Sự kiện Đồi Capitol: Sụp đổ từ bên trong của hệ thống chính trị Mỹ?

Đám đông chưa từng thấy ở Đồi Capitol, một biểu tượng của hệ thống Mỹ, là kết quả của sự chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Mỹ và sự thất bại của chính quyền Mỹ trong việc kiểm soát sự chia rẽ đó.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung gần tòa nhà Quốc hội ở Washington DC., hôm 6/1. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng globaltimes.cn/Đài RFI, những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 trong một nỗ lực để ngăn cản ông Joe Biden được xác nhận giành chiến trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020.

Mặc dù tình hình nhanh chóng được kiểm soát, các chính trị gia và dư luận đã lên án cuộc bạo loạn, Quốc hội đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden sau đó, song những tác động sâu rộng của vụ việc có thể không kiểm soát được.

Rõ ràng vụ việc không thể chỉ đơn giản được coi là một vở hài kịch do ông Trump xúi giục với ảnh hưởng cá nhân của mình sau khi thất cử. Chúng ta cũng không thể dễ dàng đi đến kết luận rằng chiến thắng của ông Biden là một sự sửa chữa sai lầm thành công hay sự hỗn loạn gây ra bởi cuộc bầu cử sẽ kết thúc sau hai tuần nữa.

Đám đông chưa từng thấy ở Đồi Capitol, một biểu tượng của hệ thống Mỹ, là kết quả của sự chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Mỹ và sự thất bại của chính quyền Mỹ trong việc kiểm soát sự chia rẽ đó.

Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách “Tổng thống của nhân dân” với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sỹ ở Georgia rơi vào tay Dân chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 năm, giờ đã mất tất cả.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi không tiến hành biểu tình]

Trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống thứ 45, có lẽ hình ảnh ngày 6/1/2021 sẽ đọng lại rõ hơn cả những thành tích kinh tế trong 3 năm trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) bùng phát ở Mỹ.

Đó là hình ảnh của một tổng thống luôn từ chối thừa nhận thất bại, đích thân cổ vũ hàng chục nghìn người ủng hộ ông tham dự mittinh ở Nhà Trắng kéo đến Đồi Capitol để phản đối Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử.

Vị Tổng thống Cộng hòa hoàn toàn đúng khi đòi kiểm lại phiếu trước kết quả sát nút và kiện ra tòa, đó là quyền của ông. Nhưng khi gây áp lực lên các dân biểu, thượng nghị sỹ trong đảng và thúc đẩy người ủng hộ tiến về Washington, ông đã đi quá lố, theo Le Figaro.

Thật ra hồi năm 2000, sau 5 tuần lễ tranh chấp về phiếu bầu và cả tư pháp, ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore mới chịu “chấp nhận” quyết định của Tòa án Tối cao, nhận thất bại trước ông George W. Bush. Còn ông Donald Trump hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử vẫn nhất quyết không công nhận kết quả.

Le Monde cho rằng Tổng thống Donald Trump tự giam hãm trong ảo ảnh trước làn sóng người ủng hộ luôn đông đảo, tờ báo gọi đây là “vụ phá hoại cuối cùng” của ông Trump, “Tổng thống có khuynh hướng nổi dậy.”

Trong khi đó, theo Thời báo Hoàn Cầu, dù việc xông vào tòa nhà Quốc hội là điều không thể chấp nhận được, nhưng rạn nứt ở Mỹ là quá sâu sắc. Sự thông cảm nói trên không đủ để xoa dịu cảm xúc của kẻ bại trận và những người ủng hộ ông.

Việc phe bại trận liên tục phủ nhận và công kích kết quả bầu cử sẽ để lại dấu hằn về lâu dài. Nó sẽ đặt ra một thách thức đối với thẩm quyền của chính quyền ông Biden và làm suy yếu sức mạnh của họ.

Một số chính khách Mỹ cũng lên án sự hỗn loạn ở Đồi Capitol là một cuộc tấn công vào nền dân chủ Mỹ, như thể nền dân chủ của nước này vẫn còn nguyên vẹn và các cuộc tấn công chủ yếu đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, nó đại diện cho một sự sụp đổ bên trong của hệ thống chính trị Mỹ - và đây mới là mấu chốt của vấn đề.

Mỹ vẫn là một quốc gia hùng mạnh. Sức mạnh của họ là một di sản được tạo ra bởi các thế hệ người dân Mỹ đi trước. Theo thời gian và với sự lạm dụng các nguồn tài nguyên của các thế hệ chính trị gia, hệ thống chính trị Mỹ đã xuống cấp. Những người ủng hộ ông Trump đã biến thành "đám đông" - đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội Mỹ.

Mỗi quốc gia đều có những điểm yếu và vấn đề riêng. Suy thoái chính trị ở Mỹ không hẳn là một căn bệnh nan y. Có lẽ vấn đề thực sự khiến Mỹ đau đầu là giới tinh hoa của nước này quá kiêu ngạo.

Họ tin rằng “yếu trâu còn hơn khỏe bò” và cho dù nền dân chủ của Mỹ có thối nát đến đâu, nó vẫn vượt trội hơn so với hệ thống chính trị của các nước khác. Các chính trị gia của Mỹ cũng ích kỷ. Họ không sẵn sàng đi đầu trong việc thúc đẩy các cải cách thực sự.

Đáng kinh ngạc hơn, ngay cả sau khi sự hỗn loạn về thể chế bên trong nước Mỹ nổi lên, giới tinh hoa Mỹ không có ý định suy ngẫm về điều đó mà thay vào đó vẫn quan tâm đến việc tấn công các nước khác. Trong vài năm qua, công bằng mà nói, các hành động xúc phạm ý thức hệ của Mỹ đối với Trung Quốc đã đạt đến “đỉnh cao.”

Bất chấp sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, họ cho rằng Trung Quốc không có giá trị chính trị. Việc phủ nhận Trung Quốc càng làm suy yếu khả năng phân biệt đúng sai về mặt chính trị của họ.

Xã hội Mỹ thực sự cần phải xem xét lại chính mình. Hệ thống chính trị từng một thời rất hùng mạnh nhưng giờ đây đã lỗi thời. Giới tinh hoa Mỹ nên đối mặt với những sai lầm của đất nước họ và ngừng che đậy các vấn đề của riêng họ bằng các cuộc xung đột cực đoan hoặc sử dụng đối đầu quốc tế để tạo ra một sự cân bằng méo mó.

Nước Mỹ cần cải tổ. Tự đổi mới không chỉ là một yêu cầu đối với các nước đang phát triển. Hiện có nhiều dấu hiệu trên khắp thế giới cho thấy Mỹ và phương Tây cần phải táo bạo và hướng nội như các nước đang phát triển.

Sự phát triển của xã hội loài người đòi hỏi tất cả các quốc gia phải khiêm tốn và học hỏi những điểm mạnh của nhau. Không ai được coi sự giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau như một trò chơi có tổng bằng không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục