Sự khởi đầu của vai trò mới của quân đội Mỹ tại Iraq

Ngày 26/7, lãnh đạo Mỹ và Iraq đã đạt được thỏa thuận chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq.
Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Baghdad (Iraq), ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức thông báo kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq vào cuối năm 2021 sau hơn 18 năm Mỹ triển khai quân đội tại quốc gia Trung Đông này, có thể coi là dấu mốc đối với sự can dự của Washington tại chiến trường Iraq.

Đây là kết quả mới nhất sau nhiều tuần "đối thoại chiến lược" giữa hai bên về tương lai của quân đội Mỹ tại Iraq, các cuộc tấn công của các nhóm liên kết với Iran và lo ngại về sự trỗi dậy của nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi là cuộc gặp thứ 2 trong số 3 cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Đông của ông Joe Biden kể từ khi lên nắm quyền, sau cuộc gặp với Quốc vương Abdullah của Jordan và trước cuộc gặp tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett.

Điều này cho thấy cả Mỹ và Iraq đều coi trọng quan hệ đối tác chiến lược song phương và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm như hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận năm 2008 quy định việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, y tế và an ninh, bao gồm các nỗ lực chung nhằm đánh bại nhóm IS tự xưng.

Trong chuyến thăm Mỹ lần này, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Thủ tướng al-Kadhimi là đạt được một mốc thời gian cụ thể hơn cho việc rút quân "tham chiến" của Mỹ trong bối cảnh ông đang phải chịu sức ép ngày càng gia tăng từ tâm lý chống Mỹ và sự phản đối các lực lượng nước ngoài tại Iraq.

Hiện có khoảng 3.500 binh lính nước ngoài vẫn đang đồn trú trong lãnh thổ Iraq, trong đó có 2.500 lính Mỹ, vốn được điều động tới Iraq để tham gia liên quân đa quốc gia trong cuộc chiến với các phần tử IS tự xưng, lực lượng đã chiếm 1/3 lãnh thổ của Iraq.

Gần 3 năm sau tuyên bố đánh bại tổ chức IS, sự hiện diện của quân đội Mỹ làm gia tăng căng thẳng chính trị, xã hội tại Iraq khi quốc gia này trở thành "chiến trường ủy nhiệm" trong cuộc đối đầu "ăn miếng trả miếng" giữa Washington và Tehran vào năm 2019.

[Mỹ, Iraq đạt thỏa thuận kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ]

Các phe phái Hồi giáo dòng Shiite trong quốc hội Iraq và các nhóm vũ trang có ảnh hưởng liên kết với Iran, một phần tạo nên Lực lượng huy động nhân dân (PMF), gia tăng các động thái phản đối sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Iraq sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đặc biệt khi Mỹ tiến hành vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế ở Baghdad khiến Tướng Qassem Soleimani của Iran và chỉ huy nhóm vũ trang Iraq Abu Mahdi al-Muhandis thiệt mạng.

Điều này khiến Hội đồng Đại diện Iraq đã phải thông qua một nghị quyết không ràng buộc về việc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq.

Chính vì vậy, Thủ tướng Kadhimi ở trong tình thế khó khăn khi phải cố gắng cân bằng giữa sức ép từ các phe phái chính trị có liên hệ với Iran trong chính phủ của ông, những người muốn loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ và nhu cầu liên tục của Iraq về sự hỗ trợ quân sự quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Iran và Mỹ vẫn leo thang cạnh tranh nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Iraq, ông al-Kadhimi cũng phải tìm cách ứng xử cân bằng trong mối quan hệ với Washington và Teheran.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 26/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước chuyến thăm, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Iraq al-Kadhimi khẳng định “không cần bất kỳ lực lượng tác chiến nước ngoài nào trên đất Iraq” bởi người Iraq giờ đây đã sẵn sàng đứng trên đôi chân của mình và tự bảo vệ mình.

Tuy nhiên, ông cũng thận trọng nhấn mạnh rằng Baghdad không tìm kiếm một cuộc rút quân hoàn toàn khi mối đe dọa về sự trỗi dậy của IS vẫn luôn hiện hữu tại quốc gia này. Ông al-Kadhim cho biết Iraq sẽ vẫn tiếp tục cần được hỗ trợ từ lực lượng Mỹ ở quốc gia này trong công tác huấn luyện, tình báo, nâng cao năng lực và tư vấn cũng như hợp tác an ninh.

Về phần mình, một trong những mục tiêu quan trọng trong cuộc gặp lần này của chính quyền Tổng thống Biden là tìm cách ngăn chặn các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang nhằm vào các căn cứ của Mỹ và liên quân ở Iraq. Đã có ít nhất 8 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào lực lượng của Mỹ cũng như 17 cuộc tấn công bằng tên lửa kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Một.

Các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ được cho là do lực lượng do Iran hậu thuẫn, trong đó chủ yếu là lực lượng PMF. Việc các cơ sở quân đội Mỹ bị tấn công trở thành vấn đề gây “đau đầu” đối với Tổng thống Biden.

Trong chính Đảng Dân chủ, một số nhà lập pháp đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ có nguy cơ leo thang thành xung đột chính thức, đặc biệt nếu một thành viên của quân đội Mỹ bị thiệt mạng, đồng thời tìm cách kìm hãm khả năng Nhà Trắng đưa ra hành động mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Trong khi đó, một số đảng viên Đảng Cộng hòa lại chỉ trích chính quyền Biden quá mềm mỏng trong các phản ứng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden mong muốn nỗ lực hơn nữa từ Baghdad để ngăn chặn bạo lực và muốn Iraq là điểm tựa cho sự ổn định ở Trung Đông. Mỹ không chỉ muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào của Iraq, mà còn cần bảo đảm sự ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, trong đó có nỗ lực hỗ trợ Iraq giảm phụ thuộc vào Iran, đặc biệt là về năng lượng.

So với quyết định rút hết quân khỏi Afghanistan, cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với cuộc xung đột ở Iraq hoàn toàn khác khi tìm kiếm một mối quan hệ đối tác quân sự lâu dài. Việc Tổng thống Biden cam kết tiếp tục hợp tác với Iraq trong các công việc huấn luyện, hỗ trợ quân đội Iraq đối phó với nhóm khủng bố IS tự xưng chứng tỏ không chỉ Baghdad mà cả Washington cũng không muốn cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ quân sự với Iraq.

Ở Iraq, Lầu Năm Góc đã đào tạo hàng trăm nghìn người Iraq trong những năm gần đây, những người đã dẫn đầu cuộc chiến chống IS, với sự hỗ trợ hiệu quả của không lực và thông tin tình báo của quân đội Mỹ.

Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo tại cuộc gặp cho thấy cả Mỹ và Iraq đều coi trọng mối quan hệ đối tác này. Tổng thống Biden khẳng định quan hệ hai nước đang bước vào một giai đoạn mới.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về sự hỗ trợ của Washington trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, hỗ trợ cho khu vực tư nhân Iraq và hợp tác về biến đổi khí hậu. Theo đó, Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ sớm gửi 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19 tới Iraq trong vài tuần tới.

Đối với Thủ tướng Iraq al-Kadhimi, sự công nhận chính thức của Tổng thống Biden về thay đổi nhiệm vụ của lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq thể được coi là một chiến thắng chính trị cho ông al- Kadhimi, có thể giúp đảm bảo sự ổn định hơn của các cuộc bầu cử liên bang của Iraq sẽ diễn ra vào tháng Mười, đồng thời làm hài lòng các phe phái chống Mỹ ở Iraq để chấm dứt các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào lực lượng Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục