BlackPink: Cơ hội cho du lịch, văn hóa từ các show giải trí quốc tế

Sự kiện BlackPink: Có là 'cú hích' cho công nghiệp văn hóa Việt Nam

Lợi ích khi nhóm nhạc đến biểu diễn tại Việt Nam là điều rất rõ ràng. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã biết cách tận dụng cơ hội từ những chương trình biểu diễn quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước?
Trong 2 ngày diễn ra concert BlackPink, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng hơn 170.000 lượt, tổng doanh thu ước đạt 630 tỷ đồng tăng hơn 25% so với trung bình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thông tin từ Sở du lịch Hà Nội, trong 2 ngày diễn ra concert BlackPink, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng hơn 170.000 lượt, tổng doanh thu ước đạt 630 tỷ đồng. So với mức trung bình, cả lượng khách lẫn doanh thu của 2 ngày này đều tăng hơn 25%.

Đây là tính con số nhìn thấy và đong đếm ngay được. Ngoài ra còn rất nhiều lợi ích có thể tới, nếu chúng ta biết khai thác.

Về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

‘Phát lộ’ tiềm năng thị trường nghệ thuật Việt Nam

- Thưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, với hiệu ứng Black Pink vừa qua, ông có cảm nhận như thế nào về nhu cầu và khả năng chi trả cho việc thưởng thức âm nhạc, giải trí của khán giả Việt Nam?

Ông Bùi Hoài Sơn: Hiệu ứng Black Pink tại Hà Nội có thể cho thấy sức hút lớn của nhóm nhạc nữ này đối với người hâm mộ. Điều này thể hiện sự đa dạng trong thị hiếu âm nhạc của người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung và khả năng tiếp cận, tiêu thụ những sản phẩm âm nhạc quốc tế phổ biến.

Dù giá vé không hề rẻ song một bộ phận khán giả vẫn sẵn sàng chi trả để thưởng thức những trải nghiệm âm nhạc chất lượng và đáng nhớ. Nhu cầu này cũng chứng minh tiềm năng của thị trường nghệ thuật Việt Nam. Nếu chúng ta có đủ những sản phẩm chất lượng, chú tâm nhiều hơn đến công nghiệp giải trí, chúng ta hoàn toàn có cơ hội trong việc khai thác, quảng bá những giá trị văn hóa, nghệ thuật Việt Nam như những gì BlackPink đã làm được.

- Theo ông, Việt Nam có thể hưởng lợi như thế nào từ những chương trình biểu diễn của ngôi sao quốc tế?

Ông Bùi Hoài Sơn:Chúng ta đã tận mắt chứng kiến sức hút của BlackPink tại Việt Nam lớn đến mức thế nào. Khách sạn cháy phòng, máy bay cháy vé, sân vận động bùng nổ, cả các trang mạng xã hội cũng nhuộm màu hồng của nhóm nhạc này. Thành phố Hà Nội cũng được hưởng lợi rất nhiều từ sự kiện âm nhạc quốc tế của BlackPink, cả ở khía cạnh kinh tế lẫn thương hiệu.

Đêm nhạc BlackPink để lại nhiều bài học quý giá cho công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hai đêm diễn thành công của BlakPink tại Hà Nội mang lại nhiều trải nghiệm, bài học về thương trường và tận dụng cơ hội quảng bá, cạnh tranh cho Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung. Sự hiện diện của BlackPink tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cả quốc tế. Điều này không chỉ tạo nên cơ hội giới thiệu hình ảnh hội nhập của Thủ đô mà nếu tận dụng tốt sẽ còn giúp nâng cao danh tiếng ngành công nghiệp giải trí nước nhà.

‘Trông người mà ngẫm đến ta’

- Qua sự kiện Black Pink, các đơn vị tổ chức dàn dựng ở Việt Nam có thể học được điều gì và rút ra kinh nghiệm gì cho mình, đặc biệt là vấn đề bản quyền và sự chuyên nghiệp khi hợp tác với nước ngoài?

Ông Bùi Hoài Sơn: Chắc chắn chúng ta sẽ học được rất nhiều điều từ sự kiện này ở Việt Nam. Những bài học này giúp chúng ta hội nhập nhanh với với ngành công nghiệp giải trí trên thế giới, tạo nên sức mạnh mềm của đất nước và lan tỏa sức mạnh ấy sang các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Không khí náo nhiệt, sôi động khiến khán giả 'đứng ngồi không yên'. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đầu tiên, có thể thấy rõ là đơn vị tổ chức cần chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp trong mọi khía cạnh, từ việc chuẩn bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng, an ninh, đến phục vụ khách hàng và quản lý sự kiện. Sự chuyên nghiệp là yếu tố quyết định thành công của một sự kiện lớn.

Không chỉ những hoạt động trực tiếp liên quan đến nhóm nhạc, địa phương tổ chức sự kiện cũng cần chú ý đến những chi tiết bên ngoài, nhưng cũng quan trọng không kém là tranh thủ quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch-văn hóa.

Hợp tác với nghệ sỹ và đơn vị tổ chức nước ngoài cũng cần được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ đáng tin cậy. Tạo dựng sự tín nhiệm và đối tác đáng tin cậy trong việc chia sẻ thông tin, tài chính và quản lý sự kiện là điều quan trọng.

[Sự kiện BlackPink: Có là 'cú hích' cho công nghiệp văn hóa Việt Nam?]

Qua sự kiện BlackPink, chúng ta lại có thêm bài học về vấn đề bản quyền. Bản quyền có ý nghĩa rất lớn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tôn trọng bản quyền là tôn trọng “luật chơi” quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới có thể bước ra hội nhập với thế giới. Các đơn vị tổ chức nên đảm bảo đã hoàn thành và xử lý các thủ tục liên quan đến bản quyền một cách kỹ lưỡng, tránh để việc này kéo dài đến phút cuối cùng, dẫn đến rắc rối về pháp lý.

- Cụ thể thì nền công nghiệp văn hóa Việt Nam học có thể được gì từ công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, thưa ông?

Ông Bùi Hoài Sơn: Chúng ta có thể học cách tạo ra nội dung giải trí chất lượng và sáng tạo, đầu tư vào việc phát triển năng lực của các nghệ sỹ và nhóm nhạc, xây dựng hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của khán giả trong và ngoài nước.

Công nghiệp giải trí Hàn Quốc cũng có thể cung cấp kinh nghiệm về quản lý và tiếp thị, quảng bá nhanh chóng và hiệu quả qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Việc thúc đẩy du lịch bằng cách tận dụng sức hút của công nghiệp giải trí cũng là một khía cạnh mà Việt Nam có thể học tập từ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, trong quá trình học tập từ nước ngoài, chúng ta vẫn cần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của mình. Sự đa dạng và độc đáo của văn hóa Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch và cung cấp trải nghiệm khác biệt.

- Hàn Quốc có sự đầu tư rất rõ ràng cho công nghiệp văn hóa và đã bắt đầu từ cách đây 50 năm để có được thành quả khiến thế giới ngưỡng mộ như ngày nay. Việt Nam đã có chủ trương, chiến lược từ năm 2016 song dường như còn quá nhiều rào cản để có thể phát triển công nghiệp văn hóa?

Ông Bùi Hoài Sơn:Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, nhiều yếu tố đồng thuận và xây dựng một cơ sở hạ tầng văn hóa vững chắc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù Việt Nam đã có chủ trương và chiến lược cho việc phát triển công nghiệp văn hóa từ năm 2016, nhưng có thể thấy chúng ta đang gặp một số rào cản và thách thức.

Trước tiên đó là nhận thức chưa đúng đắn và đầy đủ trong xã hội, nhất là ở một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này khiến cho việc ưu tiên về cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Chúng ta chưa có ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, đối tác công-tư, quản lý sử dụng tài sản sản công... cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tức là môi trường hỗ trợ cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa thực sự thuận lợi.

Thứ hai là các rào cản về nguồn lực, trong đó có vấn đề tài chính, cơ sở hạ tầng văn hóa bao gồm cơ sở vật chất, hệ thống quản lý nghệ sỹ và tác phẩm, quy chế bảo vệ bản quyền và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa.

Khán giả tại Hà Nội diện 'dress code' đen-hồng để chào đón BlackPink.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Về nguồn nhân lực, tôi cho rằng cần có hệ thống giáo dục và đào tạo phong phú, đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, và sáng tác... Để phát triển công nghiệp văn hóa trong nước, chúng ta cần có sự đầu tư và chăm sóc cho các nghệ sỹ, người làm quản lý văn hóa, nghệ thuật trong nước, để thúc đẩy sự sáng tạo và sản xuất nội dung đa dạng và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả trong nước, và dần hướng ra thị trường khu vực và quốc tế.

- Thông tin BlackPink đến Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ, nhưng chương trình này liên tiếp vấp phải những “lùm xùm”, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề đường lưỡi bò ẩn hiện trên trang web của công ty tổ chức... Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm gì?

Ông Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đã khá chặt chẽ trong việc cấp phép và kiểm duyệt các chương trình nghệ thuật. Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Chính phủ đã có những tác dụng nhất định trên thực tiễn.

Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa, cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi và đánh giá hoạt động của các công ty tổ chức sự kiện và nghệ sỹ liên quan, đề phòng các vi phạm tiềm ẩn.

Việc tuyên truyền và giáo dục về các quy định liên quan đến thể hiện chủ quyền quốc gia trong các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật sẽ tạo nền tảng hiểu biết rõ ràng cho cộng đồng, công ty tổ chức sự kiện và các bên liên quan.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan quản lý ở địa phương có trách nhiệm đảm bảo rằng các nội dung được phát sóng hoặc trình chiếu là phù hợp với quy định và pháp luật.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc kiểm soát nội dung quả thực khó khăn bởi có rất nhiều nguồn cung cấp nội dung từ nước ngoài, vậy nên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ cả các cơ quan quản lý và toàn xã hội, nhất là cộng đồng mạng.

- Xin cảm ơn ông./.

Doanh thu từ công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã đóng góp cho nền kinh tế nước này khoảng 120 tỷ USD/năm, chiếm 2,6% thị phần toàn cầu. Theo thống kê của Touring Data, Born Pink World Tour của nhóm nhạc BlackPink là chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất mọi thời đại, đã chạm mốc 164 triệu USD. Doanh thu riêng mỗi show trung bình là hơn 3 triệu USD (hơn 70 tỷ đồng).

Tại Hà Nội, giá vé dao động từ 1,4 đến 9,8 triệu đồng, tính trung bình giá vé BlackPink là 5 triệu đồng, nhân với 67.000 vé (theo báo cáo của ban tổ chức lên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội), doanh thu Born Pink World Tour Hanoi vào khoảng 335 tỷ đồng (khoảng 14,1 triệu USD).

So sánh số liệu từ Touring Data, mức thu này khá đồng đều so với các concert của BlackPink tại châu Á.

Cụ thể: Trong buổi trình diễn tại Bulacan, Philippines hồi 25-26/3, BlackPink bán 92.720 vé, thu 14,1 triệu USD; Tại concert ở Jakarta, Indonesia ngày 11-12/3 nhóm nhạc đến từ YG thu 17,1 triệu USD từ 113.740 khán giả; Tại buổi diễn tại Thái Lan, ngày 7-8/1, nhóm thu 12,3 triệu USD từ 66.211 khán giả.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục