế cho tay trống cũ Pete Best. Ông đôi khi cũng đảm nhiệm vai trò ca sỹ chính trong một số ca khúc như ''Yellow Submarine'' hay ''With a Little Help from my Friends.''

Ringo Starr từng hai lần được lưu danh tại Đại sảnh danh vọng Rock and Roll, lần đầu tiên cùng các thành viên The Beatles năm 1988, và lần thứ hai vào năm 2015 nhờ sự nghiệp cá nhân sau khi ban nhạc tan rã.

Trong khi đó, nhạc sỹ Barry Gibb, 71 tuổi, là người đã lập nên ban nhạc Bee Gees cùng các anh em trai Robin và Maurice. Ban nhạc của ông từng cho ra đời nhiều ca khúc kinh điển vẫn còn được ưa chuộng ở thời điểm hiện tại như ''Stayin’ Alive'' hay ''Night Fever.''

Cùng được phong tước Hiệp sỹ Anh nhân dịp này còn có nhà văn Michael Morpurgo, 74 tuổi, nổi tiếng thế giới với những tiểu thuyết cho trẻ nhỏ như ''War Horse.''

Trong khi đó, nữ diễn viên ballet Darcey Bussell được phong tước Quý bà. Nghệ sỹ Bussell, 48 tuổi, từng là vũ công chính trong đoàn ballet Hoàng gia Anh và hiện là một trong bốn giám khảo của cuộc thi khiêu vũ Strictly Come Dancing do đài BBC tổ chức.

Lễ vinh danh đầu năm mới với các tước hiệu Hiệp sỹ và Quý bà ở Anh được ra đời từ thời Nữ hoàng Victoria ở thế kỷ 19, nhằm ghi nhận những đóng góp quý giá của các cá nhân đối với vị thế của Đảo quốc Sương mù trên nhiều lĩnh vực.​

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 7Ringo Starr (phải) và Barry Gibb. (Nguồn: Getty)
Tiểu bang Florida của Mỹ có tuyết rơi sau gần 30 năm
Ngày 3/1, lần đầu tiên trong vòng gần 30 năm qua, người dân ở khu vực phía Bắc tiểu bang Florida (Mỹ) mới lại chứng kiến cảnh tượng tuyết rơi do ảnh hưởng của đợt thời tiết lạnh sâu đang tác động tới toàn bộ khu vực Bờ Đông của quốc gia này.

Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo gió đông mạnh mang theo tuyết dày đặc và băng giá tới các khu vực trải dài từ Florida ở phía Đông Nam ngược lên New England và khu vực Đông Bắc trong hai ngày 3 và 4/1.

Ở thành phố Tallahassee, thủ phủ phía Bắc của tiểu bang Florida, lượng tuyết đo được vào sáng 3/1 là 2,54cm. Các bản tin dự báo thời tiết đều đưa ra cảnh báo nhiệt độ ban đêm tại thành phố này có thể giảm xuống dưới 0 độ C.

Nhiều tuyến đường ở phía Bắc Florida và Đông Nam bang Georgia đã bị cấm giao thông trong khi giới chức Georgia cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực duyên hải.

Vốn được mệnh danh là "tiểu bang của ánh nắng Mặt Trời" nên tuyết rơi tại Florida sau gần ba thập kỷ được xem như hiện tượng thời tiết thú vị với hầu hết người dân sinh sống trên miền đất quen thuộc hơn với những cơn bão này.

Sự kiện quốc tế 1-7/1: Bất ổn chính trị Iran, Hàn Triều nối liên lạc ảnh 8Băng giá bám trên tấm biến chỉ đường ở Florida. (Nguồn: AP)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục